Vụ hồ thủy lợi La Ngà 3 vướng thủy điện La Ngâu ở Bình Thuận: Vì đâu gây nên nỗi sầu 16 năm?

Bùi Phụ Thứ hai, ngày 08/11/2021 16:19 PM (GMT+7)
Sau khi Dân Việt đăng bài: Chủ đầu tư thủy điện La Ngâu lên tiếng về việc tỉnh Bình Thuận kiến nghị lên Thủ tướng điều chỉnh dự án… ngày 6/11, chúng tôi nhận được thông tin phản hồi từ Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận.
Bình luận 0

Tính pháp lý giữa thủy điện La Ngâu và hồ La Ngà 3

Để rộng đường dư luận và minh bạch thông tin, chúng tôi xin thông tin đến bạn đọc "toàn cảnh" sự chồng lấn 2 dự án thủy điện La Ngâu và dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 kéo dài suốt hơn 16 năm qua ở Bình Thuận.

Vụ hồ thủy lợi La Ngà 3 vướng thủy điện La Ngâu ở Bình Thuận: Vì đâu gây nên nỗi sầu hơn 16 năm? - Ảnh 1.

Tòa nhà điều hành thủy điện La Ngâu bị ngưng hoạt động từ năm 2010 đến nay. Ảnh Hữu Phước.

Theo tỉnh Bình Thuận, thủy điện La Ngâu nằm trong các Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2001-2010 có xét đến năm 2020 (Quy hoạch điện V) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 40/2003/QĐ-TTg ngày 21/3/2003 (năm vận hành là 2006). 

Sau đó là Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 (năm vận hành là 2014).

Tuy nhiên, thủy điện La Ngâu lại không nằm trong các Quy hoạch phát triển Điện lực Việt Nam, Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 (Quy hoạch điện VI) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007.

Còn hồ La Ngà 3 là công trình trước đây đã đưa vào Quy hoạch tổng thể lưu vực sông Đồng Nai và vùng phụ cận (Master plan study on Dong Nai river and surrounding basins water resources development) do JICA thực hiện (1994 -1996). 

Đến năm 2006, hồ La Ngà 3 được Bộ NNPTNT phê duyệt trong Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà tại Quyết định số 3519/QĐ-BNN-KH ngày 17/11/2006. 

Mục đích để chuyển nước từ sông La Ngà sang các lưu vực sông ven biển hạn hán thuộc tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai (trước thời điểm có Luật Quy hoạch số: 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017). 

Hồ La Ngà 3 là công trình nằm trong Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 09/10/2009 Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt định hướng Chiến lược phát triển Thủy lợi Việt Nam.

Mới nhất là hồ La Ngà 3 nằm trong Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam Bộ giai đoạn đến 2030 và định hướng đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng tại Quyết định số 4326/QĐ-BNN-TCTL ngày 2/11/2018 của Bộ NNPTNT (Thủ tướng Chính Phủ giao Bộ NNPTNT phê duyệt).

Vụ hồ thủy lợi La Ngà 3 vướng thủy điện La Ngâu ở Bình Thuận: Vì đâu gây nên nỗi sầu hơn 16 năm? - Ảnh 2.

Nơi quy hoạch nhà may thủy điện La Ngâu ở huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận hiện vẫn là một hồ nước nhỏ. Ảnh Hữu Phước

Việc Bộ NNPTNT không đưa dự án Thủy điện La Ngâu vào quy hoạch thủy lợi là không thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. 

Tại Văn bản số 3539/BNN-TL ngày 30/10/2009 của Bộ NNPTNT đã khẳng định và đề xuất với Bộ Công Thương xem xét, không đưa thủy điện La Ngâu vào Quy hoạch thủy điện nhỏ (Quy hoạch điện VII) vì không phù hợp với chiến lược phát triển thủy lợi do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chồng lấn với quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà. Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Như vậy, việc phê duyệt 2 Quy hoạch thủy lợi nêu trên của Bộ NNPTNT đều có tính pháp lý theo quy định hiện hành và không trái với luật quy hoạch có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

Ngoài ra, hồ La Ngà 3 là công trình nằm trong Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Thủy lợi Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2020-2030.

Vụ hồ thủy lợi La Ngà 3 vướng thủy điện La Ngâu ở Bình Thuận: Vì đâu gây nên nỗi sầu hơn 16 năm? - Ảnh 3.

Vị trí dự kiến làm thủy điện La Ngâu ở xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Ảnh chụp từ Google Maps

Vì sao thủy điện La Ngâu phải dừng thi công?

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, thời điểm năm 2006, trong quá trình lập, thẩm định (lấy ý kiến), phê duyệt thiết kế cơ sở Dự án xây dựng thủy điện La Ngâu, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần La Ngâu đã lấy ý kiến của các bộ ngành và địa phương…

 Trong đó có Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Sở NNPTNT, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận… đã góp ý đến sự bất cập, trùng lặp về quy hoạch giữa thủy điện La Ngâu và hồ chứa nước La Ngà 3.

