Vị trí của các cô giáo chính là trên bục giảng (ảnh minh hoạ). Nguồn: Internet
Câu chuyện về 21 nữ giáo viên thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) bị UBND thị xã điều động đi làm lễ tân, tiếp khách xảy ra trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đang thu hút sự chú ý và gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, sự “điều động” sai nhiệm vụ này không phải cá biệt.
Không chỉ là lời mời, chén rượu
Trước đó, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã có văn bản điều động 21 nữ giáo viên từ cấp mầm non đến THCS trên địa bàn tham gia phục vụ lễ tân cho Liên hoan Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh tổ chức vào tháng 8. Tuy nhiên, theo phản ánh của các nữ giáo viên, không chỉ phải làm lễ tân, phục vụ các sự kiện, sau đó họ còn bị điều động vào các hoạt động sai mục đích trong văn bản như: ăn nhậu, hát hò với quan khách trong các bữa tiệc thiết đãi.
Các cô giáo cho biết, việc thường xuyên phải đi tiếp khách theo “tráp” của UBND thị xã đã khiến các cô gặp nhiều phiền toái trong các mối quan hệ của gia đình mình. Thậm chí, nhiều cô bị người thân xung quanh bàn tán, bình phẩm. Ngoài ra theo các giáo viên, việc đi tiếp khách cho lãnh đạo không đúng chuyên môn còn ảnh hưởng đến việc giảng dạy của các cô tại trường học.
Đây không phải là trường hợp cá biệt, nhiều giáo viên cũng cho biết, họ thường xuyên được điều động tham gia vào công việc tiếp khách, làm lễ tân cho các sự kiện diễn ra trong ngành, tại địa phương nơi mình công tác.
Cô N.T.H từng là giáo viên cắm bản tại một trường mầm non trên địa bàn huyện Bát Xát (Lào Cai) kể: Tại nơi cô dạy học, chủ yếu là người dân tộc Mông, Hà Nhì sinh sống. Thỉnh thoảng có khách miền xuôi thuộc các đoàn công tác đến làm việc, các cô giáo lại được nhờ tiếp khách hộ, rồi tham gia các buổi tiệc tiếp đãi khách.
“Các giáo viên có trình độ, biết ăn nói, thông thạo phong tục tập quán địa phương, xã giao tốt nên lãnh đạo địa phương rất tin tưởng nhờ cậy. Tuy vậy, một vài lần thì được, chứ thường xuyên rất mệt mỏi” – cô H cho biết.
Cũng theo cô H, nhiều giáo viên hồi mới lên nhận trường, một giọt rượu cũng không biết uống. Nhưng chỉ vài năm, tham gia các cuộc liên hoan, tiếp khách, “trình” uống rượu lên hẳn…
Cô Trần Thị P – giáo viên một trường tiểu học tại Trạm Tấu (Yên Bái) thì cho rằng: “Nếu chỉ làm lễ tân, tặng hoa các sự kiện quan trọng diễn ra vào ngày không phải dạy thì không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, sau các sự kiện, thông lệ sẽ có tiệc mừng, thiết đãi khách, phải uống rượu, thậm chí mời đi hát karaoke. Phần lớn các giáo viên được “điều động” đều không muốn đi, nhưng khó từ chối vì bị chỉ định bởi cấp trên, không đi sợ bị cho vào “danh sách đen” chống đối mà đi thì rất ái ngại”.
"Việc này tuy nhỏ mà không nhỏ, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và ngành giáo dục cần phải điều chỉnh ngay, không thể để tái diễn ảnh hưởng đến đời sống, uy tín của thầy cô”.
TS Nguyễn Tùng Lâm
|
Cần giữ hình ảnh cho thầy cô
Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc điều động giáo viên đi làm lễ tân, tiếp khách là không đúng. Theo ông Lâm, đó là những việc không thuộc nhiệm vụ của họ. “Huy động một cách kín đáo đã là không nên rồi, đằng này lại làm công văn điều động công khai. Đó là việc làm không thể chấp nhận được” – ông Lâm nói.
Mặc dù chưa từng bị “điều động” kiểu này, nhưng cô Trần Thị Hương Giang – giáo viên tiểu học tại thị xã Vĩnh Bảo (Hải Phòng) cho rằng, việc giữ gìn hình ảnh giáo viên trong mắt phụ huynh, học sinh vô cùng quan trọng. “Có tôn sư mới trọng đạo, từ trước đến nay, giáo viên vẫn được coi là nghề rất nhạy cảm và cần phải… giữ hình ảnh. Trong mắt học sinh, giáo viên đôi khi là thần tượng, còn đối với phụ huynh, giáo viên là nơi tin tưởng gửi gắm con em mình. Chính vì vậy, giáo viên phải giữ gìn từ lời ăn, tiếng nói đến hành động. Không nên để học sinh, phụ huynh nhìn thấy cảnh cô giáo thường xuyên ra vào các quán nhậu, uống rượu hoặc hát karaoke được”.
Ngày 14.11, trả lời báo chí xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, việc điều động các nữ giáo viên làm lễ tân là quan hệ dân sự, chưa đến mức độ nghiêm trọng nhưng chắc chắn là không phù hợp.
Theo ông Nhạ, nếu việc tiếp khách lành mạnh, trong sáng thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, ông Nhạ cũng khẳng định: “Nếu tiếp khách có uống rượu là không được. Theo quy định, công chức, viên chức không được uống rượu trong giờ hành chính, với nhà giáo càng không được” - ông Nhạ nói.
Ông Nhạ cũng cho rằng, cá nhân nhà giáo có những mối quan hệ bè bạn, người thân, nhưng nhà giáo là “tấm gương” với học sinh, đã là tấm gương thì không thể nói chỉ chấp hành các quy chuẩn trong giờ hành chính hay chỉ cần giỏi chuyên môn, “nếu nhà giáo gương mẫu thậm chí còn tốt hơn cả chuyên môn” - ông Nhạ nói.
Cũng theo ông Nhạ, các thầy cô trước hết phải giữ nguyên tắc, phẩm chất của chính mình. Nếu vẫn giữ nguyên tắc mà bị ép buộc thì phải xem ai sai đến đâu xử lý đến đó, không vì nể nang mà vi phạm.
Bộ GDĐT đề nghị tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra
Chiều 14.11, Bộ GDĐT đã có công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh về sự việc 21 nữ giáo viên bị điều đi làm lễ tân, uống rượu tiếp khách. Công văn ghi rõ, Bộ GDĐT cho rằng việc bố trí giáo viên làm các công việc nếu có thể ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của người giáo viên và việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là không phù hợp. Bộ đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo kiểm tra, làm rõ thông tin trên; đề nghị UBND thị xã Hồng Lĩnh tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời nếu đúng như báo chí phản ánh. Đồng thời, đề nghị chính quyền tỉnh Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giáo viên trên địa bàn tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của tỉnh.
Tùng Anh
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.