Vụ giàn khoan HD 981: Trung Quốc "vừa ăn cướp vừa la làng"

Thứ hai, ngày 12/05/2014 14:27 PM (GMT+7)
Phía Trung Quốc lúc đầu nói là không có đụng độ, nhưng sau đó lại đổ vấy cho tàu Việt Nam tấn công họ. Luận điệu này của kẻ vừa ăn cướp vừa la làng đã quá quen thuộc với chúng ta.
Bình luận 0
Vừa qua, Trung Quốc đã định vị giàn khoan khổng lồ HD 981 tại địa điểm cách đất liền Việt Nam 132 hải lý, cách đảo Lý Sơn một điểm của đường cơ sở theo luật Việt Nam 119 hải lý, cách Hoàng Sa của Việt Nam 66 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Cảnh sát biển và tàu giám ngư của Việt Nam đã tìm cách ngăn chặn việc làm phi pháp trên của Trung Quốc. Với 80 tàu trong đó có 7 tàu quân sự và máy bay yểm trợ các tàu Trung Quốc đã tấn công tàu Việt Nam làm hỏng một số tàu và 6 người bị thương.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã họp báo và vạch trần sự vi phạm của Trung Quốc với những bằng chứng rõ rệt. Ngày hôm sau phía Trung Quốc lúc đầu nói là không có đụng độ, nhưng sau đó lại đổ vấy cho tàu Việt Nam tấn công họ.

Luận điệu này của kẻ vừa ăn cướp vừa la làng đã quá quen thuộc với chúng ta.

>>Clip: Tàu Trung Quốc tấn công, ngăn cản tàu Cảnh sát biển Kiểm ngư Việt Nam<<

Tàu hải cảnh 46101 của Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Vạn Hoa của Việt Nam.
Tàu hải cảnh 46101 của Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Vạn Hoa của Việt Nam. (Nguồn ảnh: Internet)

Các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã đề xuất việc kiện Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 hoặc/và cùng Phillipines kiện Trung Quốc nhưng đáng tiếc việc này đã không xảy ra vì sợ ảnh hưởng đến “đại cục”. Với hành động trắng trợn hôm 2.5 vừa qua, không thể viện dẫn đến “đại cục” nữa và việc kiện Trung Quốc nên làm khẩn cấp.

XEM THÊM:

Truyền thông quốc tế hỏi "xoáy", Trung Quốc trả lời mập mờ

Các chuyên gia đã vạch rõ việc Trung Quốc đơn phương cắm tàu khoan ở vị trí đó đã vi phạm Luật Biển quốc tế. Việt Nam khẳng định điểm đó thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ- vùng cách đường cơ sở dưới 200 hải lý) của mình. Trung Quốc nói nó cách Tri Tôn 17 hải lý nên thuộc EEZ của họ. Tuy nhiên đây là lập luận hoàn toàn sai trái và mang tính ngụy biện.

Trong mọi trường hợp dưới con mắt quốc tế đó là nơi đang có tranh chấp và theo Luật Biển quốc tế tại nơi có tranh chấp thì không được phép đơn phương thăm dò khai thác. Như thế trong mọi trường hợp Trung Quốc đã vi phạm rành rành và đủ lý do để kiện hành vi đặt HD-981 tại địa điểm đó. Hơn nữa Trung Quốc lại dùng vũ lực (đâm rách tàu Việt Nam và hành động này cũng bị luật quốc tế cấm). Vì hai lý do đó mà các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã đề xuất Việt Nam nên sớm kiện Trung Quốc về việc này.

Có người lo kiện sẽ bị Trung Quốc trả đũa về mặt kinh tế. Có thể. Nhưng trả đũa kinh tế có hại cho cả hai chứ không chỉ Việt Nam. Và chẳng có gì là hoàn toàn xấu hay tốt cả. Việc trả đũa kinh tế có thể là một cơ hội tốt cho nền kinh tế Việt Nam tái cơ cấu thật sự (không dựa vào công nghệ lạc hậu mua từ Trung Quốc, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc…).

Cũng nên nhớ rằng tuy Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam luôn nhập siêu lớn (chủ yếu nhập nguyên liệu dệt may, linh phụ kiện, máy móc thiết bị) nhưng phần đáng kể là giữa các bộ phận của các công ty đa quốc gia đóng ở cả hai nước, cho nên con số xuất nhập khẩu có thể thổi phồng sự phụ thuộc.

Cuộc đấu tranh này phải tổng hợp ngoại giao, pháp lý, trên thực địa, qua kênh chính thức của nhà nước và qua kênh của nhân dân. Chúng ta không thể nhún nhường, không được lẫn lộn giữa ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa ngoại giao và pháp lý.

Nếu không, kẻ cướp sẽ tiếp tục la làng và lấn tới.
Nguyễn Quang A (Nguyễn Quang A)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem