Vụ đại úy cầm súng AK cướp tiệm vàng: Quy định về sử dụng súng quân dụng thế nào?

Quang Trung Thứ ba, ngày 02/08/2022 16:28 PM (GMT+7)
Bước đầu điều tra, cơ quan công an xác định Ngô Văn Quốc, người dùng súng AK cướp tiệm vàng ở TP Huế là cán bộ Trại giam Bình Điền. Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về quy định sử dụng súng quân dụng hiện nay?
Bình luận 0

Đại úy cầm súng AK cướp tiệm vàng

Như Dân Việt đã thông tin, Công an tỉnh TT-Huế cho biết, vào khoảng 12h40 ngày 31/7, tại tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi chợ Đông Ba (TP Huế), trong lúc lực lượng bảo vệ chợ nghỉ trưa thì có một nam thanh niên, sử dụng súng AK bắn 1 phát chỉ thiên, sau đó bắn vào tủ kính tiệm vàng khiến tủ kính đựng vàng vỡ nát.

Đối tượng sau đó lấy 2 khay đựng vàng ném vung vãi ở trước cửa tiệm và cầm súng đi bộ về hướng cầu Gia Hội.

Vụ đại úy cầm súng AK cướp tiệm vàng: Quy định về sử dụng súng quân dụng? - Ảnh 1.

Thời điểm gây án, Quốc mang sắc phục công an với quân hàm đại uý. Ảnh người dân cung cấp

Sau thời gian được đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc công an tỉnh trực tiếp vận động, thuyết phục, ổn định tâm lý, đối tượng đã hạ vũ khí và bị lực lượng công an ập đến bắt giữ.

Bước đầu xác định, người cướp tiệm vàng là Ngô Văn Quốc (SN 1984, trú tại thị xã Hương Thủy, TT-Huế). Thời điểm gây án, Quốc mặc sắc phục công an, đeo quân hàm đại uý và có dấu hiệu tâm lý bất thường dẫn đến hành vi mất kiểm soát.

Quá trình điều tra, Công an tỉnh TT-Huế kết luận Ngô Văn Quốc là cán bộ Trại giam Bình Điền (thuộc Bộ Công an).

Quy định về sử dụng súng quân dụng

Sau vụ đại úy cầm súng AK cướp tiệm vàng, bạn đọc đặt câu hỏi, pháp luật quy định thế nào về việc sử dụng súng quân dụng? Nếu đại úy này bị tâm thần thì có bị xử lý hình sự?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hoàng Hương Giang - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Vũ khí quân dụng là vũ khí được sử dụng chủ yếu cho lực lượng vũ trang theo quy định của Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Bao gồm: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Cảnh sát biển; Công an nhân dân; Cơ yếu; Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm lâm, Kiểm ngư; An ninh hàng không; Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan.

Về nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng được quy định tại Điều 22 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, phải thực hiện trong các trường hợp như khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; Khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều này,…

Theo luật sư Giang, người được giao sử dụng vũ khí quân dụng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng vũ khí quân dụng khi đã tuân thủ đúng quy định.

Trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng vũ khí quân dụng để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, pháp luật cũng nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân mua bán, chiếm đoạt, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Liên quan đến vụ việc đại úy sử dụng súng AK cưới tiệm vàng ở Huế, luật sư Giang cho rằng, trong trường hợp này, cơ quan điều tra sẽ phải tiến hành việc trưng cầu giám định loại súng, nguồn gốc khẩu súng mà đối tượng sử dụng.

Trong trường hợp có căn cứ xác định đây là súng quân dụng đối tượng được đơn vị giao quản lý, sử dụng khi làm nhiệm vụ nhưng đối tượng lợi dụng việc sử dụng vũ khí quân dụng để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đây là hành vi vi phạm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự 2015.

Ngoài ra, theo luật sư Giang, nếu nhìn nhận hành vi của đại úy Ngô Văn Quốc là bất thường, cơ quan điều tra có thể trưng cầu giám định tâm thần để làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc, làm rõ mức độ nhận thức, điều khiển hành vi của đối tượng này khi thực hiện hành vi cướp tài sản.

Nếu kết quả giám định cho thấy, thời điểm thực hiện hành vi đối tượng mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, có thể sẽ không bị khởi tố bị can.

Còn trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy, đối tượng hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhưng coi thường pháp luật và thực hiện hành vi phạm tội thì vẫn bị xử lý, thậm chí bị xử lý nghiêm minh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem