Đài kiểm soát không lưu sân bay Cát Bi
Ngày 22/3, lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Bắc có quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng, tước giấy phép hành nghề 2 tháng đối với 2 nhân viên kiểm soát viên không lưu (KSVKL) làm sai quy trình khiến máy bay không thiết lập được liên lạc với Đài kiểm soát không lưu (KSKL) Cát Bi (Hải Phòng) ngày 9/3 vừa qua. Trong đó, một người đã ngủ quên và một người rời vị trí trong ca trực của mình.
Mức phạt quá nhẹ!
Ông Trần Xuân Mùi, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết, hiện nay chất lượng kiểm soát viên không lưu của Việt Nam khá tốt so với thế giới. Cứ 6 tháng đơn vị quản lý lại kiểm tra lại một lần, nếu không đạt sẽ buộc phải đào tạo lại.
Do vậy, ông Mùi cho rằng, sự cố vừa qua là do lỗi ý thức, tổ chức kỷ luật kém, phải kỷ luật thật nặng nhân viên vi phạm để làm gương.
“Đơn vị quản lý cũng cần phải siết lại ý thức kỷ luật đối với cán bộ nhân viên, đặc biệt là kiểm soát viên không lưu bởi điều hành bay liên quan đến tính mạng của hàng trăm con người trên một chuyến bay. Thậm chí, phải cho nhân viên vi phạm nghỉ việc để tạo sức răn đe, làm gương”, ông Mùi nói.
Ông Lê Trọng Sành, nguyên Trưởng phòng quản lý bay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng cho rằng, mức xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng mỗi nhân viên và tước giấy phép hành nghề 2 tháng là quá nhẹ.
“Để xảy ra sự việc nêu trên chứng tỏ nhân viên không lưu cực kỳ vô trách nhiệm. Việc làm của nhân viên đã làm giảm uy tín của ngành hàng không Việt Nam, sự an toàn của hành khách trong nước và quốc tế không được đảm bảo”, ông Sành nói.
Theo ông Sành, việc phi công không liên lạc được với kiểm soát viên không lưu có thể sử dụng phương án phụ, liên lạc với đài kiểm soát không lưu đường dài, hạ cánh xuống các sân bay lân cận như Nội Bài, sân bay Vinh (Nghệ An); Thọ Xuân (Thanh Hóa). Tuy nhiên, việc làm này gây tốn kém cho doanh nghiệp, phát sinh chi phí xăng dầu, hao mòn động cơ và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Xem xét trách nhiệm của lãnh đạo đài không lưu
Luật sư Nguyễn Văn Hân (Công ty Luật Minh Bạch- Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, ở phương diện quy định pháp luật, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hai nhân viên không lưu vi phạm là thỏa đáng (xử phạt theo NĐ 147/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng).
Luật sư Nguyễn Văn Hân
Tuy nhiên, xét ở góc độ xã hội, việc xử phạt như vậy chưa “mạnh tay”, chưa đủ sức răn đe. Bởi việc nhân viên không lưu rời vị trí khi làm việc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhiều người. Nếu như có sự cố xảy ra trong thời gian nhân viên không trực thì hậu quả sẽ cực kỳ thảm khốc.
“Tôi cho rằng cơ quan chức năng cần phải tăng nặng mức xử phạt hoặc tăng thời gian tước quyền sử dụng giấy phép nhân viên kiểm soát không lưu, thậm chí cấm hành nghề vĩnh viễn đối với các nhân viên có hành vi vi phạm. Có như vậy mới đảm bảo được an toàn hàng không, đảm bảo được tài sản và tính mạng của hành khách”, luật sư Hân nói.
Luật sư Hân cho biết thêm, hiện nay, theo quy định tại Bộ Luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 thì chưa có quy định về việc xử lý hình sự đối với những vi phạm này.
Theo ông Trần Xuân Mùi, kiểm soát viên không lưu là người chỉ huy, điều hành, đảm bảo an toàn bay cho tất cả các chuyến bay và chịu trách nhiệm chỉ huy máy bay từ khi máy bay nổ máy tại sân đỗ cho đến khi máy bay hạ cánh, lăn vào vị trí đỗ.
Vì vậy, nhiệm vụ của kiểm soát viên không lưu là vô cùng quan trọng, tuyệt đối không thể rời vị trí làm việc. Do vậy, ông Mùi cho rằng, ngoài việc xử phạt nhân viên vi phạm, cơ quan chức năng phải xem xét xử lý cả trách nhiệm liên đới đối với lãnh đạo đài kiểm soát không lưu sân bay Cát Bi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.