Ngày 7/12/1941, phát xít Nhật tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng đã gây chấn động cho toàn lục địa Mỹ. Tổng cộng 8 chiến hạm tại căn cứ hải quân bao gồm 3 chiếc tuần dương hạm, 3 chiếc khu trục hạm cùng 5 chiếc tàu khác đã bị đánh chìm hoặc hư hỏng nặng, hàng trăm máy bay đã bị phá hủy. Khoảng 2.400 lính Mỹ và dân thường bị thiệt mạng, 1.200 người khác bị thương. Mỹ bị đẩy vào Thế chiến II theo một cách đột ngột nhất có thể.
Chỉ trong một thời gian ngắn, các lực lượng Nhật đã càn quét Hương Cảng, đánh chiếm Philippines, tiếp quản bán đảo Mã Lai và Singapore, chiếm Đông Ấn thuộc Hà Lan, buộc đơn vị đồn trú của thủy quân lục chiến Mỹ trên đảo Wake (Tây Thái Bình Dương) phải đầu hàng, và rượt đuổi quân Anh ra khỏi Miến Điện. Trên biển, Nhật đã đánh chìm thiết giáp hạm HMS Prince of Wales cùng tuần dương hạm HMS Repulse của Anh…
Ở Thái Bình Dương, người Nhật đã thực hiện những cú đòn không hồi kết. Ban lãnh đạo Mỹ nhận ra rằng điều quan trọng là họ cần phải phản công (đánh trực diện Nhật Bản). Phải mất nhiều thời gian để có thể tập hợp đủ lực lượng, tuy nhiên cho đến khi đó có vẻ như máy bay Mỹ không có bom để đánh Nhật Bản? Ngày 21/12/1941, tức chỉ 2 tuần sau vụ tấn công Trân Châu Cảng, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt nói với Tổng tham mưu trưởng rằng nên đánh bom Nhật càng sớm càng tốt. Nhưng câu hỏi hóc búa là: làm thế nào để đánh bom Nhật Bản?
Hải quân Mỹ có các oanh tạc cơ có thể phóng từ tàu sân bay song tầm hoạt động của chúng rất ngắn. Vì thế các tàu sân bay phải đi tới giới hạn trong vòng 200 hải lý của lãnh hải Nhật Bản, vô tình đặt chúng trong tầm khai hỏa của các loại oanh tạc cơ của Nhật. Rủi ro đối với các tàu sân bay – cốt lõi của nỗ lực chiến tranh của Mỹ ở Thái Bình Dương – là quá cao trong khi cuối cùng chỉ là một cuộc tấn công mang tính biểu tượng. Không lực lục quân Mỹ có các loại oanh tạc cơ tầm xa 2 và 4 động cơ, song lại không có căn cứ bay nào đủ gần để cất cánh, bỏ bom Nhật và bay trở về. Đó dường như là một trở ngại khó hóa giải cho đến ngày Đại úy hải quân Mỹ Francis S. Low bay qua Chambers Field (trạm hải quân Norfolk, tiểu bang Virginia) và nhìn xuống dưới.
Bên dưới là một đường băng được sơn với đường viền của boong tàu sân bay. Có vẻ như không có gì lạ khi mà các phi công tàu sân bay luôn cất và hạ cánh trên những sàn mô phỏng như vậy. Tuy vậy, ngày hôm đó lại có một số oanh tạc cơ 2 động cơ của Lục quân đậu gần đó. Một tia sáng lóe lên trong đầu Low, ông liên tưởng kết nối những chiếc oanh tạc cơ của Lục quân với đường viền boong sơn liền kề. Low suy nghĩ nhanh tại sao không kết hợp 2 chiếc oanh tạc cơ Lục quân tầm xa được phóng từ boong tàu sân bay Hải quân?
Chọn người và máy bay thích hợp
Ngày 10/1/1942, Đại úy Francis S. Low (trợ lý Tham mưu trưởng về tác chiến chống tàu ngầm) đã trình bày ý tưởng lạ của mình lên cho Đô đốc Ernest J. King, Tổng tư lệnh Hạm đội Mỹ. Cho rằng ý tưởng đắt giá, ông King chuyển nó cho ông Henry "Hap" Arnold, Tổng chỉ huy Không lực lục quân Mỹ. Cũng thích ý tưởng không kém, ông Arnold đã bắt đầu lên kế hoạch cho một nhiệm vụ tuyệt mật nhằm phóng các oanh tạc cơ tầm xa từ tàu sân bay để tấn công trực diện Nhật Bản.
Để tổ chức cuộc đột kích thành công, ông Arnold đã chọn Trung tá James Harold "Jimmy" Doolittle, một phi công bay thử nghiệm kiêm kỹ sư hàng không nổi tiếng trước chiến tranh. Doolittle đã cách mạng hóa ngành hàng không bằng cách bay bằng thiết bị tiên phong nhằm cho phép phi công cất cánh, bay, hạ cánh, bất kể tầm nhìn ra sao. Tuy nhiên, ngoài việc là quân nhân dự bị hay sĩ quan tại ngũ, Doolittle lại không có kinh nghiệm chiến đấu: suốt Thế chiến I, ông bị giữ lại với tư cách là hướng dẫn bay.
Đối với việc Hap Arnold chọn Doolittle cho một sứ mạng cực kỳ quan trọng dù biết rằng người được chọn có nhiều thiếu sót, chính là đã có ý đồ trao sự tin cậy cho người phi công. Trong tâm trạng phấn chấn, Doolittle lập tức lên đường. Nhiệm vụ đầu tiên là lựa oanh tạc cơ phù hợp với công việc. Nó cần phải đạt phạm vi bay xấp xỉ 2.400 hải lý trong lúc chở theo quả bom 907 kg.
Trong số các máy bay được thử nghiệm, các lựa chọn bao gồm Douglas B-18 Bolo, Douglas B-23 Dragon và Martin B-26 Marauder. Hai loại oanh tạc cơ B-18 và B-23 có sải cánh kềnh càng vốn là trở ngại đối với hoạt động tàu sân bay: rủi ro va đụng siêu cấu trúc là cao. Chúng chiếm nhiều không gian do đó số lượng đem lên tàu sân bay không nhiều. B-26 không có vấn đề, song đặc điểm cất cánh của nó lại không phù hợp với boong tàu sân bay. Vì vậy Doolittle bắt đầu để mắt tới loại máy bay chưa được thử nghiệm: North American B-25 Mitchell.
Máy bay 2 động cơ B-25 được thiết kế để đáp lại lời mời chào của Quân đoàn không quân năm 1939, đó là việc tìm kiếm loại máy bay có thể chở được một quả bom nặng 1.088,6 kg cho chặng bay 1.200 hải lý với tốc độ 300 dặm/ giờ. Hàng không Bắc Mỹ tung ra loại máy bay vượt quá yêu cầu về tải trọng bom và phạm vi: quả bom nặng 1.360,7 kg, chặng bay 1.350 hải lý, và đạt tốc độ 272 dặm / giờ. Nó bay lần đầu tiên năm 1940 và đưa vào biên chế năm 1941.
Chiếc B-25 chưa được thử nghiệm lâm trận, song trên giấy tờ nó dường như khớp với nhu cầu của Doolittle. Vì vậy ông bắt đầu thử nghiệm B-25 và xem liệu nó có hoạt động tốt cho nhiệm vụ thực tế như trên lý thuyết hay không. 2 chiếc B-25 được đặt lên boong tàu sân bay USS Hornet và rời boong vào ngày 3/2/1942 mà không gặp sự cố gì. Doolittle bắt đầu tìm kiếm và đào tạo phi đội cho cuộc đột kích.
Doolittle tìm thấy họ trong Nhóm oanh tạc số 17, lái những chiếc B-25B trong nhiệm vụ tuần tra diệt tàu ngầm ở ngoài khơi biển tiểu bang Oregon. Nhóm này được chuyển đến Nam Carolina thực hiện các nhiệm vụ bay tương tự như ở duyên hải Đông Hoa Kỳ. Khi họ trở về, Doolittle hỏi họ làm tình nguyện viên cho "nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm", gần như toàn bộ đã tiến về phía trước.
Trận đánh thay đổi lịch sử
Doolittle đã chọn 24 thành viên tình nguyện, 22 chiếc B-25 của Nhóm oanh tạc 17 được gửi tới trung tâm biến cải ở Minneapolis nhằm thay đổi cấu trúc cho chúng. Đứng đầu trong số đó là việc bổ sung các thùng nhiên liệu phụ và ngăn chứa nhiên liệu nhằm tăng sức chứa từ 646 lên thành 1.141 gallon. Nhằm tạo không gian và bù lại trọng lượng nhiên liệu tăng thêm, tháp pháo dưới cũng như trạm vô tuyến đã được loại bỏ, trong khi đó khung ngắm bom tiêu chuẩn Norden đã được thay thế bằng một thiết bị tạm ngẫu hứng và nhẹ nhàng hơn.
Khi máy bay đã sẵn sàng, phi đội được cử đến để đón chúng và bay thử đến Eglin Field (Tây Florida). Tại đây, bắt đầu từ ngày 1/3/1942, Doolittle đã cho các tình nguyện viên tham gia khóa huấn luyện 3 tuần cam go nhằm chuẩn bị chiến đấu thực tế. Họ tập trung vào bay đêm tầm thấp, đánh bom tầm thấp, điều hướng đại dương, mô phỏng boong tàu sân bay cất cánh.
Hai chiếc B-25 bị hỏng trong các sự cố riêng rẽ, trong khi một phần ba đã bị xóa sổ vì các lỗi máy móc. Những chiếc còn lại bay đến California và đến Kho hàng không Sacramento vào ngày 27/3. Tại đó, chúng được sửa đổi và kiểm tra lần cuối, 16 chiếc tốt nhất đã bay tới trạm không hải quân Alameda vào ngày 31/3. Ngày hôm sau, những chiếc B-25 (mỗi chiếc chở theo 4 quả bom nặng 226,7 kg, 3 vật liệu nổ cao và 1 chất gây cháy, cùng với 5 phi hành đoàn và nhân sự bảo trì, tất cả cùng có mặt trên tàu sân bay USS Hornet.
Chiếc tàu sân bay và đội hộ tống của nó là Đặc nhiệm 18 đã đi từ San Francisco vào ngày 2/4. Đến Bắc Hawaii vào ngày 12, họ liên kết với tàu sân bay USS Enterprisevà Đặc nhiệm 16, được chỉ huy bởi Phó đô đốc William F. "Bull" Halsey. Khi Halsey thông báo với Đặc nhiệm 16 rằng họ sẽ đến Tokyo, tất cả các thủy thủ đều reo hò phấn khích, các phi công từ con số 0 đã trở thành anh hùng.
Sáng ngày 18/4/1942, họ đã bị tàu địch phát hiện khi chỉ còn cách lục địa Nhật Bản 750 hải lý. Sợ rằng sẽ mất đi yếu tố bất ngờ nên quyết định đưa ra là sẽ tổ chức oanh tạc ngay lập tức, sớm hơn 10 tiếng và ở khoảng cách 170 hải lý tính từ thềm lục địa Nhật Bản so với kế hoạch ban đầu. Lúc 8h20 phút sáng, Doolittle bay chiếc B-25 đầu tiên rời tàu sân bay Hornet, đến khoảng 9h19 phút thì 15 chiếc khác đã nối đuôi nhau cất cánh. Để tránh việc bị phát hiện, họ đã bay thấp trực chỉ Nhật Bản. Họ đến vào lúc trưa và đánh bom hàng loạt mục tiêu từ Tokyo, Yokohama, Kobe, Osaka, Nagoya và Yokosuka.
Những chiếc B-25 có thể cất cánh trên tàu sân bay nhưng lại không thể hạ cánh. Vì thế, theo kế hoạch, 15 chiếc B-25 tiếp tục bay ngược lên hướng Tây và trực chỉ Trung Quốc, nơi chúng bị rơi. Những chiếc khác sẽ lên đường đến Vladivostok, nơi họ bị Liên Xô đánh chặn. 3 trong số 80 người thành viên phi đội đã hy sinh. 8 người bị Nhật bắt (3 người bị hành quyết và 1 người chết trong thời gian bị giam).
Cuộc đột kích để lại tác động tâm lý mạnh mẽ ở đôi bờ Thái Bình Dương. Doolittle được trao tặng Huân chương danh dự. Người Nhật cũng tìm cách giữ thể diện thông qua việc chiếm đảo Midway (Bắc Thái Bình Dương) chỉ vài tuần sau đó. Lính Nhật phản công thần tốc song kết cục lại bị đả bại thê thảm trong Chiến địa Midway, trận chiến đã xoay chuyển cục diện chiến tranh Thái Bình Dương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.