Vụ Giám đốc doanh nghiệp tự tử tại tòa ở Đà Nẵng: Quy trình xem xét sau khi Chủ tịch nước yêu cầu làm rõ

Quang Trung Chủ nhật, ngày 12/12/2021 14:16 PM (GMT+7)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ thông tin về vụ việc ông Võ Văn Cường tự tử tại Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Sau chỉ đạo của Chủ tịch nước, quy trình xem xét vụ án thế nào là điều nhiều người quan tâm.
Bình luận 0

Chủ tịch nước yêu cầu làm rõ, quy trình xem xét ra sao?

Như Dân Việt đã thông tin, vợ, chồng ông Võ Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH MTV Land Hà Hải, là bị đơn trong vụ án dân sự "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bồi thường hợp đồng" đã uống thuốc diệt côn trùng tự vẫn ngay tại phiên tòa vì cho rằng Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn thiếu công tâm khi xét xử vụ án.

Vụ Giám đốc doanh nghiệp tự tử tại tòa ở Đà Nẵng: Quy trình xem xét sau chỉ đạo của Chủ tịch nước - Ảnh 1.

Ông Cường uống thuốc diệt côn trùng tự tử tại Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn sáng 8/12. Ảnh: CTV

Sau khi xem xét thông tin trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo, kiểm tra làm rõ nội dung thông tin vụ việc nêu trên, báo cáo với Chủ tịch nước về kết quả kiểm tra trước ngày 20/12/2021.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, sự việc tự tử xảy ra tại tòa án ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành tòa án, cho thấy sự mất an toàn trong hoạt động xét xử và có sự nghi ngờ tính khách quan trong việc giải quyết vụ án.

Bởi vậy, Chủ tịch nước có ý kiến chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra xem xét, làm rõ sự việc để xử lý theo quy định của pháp luật là cần thiết và thể hiện sự quan tâm của vị Nguyên thủ quốc gia đối với hoạt động tư pháp của nước nhà.

Theo Tiến sĩ Cường, sau khi có ý kiến của Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ kiểm tra, xem xét làm rõ sự việc này, yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện và Viện kiểm sát ngang cấp xác minh và báo cáo sự việc.

Việc xem xét sự việc sẽ được tiến hành dưới hai góc độ. Thứ nhất là nguyên nhân, diễn biến, hành vi và hậu quả của việc đương sự tự tử tại tòa án; thứ hai là phải xem xét tính đúng đắn trong quá trình giải quyết vụ án của tòa án cấp sơ thẩm này.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy việc xét xử của tòa án cấp sơ thẩm không đúng pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, áp dụng sai pháp luật, kết quả giải quyết vụ án không phù hợp với kết quả tranh tụng tại phiên tòa thì Viện kiểm sát cùng cấp sẽ kháng nghị bản án sơ thẩm để tòa án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết lại toàn bộ nội dung vụ án này.

Cơ quan thanh tra Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ trực tiếp làm việc với lãnh đạo và thẩm phán tòa án quận để làm rõ sự việc, trong trường hợp có sai phạm của cán bộ tòa án, sẽ kiến nghị hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ việc này sẽ có kết luận thanh tra, lãnh đạo Tòa án cấp quận, cấp tỉnh sẽ phải báo cáo sự việc cho lãnh đạo Tòa án tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ báo cáo lại kết quả cho Chủ tịch nước theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, với chức năng thực hiện quyền công tố và giám sát tại phiên tòa, Viện kiểm sát cùng cấp cũng có trách nhiệm kiểm điểm, báo cáo và làm rõ sự việc này để báo cáo với các cơ quan cấp trên theo quy định.

"Chưa biết là việc tự tử của đương sự có lỗi của những người tiến hành tố tụng trong vụ án này hay không, tuy nhiên để sự việc xảy ra tại tòa án, những người tiến hành tố tụng và cơ quan tố tụng cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc, có những giải pháp phòng ngừa để tránh những sự việc tương tự có thể xảy ra, ảnh hưởng đến uy tín của ngành tòa án, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của đương sự" – Tiến sĩ Cường nhấn mạnh.

Tự tử sau khi tòa tuyên án

Ngày 8/12, Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) đã tuyên án phiên xét xử sơ thẩm vụ án dân sự "tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bồi thường hợp đồng" giữa Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, trụ sở tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Công ty TNHH MTV Land Hà Hải (trụ sở tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Vụ Giám đốc doanh nghiệp tự tử tại tòa ở Đà Nẵng: Quy trình xem xét sau chỉ đạo của Chủ tịch nước - Ảnh 3.

Khu đất liên quan đến vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại giữa SUDICO và Land Hà Hải. Ảnh: Thanh Chung

Hội đồng xét xử đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Sudico, đồng ý chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất giữa 2 công ty đối với 2 lô đất theo giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 645082 và BA 645083 do UBND TP Đà Nẵng cấp tại khu đô thị mới Hòa Hải 1-3 (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) với tổng diện tích là 12,04 ha.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng tuyên bác yêu cầu khởi kiện, đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng 2 lô đất nêu trên của Land Hà Hải đồng thời tuyên bác các yêu cầu đòi Sudico bồi thường thiệt hại cho Land Hà Hải vì quá trình chuyển nhượng kéo dài.

Ngay sau khi nghe chủ tọa tuyên án, ông Võ Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH MTV Land Hà Hải đứng dậy bày tỏ bức xúc. Ông Cường cho rằng HĐXX thiếu công tâm, không xem xét nhiều giấy tờ quan trọng mà Hà Hải Land cung cấp.

Lúc này, ông Cường bất ngờ lấy một chai thuốc, nghi là thuốc diệt côn trùng, trong túi áo ra và uống ngay tại tòa. Tiếp đó, vợ ông Cường cũng lấy một chai thuốc tương tự ra để uống nhưng may mắn người thân đứng gần đó hất đổ.

Lực lượng công an bảo vệ phiên tòa ngay lập tức đã cùng người nhà đưa ông Cường đi bệnh viện cấp cứu. Hiện ông Cường đã qua cơn nguy kịch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem