Vụ dân khiếu nại kênh công cộng bị bao chiếm gần 20 năm: Huyện Cái Nước áp dụng cách "lưu trữ mới"?

Hoàng Hạnh Thứ ba, ngày 08/02/2022 15:45 PM (GMT+7)
UBND huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau vừa có văn bản phản hồi bài viết “Cà Mau: Người dân khiếu nại kênh công cộng bị bao chiếm gần 20 năm chưa được giải quyết”, đăng trên báo điện tử Dân Việt ngày 5/1 nói rằng bộ phận văn thư đã có sơ suất, đồng thời áp dụng cách "lưu trữ mới".
Bình luận 0

Cụ thể, bài viết phản ánh việc nhiều hộ dân ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước khiếu nại về việc hai anh em ông Huỳnh Văn Đợi và Huỳnh Văn Tới, ngụ cùng địa phương tự ý đắp đập bao chiếm kênh công cộng có chiều dài hơn 400m từ 2002 đến nay, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Vụ dân khiếu nại kênh công cộng bị bao chiếm gần 20 năm: Huyện Cái Nước áp dụng cách 'lưu trữ mới' ? - Ảnh 1.

Người dân chỉ tay về con kênh được cho là kênh công cộng với nguồn nước đen ngòm vì bị con đập ngăn dòng chảy nhiều năm. Ảnh: Hoàng Hạnh.

Theo đó, vào năm 2002, ông Nguyễn Văn Nhựt, nguyên Chủ tịch UBND huyện Cái Nước đã ký Quyết định số 1086/QĐ-UB ngày 25/7/2002 Về việc thu hồi và điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Huỳnh Văn Đợi, phần đất tọa lạc tại ấp Đồng Tâm, thị trấn Cái Nước; đồng thời buộc ông Đợi tháo dỡ con đập trả lại hiện trạng ban đầu, vì ông Đợi đăng ký làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bao trùm qua con kênh công cộng thuộc ấp Đồng Tâm, thị trấn Cái Nước, và anh em ông Đợi tự ý đắp trái phép kênh công cộng để nuôi tôm.

Tuy nhiên, hai năm sau, vào ngày 13/5/2004, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước Nguyễn Văn Ba (người kế nhiệm ông Nhựt – PV) đã ký Quyết định số 507/QĐ-CTUB Về việc thu hồi hủy bỏ Quyết định 1086 ngày 25/7/2002 của Chủ tịch huyện tiền nhiệm Nguyễn Văn Nhựt…

Trước đó, phóng viên được ông Huỳnh Hùng Em – Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Nước đương nhiệm cung cấp qua Zalo Quyết định 507 do nguyên Chủ tịch UBND huyện Cái Nước Nguyễn Văn Ba ký ở thời điểm đó, nhưng không được đóng dấu theo quy định.

Tiếp đến, ngày 30/12/2021, ông Hùng Em tiếp tục gửi lại cho phóng viên Quyết định 507 nói trên (bản photocopy), nhưng lần này quyết định được đóng dấu của UBND huyện Cái Nước (không phải dấu mộc đỏ).

Vụ dân khiếu nại kênh công cộng bị bao chiếm gần 20 năm: Huyện Cái Nước áp dụng cách 'lưu trữ mới' ? - Ảnh 2.

Văn bản phúc đáp của UBND huyện Cái Nước cho phóng viên có đoạn cho rằng huyện này vận dụng cách "lưu trữ mới" ngoài Nghị định 110/2004/NĐ-CP. Ảnh: Tân An.

Sau khi bài viết được đăng tải, phóng viên đã gửi câu hỏi đến chính quyền huyện Cái Nước với nội dung xoay quanh việc cùng một Quyết định 507 do ông Nguyễn Văn Ba ký vào ngày 13/5/2004 lại có đến hai bản: Một bản không đóng dấu, và một bản có đóng dấu…

Ngày 21/1, UBND huyện Cái Nước có Văn bản số 223, phúc đáp nội dung câu hỏi của phóng viên, huyện này xác định: Việc yêu cầu cung cấp thông tin của phóng viên được Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Hùng Em gửi qua Zalo cho phóng viên Quyết định 507 là Quyết định lưu tại kho lưu trữ của UBND huyện, và Văn phòng HĐND và UBND huyện Cái Nước ngoài việc thực hiện theo Nghị định 110/2004/ NĐ – CP của Chính phủ về công tác văn thư, đồng thời huyện này cũng vận dụng "cách lưu trữ mới", nhằm phù hợp với công tác thực tế tại đơn vị.

Huyện Cái Nước cũng cho rằng "cách lưu trữ mới" nghĩa là, lưu trữ thêm một bản lưu đã ký nhưng không đóng dấu, mục đích là để khi cần phát hành thêm văn bản giấy, thì không cần trình lãnh đạo UBND huyện ký lại văn bản đó.

Và sở dĩ việc ông Huỳnh Hùng Em – Phó Chủ tịch UBND huyện cung cấp cho phóng viên Quyết định 507 một bản không đóng dấu, và một bản có đóng dấu là do sơ suất của bộ phận văn thư đã chụp cả hai bản (bản không đóng dấu và bản có đóng dấu) cho Phó Chủ tịch huyện để gửi cho phóng viên.

Nhận xét về cách lý giải vận dụng"cách lưu trữ mới" của UBND huyện Cái Nước trong văn bản phúc đáp, một chuyên gia pháp lý cho rằng: Nghị định 110/2004/NĐ – CP của Chính phủ về công tác văn thư đã quy định rõ các bước lưu trữ như thế nào.

Do đó, việc huyện Cái Nước giải thích như thế là chưa phù hợp, vì đây là hoạt động quản lý Nhà nước về công tác văn thư thì không cho phép việc này. "Ví dụ văn bản đã ký rồi, chẳng lẻ 100 năm sau lại đem ra đóng dấu" -vị này ví von.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem