Vụ học sinh tự tử: Con trầm cảm, bố mẹ chẳng hay

Thứ hai, ngày 26/03/2012 13:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đối với những trường hợp học sinh tự tử, các bậc cha mẹ không hiểu được nguyên nhân vì sao con mình bị trầm cảm, tiêu cực, mất lòng tin trong một thời gian dài trước đó.
Bình luận 0

Sự việc đau lòng xảy ra với học sinh Trương Văn Sự (Phú Yên) và 3 học sinh lớp 7A2 Trường THCS Phan Chu Trinh (Đăk Nông) vừa qua đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng thiếu kỹ năng sống ở học sinh...

Xung quanh vấn đề này, PGS - TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho biết: “Không phải bây giờ mới có chuyện 3 cô bé lớp 7 tự tử tập thể mà trước đây cũng đã có sự việc 5 trẻ ở Hải Dương rủ nhau cùng chết, trong đó có em dù không muốn chết nhưng do “thề bồi” với nhau nên vẫn phải chết theo.

img
Gia đình đau xót trước cái chết của em Nguyễn Thị Cẩm Nhung (lóp 7A2, Trường THCS Phan Chu Trinh, Đăk Nông)

Riêng trường hợp em Sự có lẽ do những ẩn ức về gia đình. Thực trạng này dấy lên mối quan ngại lớn của xã hội về sự bấn loạn trong tâm lý tuổi vị thành niên. Ngoài những tác động của xã hội, sự thiếu kiểm soát của gia đình và nhà trường thì nguyên nhân lớn nhất theo tôi là do các em quá thiếu kỹ năng sống cần thiết. Chính vì điều đó mà các em không có những lựa chọn, chia sẻ, không có chỗ bấu víu từ bờ vai của những người cứng cáp, không có bàn tay chìa ra để níu kéo của Đoàn, Đội và các em bị… rơi xuống”.

Đề cập về trách nhiệm từ gia đình trong những trường hợp này, PGS - TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, hiện trong nhiều gia đình chưa có sự tương tác giữa cha mẹ và con cái, mối quan hệ giữa các thế hệ còn lỏng lẻo, thiếu một số chức năng và có tính chất phó mặc cho nhà trường và xã hội.

Trong những trường hợp này cái đáng buồn nhất là khi xảy ra sự việc con trẻ tìm đến cái chết mà bố mẹ vẫn không hiểu được nguyên nhân vì sao do không biết được con mình đã bị trầm cảm, tiêu cực, mất lòng tin trong một thời gian dài trước đó.

Còn từ phía nhà trường, các thầy cô, tập thể lớp và Đoàn, Đội, theo TS Trịnh Hòa Bình, điều cần thiết sau bài học đau đớn này là phải gắn kết mối quan hệ giữa thầy cô với trẻ nhỏ trong trường. Hiện nay, mối quan hệ này đang trở nên xơ cứng, nó giảm thiểu dần giá trị nhân văn.

Trong khi đó, Đoàn, Đội mới chỉ có vai trò trong những phong trào bề nổi, mang lại thành tích cho một bộ phận nhằm mục đích thăng tiến, nặng vào tính kêu gọi, tham gia các phong trào này phong trào kia, không có nội dung sinh hoạt đích thực, không có sự chia sẻ hàng ngày.

“Muốn cải thiện được tâm lý tiêu cực của học trò, ngoài sự quan tâm hơn nữa của cha mẹ, thầy cô thì các nhà trường nên tăng cường đưa kỹ năng sống vào giảng dạy cho học sinh để các em có đủ năng lực để có thể chống chọi với những biến cố của cuộc sống nội tâm và xã hội” - PGS - TS Trịnh Hòa Bình nói.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem