Tỉnh lúng túng vì thiếu cơ sở pháp lý
Liên quan đến cách hành xử của Tân Đức đối với hơn 30 doanh nghiệp nước ngoài mang tính cách “áp đặt” (từ của Ban Quản lý Khu kinh tế Long An), dư luận cho rằng địa phương xử lý quá chậm. Tuy nhiên, trong toàn bộ diễn biến vụ việc cho thấy, địa phương đã tham gia giải quyết rất tích cực nhưng không có kết quả do không có cơ sở pháp lý.
Cụ thể, từ lãnh đạo tỉnh Long An đến lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế đã có rất nhiều cuộc đối thoại với Tân Đức và các doanh nghiệp có tranh chấp. Tân Đức đòi 33 doanh nghiệp nước ngoài đóng phí duy tu cơ sở hạ tầng là 10.018 đồng/m2 - gần gấp đôi mức trung bình chung so với hàng chục Khu - Cụm công nghiệp đang hoạt động tại Long An.
Xe của Ban Quản lý Khu kinh tế không vào được Công ty Tango Candy vì Tân Đức đổ đất trước cổng doanh nghiệp
Theo con số này, tổng số phí mà 33 doanh nghiệp phải trả trong 3 năm là 18,7 tỷ đồng. Nếu theo mức doanh nghiệp yêu cầu là 8.500 đồng/m2 thì con số giảm xuống khoảng 2,7 tỷ đồng, chia đều cho từng năm thì chênh lệch chỉ còn 900 triệu đồng/năm - số tiền quá nhỏ so với tiềm lực của những nhà đầu tư nước ngoài. Cần phải nói rõ rằng, để hoạt động trong khu công nghiệp này, các nhà đầu tư đã trả tiền thuê đất cho Tân Đức từ 70 - 120 USD/m2, trả một lần cho 50 năm.
Cách tính của Tân Đức vấp phải sự phản ứng của hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây nhưng các doanh nghiệp trong nước về sau đều xuê xoa cho qua. Chỉ có Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản và hơn 20 doanh nghiệp nước ngoài khác quyết không đồng ý.
Đến giờ này, chỉ tính riêng thiệt hại của Công ty Tango Candy cũng đã cao hơn mức chênh lệch mà toàn bộ 33 doanh nghiệp phải đóng nhưng các ông chủ nước ngoài vẫn giữ quan điểm. “Đến chiều 24.3, Tân Đức đã đồng ý hạ xuống mức 8.500 đồng/m2 nhưng ghi là phí tạm thu. Doanh nghiệp nước ngoài cho rằng tạm thu là chưa chính thức, chưa rõ ràng nên không đồng ý. Chúng tôi vẫn phải kiên trì vận động” - ông Nguyễn Văn Tiều - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Long An nói.
Gây hoang mang cho doanh nghiệp nước ngoài
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhùng nhằng tại Khu Công nghiệp Tân Đức đã diễn ra từ năm 2013, khi công ty này muốn áp mức phí quá cao so với mặt bằng chung của tỉnh.
Ngày 11.1.2016, Ban quản lý Khu kinh tế gửi văn bản cho Bộ KHĐT nhờ hướng dẫn xử lý vướng mắc. Theo văn bản này, Tân Đức đã tổ chức đối thoại nhưng các doanh nghiệp không đồng ý vì phí cao. “Mặc dù chưa thống nhất được với các doanh nghiệp về mức thu phí, chưa thể ký hợp đồng về phí sử dụng hạ tầng nhưng Tân Đức vẫn đơn phương buộc doanh nghiệp trả tiền và tính lãi suất trả chậm. Tân Đức còn gây khó khăn cho doanh nghiệp khi làm thủ tục đưa dự án mới đi vào hoạt động như cản trở nhà đầu tư lắp đặt trạm điện, đấu nối nước cấp, thậm chí cúp điện, cúp nước nếu doanh nghiệp không đóng loại phí này.
Việc làm của Tân Đức gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thứ cấp, làm chậm tiến độ triển khai dự án mới, gây hoang mang cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài và làm ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư của tỉnh Long An.
Ban Quản lý khu kinh tế đã trực tiếp làm việc với Tân Đức, có nhiều văn bản yêu cầu Tân Đức phải gặp từng doanh nghiệp để thỏa thuận, thống nhất mức thu và có hợp đồng giữa các bên trước khi thu nhưng Tân Đức không thống nhất ” - văn bản nêu rõ.
Theo văn bản này: “Do Tân Đức không ký hợp đồng về phí nên khi tranh chấp không thể khởi kiện ra tòa nên Ban quản lý Khu kinh tế lúng túng, chưa có cơ sơ sở pháp lý hướng dẫn xử lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, Ban báo cáo và kiến nghị Bộ KHĐT cho ý kiến để thực hiện”.
Tuy nhiên, hơn 2 tháng trôi qua, Bộ vẫn chưa trả lời và Tân Đức tiếp tục có những hành vi “nặng đô” hơn đối với các doanh nghiệp trong nước.
Trước đó, Công ty Tân Đức cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính để xin hướng dẫn về việc thu phí. Tuy nhiên, đến nay Tân Đức cũng chưa được hướng dẫn.
Trong thông cáo báo chí, Tân Đức nêu: “Chúng tôi cũng đã có văn bản xin được thu phí cơ sở hạ tầng và được ban quản lý Khu kinh tế Long An chấp thuận. Đơn giá được áp dụng bình đẳng cho toàn bộ doanh nghiệp đã thuê đất hoặc nhà xưởng trong KCN Tân Đức. Việc mức phí cao hơn so với các KCN xung quanh vì chúng tôi là nơi có môi trường, cơ sở hạ tầng tốt nhất hiện nay. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam nghiêm túc thực hiện đóng phí duy tu cơ sở hạ tầng theo quy định thì một số doanh nghiệp nước ngoài cố tình không đóng.
Mặc khác, có doanh nghiệp còn ngang nhiên công kích, chống đối và lật lọng một cách trắng trợn, tiêu biểu là Công ty Tango Candy của Nhật Bản. Công ty Tango Candy đã lợi dụng sự ưu ái của chính phủ cũng như các cơ quan chức năng Việt Nam và sự nhún nhường của Công ty Tân Đức dành cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, ngang ngược đe dọa và dùng lời lẽ phản cảm để chống lại nhân viên của công ty Tân Đức, trực tiếp ngồi chặn trên khu vực thuộc quyền sở hữu của Tân Đức để ngăn cản cán bộ của Tân Đức thi hành nhiệm vụ”.
Thông cáo báo chí của Tân Đức hoàn toàn trái ngược với báo cáo chính thức của Ban Quản lý Khu kinh tế Long An. Toàn bộ diễn biến vụ việc cho thấy, đến giờ này, hoàn toàn không có một thỏa thuận nào, một hợp đồng nào liên quan đến phí được ký kết giữa Tân Đức và các doanh nghiệp nước ngoài.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.