Việc này thể hiện tại các Văn bản số 3608/BNN-TL ngày 10/7/2007 và Văn bản số 3539/BNN-TL ngày 30/10/2009 của Bộ NNPTNT đã khẳng định và đề xuất Bộ Công Thương xem xét không đưa thủy điện La Ngâu vào Quy hoạch thủy điện nhỏ. Bộ NNPTNT cũng không đồng thuận việc đầu tư xây dựng thủy điện La Ngâu.

Sáu đó, Bộ Công Thương có Văn bản số 7019/BCT-NL (12/8/2008) đề nghị chủ đầu tư cần làm việc với Bộ NNPTNT và các cơ quan liên quan để lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản về vấn đề trùng lặp quy hoạch trước khi phê duyệt dự án đầu tư.

Ngày 16/4/2009, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã có Văn bản số 1018/NHPT-TDĐT về việc thẩm định lại dự án Nhà máy Thủy điện La Ngâu cũng đã nêu: Dự án thủy điện La Ngâu chưa phù hợp với Quy hoạch phát triển thủy lợi lưu vực La Ngà được Bộ NNPTNT phê duyệt và tính khả thi nguồn vốn tự có chưa được làm rõ nên ngân hàng này chưa thể cho vay vốn…

Trước đó ngày 4/10/2007, Sở Công nghiệp Bình Thuận (thời điểm chưa tách sở) đã có Văn bản số 663/SCN-QLĐ khẳng định: Thiết kế của dự án Thủy điện La Ngâu không phù hợp với Quy hoạch phát triển thủy lợi lưu vực La Ngà.

Vụ hồ thủy lợi La Ngà 3 vướng thủy điện La Ngâu ở Bình Thuận: Vì đâu gây nên nỗi sầu hơn 16 năm? - Ảnh 5.

Cuộc chiến pháp lý kéo dài hơn 16 năm qua chưa đến hồi kết, trong khi đó nhiều vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam lại thiếu nước tưới. Ảnh Hữu Phước chụp đầu năm 2020.

La Ngâu cam kết chịu rủi ro!

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, mặc dù chưa có văn bản làm rõ, cũng như thống nhất của Bộ NNPTNT, các cơ quan liên quan về quy hoạch giữa thủy điện La Ngâu và hồ La Ngà 3, nhưng Công ty Cổ phần La Ngâu vẫn có Văn bản số 85/CV/LHC-KH (28/8/2007) gửi UBND tỉnh Bình Thuận cam kết sẽ chịu trách nhiệm và chấp nhận rủi ro khi công trình hồ chứa nước La Ngà 3 được phê duyệt đầu tư xây dựng…

Chính cái văn bản chấp nhận sự rủi ro này của Công ty Cổ phần La Ngâu nên UBND Bình Thuận lúc bấy giờ mới chấp nhận cho cấp phép đầu tư và chủ đầu tư đã triển khai xây dựng dự án.

Sau một thời gian triển khai thi công, đến tháng 3/2010, Công ty Cổ phần La Ngâu đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận và các bộ ngành Trung ương xem xét giải quyết khó khăn và xin tạm dừng dự án.

Tuy nhiên, ngày 15/6/2010, Công ty Cổ phần La Ngâu lại có Văn bản số 70/TĐLN-QH gửi Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị Thủ tướng tiếp tục cho thi công theo quy hoạch đã được duyệt (Quy hoạch Điện V và VI)…

Ngày 29/10/2010 Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 7804/VPCP-KTN Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các Bộ Công Thương và Bộ NTNNPT rà soát lại các quy hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Vụ hồ thủy lợi La Ngà 3 vướng thủy điện La Ngâu ở Bình Thuận: Vì đâu gây nên nỗi sầu hơn 16 năm? - Ảnh 6.

Nhiều năm qua, mùa khô năm nào người dân sống ở huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận cũng thiếu nước sinh hoạt. Ảnh Hữu Phước chụp năm 2020

Ngày 13/01/2011, Bộ Công Thương có Văn bản số 0376/BCT-NL trả lời, thủy điện La Ngâu có nằm trong Quy hoạch Điện V và VI.

Ngày 19/01/2011, Bộ NNPTNT có Văn bản số 155/BNN-TCTL trả lời bảo lưu ý kiến đề nghị đầu tư xây dựng hồ thủy lợi tổng hợp La Ngà 3 và không đầu tư xây dựng thủy điện La Ngâu (như Văn bản số 2207/BNN-TCTL).

Trên cơ sở các văn bản của các Bộ và UBND tỉnh Bình Thuận, ngày 14/7/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có Văn bản 2556/BTNMT-TNN gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục cho triển khai dự án với lý do: thủy điện La Ngâu nằm trong quy hoạch do Thủ tướng phê quyệt quy hoạch còn hồ La Ngà 3 chỉ cấp bộ quy hoạch.

Ngày 26/7/2011, Văn phòng Chính phủ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 799/VPCP-KTN đồng ý với ý kiến của Bộ TN&MT, giao Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Công ty Cổ phần La Ngâu tiếp tục triển khai dự án.

Dù có chỉ đạo tháo gỡ, sự quan tâm hỗ trợ tích cực giải quyết của UBND tỉnh Bình Thuận và các bộ ngành liên quan, kết luận của Chính phủ cho tiếp tục triển khai dự án nhưng phía chủ đầu tư vẫn "án binh bất động" từ năm 2010 đến nay.

Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận khẳng định: "Việc dự án Thủy điện La Ngâu dừng thi công là do sự quản lý, điều hành và trách nhiệm của Công ty Thủy điện La Ngâu do không giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc liên quan về quy hoạch trước khi xây dựng công trình, không có nguồn lực đầu tư, không vay được vốn ngân hàng, chứ không phải do tác động từ yếu tố, tổ chức nào.

Vụ hồ thủy lợi La Ngà 3 vướng thủy điện La Ngâu ở Bình Thuận: Vì đâu gây nên nỗi sầu hơn 16 năm? - Ảnh 7.

Hồ thủy lợi Ba Bàu huyện Hàm Thuận Nam bị khô trơ đáy sau tết 2020. Ảnh: Hữu Phước

Thủy điện La Ngâu và hồ La Ngà 3 cái nào lợi?

Theo tỉnh Bình Thuận, dự án hồ La Ngà 3 được thiết kế có dung tích hữu ích Vhi = 350 triệu m3, đảm bảo cấp và tạo nguồn cấp 1,31 tỷ m3 nước tưới cho gần 80.000 ha đất nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận và trên 17.000ha đất nông nghiệp ở huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai.

Hồ La Ngà 3 cũng cấp nước sinh hoạt với công suất 600.000 m3/ngày (cho Bình Thuận 300.000 m3 và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 300.000m3/ngày), phục vụ cho khoảng 1,5 triệu dân (riêng tỉnh Bình Thuận là 791.000 người) và khoảng 15.000 ha các khu công nghiệp.

Hồ cũng phòng lũ với dung tích 50 triệu m3 nhằm giảm lũ cho hạ lưu sông La Ngà, người dân vùng đồng bằng sông La Ngà, huyện Đức Linh và Tánh Linh (Bình thuận) hưởng lợi hạn chế về lũ lụt trong các tháng mùa mưa.

Ngoài ra khi hệ thống thủy lợi La Ngà 3 đi vào hoạt động sẽ có thêm 2 nhà máy phát điện hòa vào lưới điện quốc gia là Thủy điện La Ngà 3 và thủy điện Ka Pét với công suất lắp máy là 31,5 MW và 5 MW, sản lượng điện hàng nằm khoảng 140,0 triệu kWh. 

Hồ La Ngà 3 còn ảnh hưởng tích cực đến tổ hợp thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, lợi ích phát điện hàng năm theo tính toán tăng khoảng 74,23 tỉ đồng.

Về nuôi trồng thủy sản, diện tích mặt hồ được sử dụng dùng nuôi trồng thủy sản là 400ha.

Vụ hồ thủy lợi La Ngà 3 vướng thủy điện La Ngâu ở Bình Thuận: Vì đâu gây nên nỗi sầu hơn 16 năm? - Ảnh 8.

Thiết kế hồ thủy lợi La Ngà 3. Ảnh Hữu Phước

Hồ La Ngà 3 mang lại hiệu quả rất to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của các huyện thị phía Nam tỉnh Bình Thuận, các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ (Đồng Nai).

Còn đối với thủy điện La Ngâu là công trình thủy điện nhỏ, công suất lắp máy 46MW/sản lượng điện 204 triệu KWh/năm, đến nay không còn phù hợp với lợi ích phát triển kinh tế xã hội của khu vực.

Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận khẳng định: Xét về yếu tố lợi ích kinh tế xã hội giữa 2 dự án hồ La Ngà 3 và thủy điện La Ngâu thì hồ La Ngà 3 có lợi ích rất to lớn, hiệu quả kinh tế xã hội cao hơn, phục vụ cấp nước trực tiếp phục vụ cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ du lịch… cho hàng triệu người dân của 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu lâu dài, bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Bình Thuận sẽ không để doanh nghiệp bị thiệt hại

Ngày 25/10/2021, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký Công văn số số 271/TU-NN gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị đưa dự án thủy điện La Ngâu trong Đề án Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) bằng hình thức đầu tư xây dựng theo phương pháp chặn dòng trực tiếp sang hình thức xây dựng thủy điện sau thủy lợi... Đây là sự quan tâm thiết thực, cụ thể của chính quyền tỉnh Bình Thuận đối với Công ty Thủy điện La Ngâu sau khi sự việc dừng thi công công trình ngoài ý muốn. Việc này để phía doanh nghiệp có thể tiếp tục đầu tư dự án thủy điện La Ngâu (sau hồ La Ngà 3) để phát triển kinh doanh của đơn vị.

Nếu thủy điện La Ngâu được đưa vào quy hoạch sau hồ thủy lợi La Ngà 3, UBND tỉnh Bình Thuận theo thẩm quyền sẽ giải quyết các thủ tục đầu tư với dự án thủy điện La Ngâu: Thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến chủ đầu tư, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và các chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.







Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem