Vụ nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái được tuyên vô tội: VKS có quyền gì sau khi tòa tuyên án?

Quang Trung Thứ năm, ngày 09/11/2023 09:02 AM (GMT+7)
Trong vụ việc liên quan đến nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, quan điểm của TAND tỉnh Yên Bái và Viện KSND cùng cấp đang khác nhau, vậy viện kiểm sát có quyền gì sau khi tòa đã tuyên án sơ thẩm?
Bình luận 0

Ông Đinh Tiến Hùng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái được tuyên vô tội

Như Dân Việt đã thông tin, chiều 7/11, HĐXX TAND tỉnh Yên Bái tuyên án các bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và vụ án sử dụng trái phép vật liệu nổ xảy ra tại huyện Yên Bình giai đoạn 2020 - 2021.

Theo đó, HĐXX sơ thẩm bác bỏ các cáo buộc của Viện KSND tỉnh Yên Bái và nhận định có đủ căn cứ kết luận ông Đinh Tiến Hùng - nguyên Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái không phải là người khởi xướng trong vụ án vi phạm quy định về khai thác tài nguyên xảy ra tại mỏ Núi Ngàng, huyện Yên Bình.

Vụ nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái được tuyên vô tội: VKS có quyền gì sau khi tòa tuyên án? - Ảnh 1.

Người thân chia vui với ông Đinh Tiến Hùng (áo trắng) sau khi kết thúc phiên toà. Ảnh: Trọng Lộc.

Việc khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của ông Đinh Tiến Hùng được giải quyết theo quy định của pháp luật.

HĐXX cũng tuyên 8 bị cáo lãnh án từ 10 đến 19 năm tù. Có 2 bị cáo bị tuyên án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Một số bị cáo còn bị áp dụng hình phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng.

Quyền của viện kiểm sát sau khi tòa tuyên án sơ thẩm

Sau thông tin này, bạn đọc đặt câu hỏi, quan điểm của TAND tỉnh Yên Bái và Viện KSND cùng cấp đang khác nhau, vậy viện kiểm sát có quyền gì sau khi tòa tuyên án?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Khổng Thùy Dung (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, đây chỉ là bản án sơ thẩm và quan điểm điểm của hai cơ quan tố tụng đang khác nhau nên rất có thể Viện KSND tỉnh Yên Bái sẽ kháng nghị đối với một phần hoặc toàn bộ bản án trong vụ việc, đặc biệt là với nội dung tuyên bố bị cáo Đinh Tiến Hùng không phạm tội.

Trường hợp có kháng nghị của Viện KSND tỉnh Yên Bái thì bản án này chưa có hiệu lực pháp luật và hồ sơ sẽ được chuyển đến tòa án cấp trên để xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Theo bà Dung, kháng nghị là hành vi tố tụng của người có thẩm quyền, thể hiện việc phản đối toàn bộ hoặc một phần bản án, quyết định của tòa án với mục đích bảo đảm cho việc xét xử được chính xác, công bằng, đồng thời sửa chữa những sai lầm trong bản án, quyết định của tòa án.

Kháng nghị được đưa ra đối với những bản án, quyết định của tòa án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đã có hiệu lực nhưng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử phát hiện thấy có sai lầm, vi phạm pháp luật hoặc phát hiện có tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản hay một phần quan trọng trong nội dung bản án, quyết định của tòa án mà tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định.

Kháng nghị trong tố tụng hình sự bao gồm kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm. Kháng nghị phúc thẩm là quyền năng pháp lý được nhà nước giao cho Viện kiểm sát nhân dân.

Ngoài ra, vị luật gia còn cho biết, thời hạn kháng nghị của viện kiểm sát cùng cấp đối với bản án của tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, của viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tòa án tuyên án.

Thời hạn kháng nghị của viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định của tòa án sơ thẩm là 7 ngày, của viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày tòa án tuyên án.

Theo Điều 339 Bộ luật tố tụng hình sự, khi có kháng cáo, kháng nghị, toàn bộ bản án, quyết định của tòa án chưa được đưa ra thi hành.

Trong trường hợp kháng cáo, kháng nghị một phần bản án, quyết định thì phần bản án bị kháng cáo, kháng nghị chưa được đưa ra thi hành. Phần bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị sẽ có hiệu lực pháp luật và được thi hành.

Vụ nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái được tuyên vô tội: VKS có quyền gì sau khi tòa tuyên án? - Ảnh 3.

Luật gia Khổng Thùy Dung - Văn phòng luật sư Interla. Ảnh: NVCC

Từ phân tích trên, bà Dung thông tin, trong vụ án này, nếu ông Đinh Tiến Hùng không có kháng cáo và viện kiểm sát không có kháng nghị đối với phần xét xử liên quan tới ông Hùng trong thời hạn luật định, phần này mới có hiệu lực pháp luật.

Vì thế, sau 15 ngày, kể từ ngày xét xử sơ thẩm mà không có bất kỳ kháng cáo, kháng nghị nào, quyền lợi của ông nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái mới được xem xét phục hồi theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục nêu quan điểm về vụ việc, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, tuyên một bản án có nội dung bị cáo không phạm tội phần nào thể hiện sự khách quan của HĐXX và có thể được dư luận đồng tình ủng hộ.

Còn đối với nội dung bản án, kết quả xét xử phải căn cứ vào kết quả điều tra, truy tố. Việc bị cáo có tội hay không do HĐXX quyết định theo đa số, căn cứ vào quy định pháp luật, căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa.

Tòa án cấp sơ thẩm có quyền tuyên bố bị cáo không phạm tội nếu bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Tòa án cấp phúc thẩm cũng có thể tuyên bố giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với nội dung kháng cáo hoặc sửa bản án sơ thẩm hoặc hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, điều tra lại...

Bởi vậy, trong vụ án này, nếu có kháng nghị, bị cáo và gia đình sẽ tiếp tục chờ đợi kết quả xét xử phúc thẩm, và tiếp tục tinh thần theo đuổi vụ án để bảo vệ quan điểm như đã trình bày ở cấp sơ thẩm.

Ông Cường cho rằng, vụ việc được dư luận xã hội rất quan tâm nên cơ quan tiến hành tố tụng phải thận trọng trong việc xem xét đánh giá chứng cứ, đánh giá về bản chất vụ án.

Nếu xét thấy việc tuyên bố bị cáo không phạm tội là đúng pháp luật, nhận thấy có sai phạm trong quá trình điều tra, truy tố, cũng có thể Viện KSND tỉnh Yên Bái sẽ không kháng nghị, khi đó quyền lợi của bị cáo mới thực sự được phục hồi và mới xem xét đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi để xảy ra sai phạm về tố tụng hình sự.

Ngày 30/12/2020, Công an tỉnh Yên Bái bắt quả tang Bùi Minh Đức về hành vi vận chuyển trái phép vật liệu nổ, thu giữ tại chỗ 294kg thuốc nổ và 400 kíp nổ.

Mở rộng điều tra, Công an tỉnh Yên Bái xác định Lăng Đức Hân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Tâm cùng các đồng phạm đã sử dụng gần 3 tấn vật liệu nổ để khai thác trái phép quặng chì, kẽm trong các hầm lò có sẵn tại mỏ Núi Ngàng với tổng khối lượng hơn 1.000 tấn, chiếm đoạt trên 2 tỷ đồng.

Sau đó, Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố vụ án, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 9 bị can về các tội Vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ và Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 5/4/2022, Công an tỉnh Yên Bái đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đinh Tiến Hùng (SN 1984, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên) về tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên.

Vụ án đã kéo dài gần 3 năm kể từ khi khởi tố. Trong đó, hồ sơ vụ án đã được các cơ quan tố tụng chuyển, trả nhiều lần, thời gian kéo dài.

Suốt quá trình giải quyết vụ án, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái Đinh Tiến Hùng không thừa nhận hành vi phạm tội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem