Vụ "kiện" 5 hộ dân khai khống để nhận tiền hỗ trợ sự cố Formosa ở Quảng Trị: Người kiện không... chứng minh được

Ngọc Vũ Thứ sáu, ngày 20/08/2021 10:41 AM (GMT+7)
Liên quan đến việc bồi thường sự cố môi trường biển Formosa ở tỉnh Quảng Trị mà Báo điện tử Dân Việt đã có nhiều bài phản ánh, ngày 18/8, UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, vừa trả lời kiến nghị của người dân. Theo đó, người kiến nghị không chứng minh được lời mình nói.
Bình luận 0

Kiến nghị không có cơ sở

Bà Phan Thị Tư (trú khu phố An Hoà 1, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) và một số người dân gửi đơn kiến nghị đến UBND huyện Vĩnh Linh, UBND tỉnh Quảng Trị.

Trong đơn khẳng định số hải sản tẩm ướp tồn kho của 5 hộ kinh doanh ở thị trấn Cửa Tùng gồm bà Lê Thị Huỳnh (khu phố An Du Đông 2) tồn kho 269,691 tấn; hộ ông Lê Thanh Tùng (khu phố An Hoà 2) tồn kho 82,5 tấn; bà Phan Thị Xiêm (khu phố An Đức 3) tồn kho 62,241 tấn; bà Trần Thị Xây (khu phố Quang Hải) tồn 16,4 tấn; bà Nguyễn Thị Lan (khu phố An Hoà 2) tồn 11,6 tấn sứa là khai khống và thu mua tàng trữ sau tháng 9/2016, sau đó hợp thức hoá chứng từ nhằm gây sức ép với chính quyền đòi bồi thường.

Bồi thường sự cố môi trường biển Formosa: Người “kiện” không chứng minh được lời mình nói - Ảnh 1.

Theo kết luận của UBND huyện Vĩnh Linh, bà Phan Thị Tư (áo đen) cùng một số người dân đã đứng đơn kiến nghị nhưng không chứng minh được lời mình nói. Ảnh: Ngọc Vũ chụp tháng 5/2021.

Liên quan đến việc bồi thường sự cố môi trường biển Formosa ở tỉnh Quảng Trị, Báo Dân Việt đã có nhiều bài phản ánh. Đơn cử ngày 16/3/2021, Báo Dân Việt đăng bài 5 năm sau sự cố môi trường biển Fomorsa: Hàng trăm tấn hải sản tồn kho, hôi thối chưa được tiêu huỷ ở Quảng Trị.

Đến ngày 31/3/2021, có 475 tấn mắm ruốc của 5 hộ dân ở xã Vĩnh Giang và thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) đã được Sở TNMT và cơ quan liên quan tiêu huỷ, số hải sản còn lại do còn vướng mắc về mặt pháp lý, thủ tục nên đang tiếp tục được kiểm tra, xử lý.

Tổ xác minh của UBND huyện Vĩnh Linh làm việc trực tiếp với bà Tư. Tuy nhiên, bà Tư không cung cấp được tài liệu, bằng chứng nào chứng minh lời nói của mình.

Trong khi đó, biên bản làm việc của Đoàn liên ngành tỉnh, địa phương, UBND huyện Vĩnh Linh, các khu phố, Sở NNPTNT tỉnh… khẳng định hàng hải sản của 5 hộ kinh doanh trên đảm bảo theo quy định bồi thường.

Thời gian thu mua hàng hải sản tồn kho của 5 hộ trên trước ngày 30/8/2016, có đại diện cấp uỷ, trưởng khu phố, trưởng ban công tác mặt trận và các tổ chức đoàn thể các khu phố xác nhận.

UBND huyện Vĩnh Linh kết luận, không có căn cứ xác định các hộ trên đã khai khống và thu mua tàng trữ sau tháng 9/2016.

Cần tránh thiệt thòi cho dân

Bà Tư và những người đứng đơn kiến nghị làm rõ cơ sở nước mắm Huỳnh Kế của bà Lê Thị Huỳnh, tại thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển năm 2016, đóng tại thôn An Du Đông 2, xã Vĩnh Tân. Năm 2020 mới sáp nhập vào thị trấn Cửa Tùng. Việc hộ khẩu, cơ sở sản xuất ở xã Vĩnh Tân không thuộc vùng bị ảnh hưởng nên không được bồi thường nhưng vì sao vẫn được kê khai xin bồi thường.

Bồi thường sự cố môi trường biển Formosa: Người “kiện” không chứng minh được lời mình nói - Ảnh 2.

UBND huyện Vĩnh Linh khẳng định, hàng hải sản tồn kho của 5 hộ dân là có thật và đảm bảo quy định, đã được các cấp từ cơ sở đến cấp tỉnh kiểm tra, xác nhận. Trong ảnh là hàng tồn kho của bà Lê Thị Huỳnh khi chưa được tiêu huỷ, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng môi trường. Ảnh: Ngọc Vũ chụp hồi tháng 3/2021.

Tổ xác minh làm việc với bà Huỳnh thì bà cho rằng, mặc dù bà đã chuyển hộ khẩu từ khu phố An Đức 2, thị trấn Cửa Tùng đến thôn An Du Đông 2 (không thuộc đối tượng hỗ trợ, bồi thường) nhưng vẫn kinh doanh tại địa chỉ cũ (khu phố An Đức 2, nằm trong vùng được bồi thường) theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đến năm 2019 bà Huỳnh mới chuyển nhượng đất ở cơ sở An Đức 2 cho con đẻ.

Mặt khác, địa điểm kinh doanh tại thôn An Du Đông 2, xã Vĩnh Tân (nay là khu phố) của bà Huỳnh liền kề với 2 địa phương trong số 16 xã, thị trấn ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Vì vậy, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh, Sở NNPTNT xem xét đối với bà Huỳnh được áp dụng điểm d, khoản 1, mục 2, phần D Quyết định 12/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ (Chủ cơ sở chế biến nước mắm, mắm hải sản, tẩm ướp hải sản và các phương thức chế biến khác có địa điểm sản xuất, kinh doanh hoặc có hộ khẩu thường trú tại các xã, phường, thị trấn ven biển, bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển) để tránh thiệt thòi cho người dân.

Bồi thường sự cố môi trường biển Formosa: Người “kiện” không chứng minh được lời mình nói - Ảnh 3.

Nhiều người dân cho rằng, việc bà Phan Thị Tư và một số người kiến nghị nhưng không chứng minh được lời nói của mình khiến việc giải quyết đền bù thiệt hại cho 5 hộ dân bị chậm, gây thiệt thòi cho họ. Bởi lẽ, sự cố môi trường biển xảy ra tháng 4/2016 nhưng đến nay tháng 8/2021 các hộ bị thiệt hại vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Ảnh: Ngọc Vũ chụp vào tháng 5/2021 trong cuộc đối thoại giữa lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Linh với bà Tư và các hộ có kiến nghị.

UBND huyện Vĩnh Linh kết luận, khối lượng hải sản tồn kho của các hộ kinh doanh ở thị trấn Cửa Tùng là có thật, có các biên bản đi kèm và đã được Sở TNMT tỉnh chủ trì việc tiêu huỷ đúng quy định.

Với các đề nghị khác của bà Tư như trưng cầu giám định mẫu hải sản tẩm ướp để xác định thời gian thu mua tạm trữ, thành phần tạp chất lẫn trong hải sản tẩm ướp; yêu cầu các cá nhân có hải sản tẩm ướp tồn kho chứng minh tài chính, vốn kinh doanh, việc chuyển tiền qua tài khoản trong thời gian trước tháng 4/2016 nhằm làm rõ nguồn vốn ở đâu mà họ mua trữ hải sản với số lượng lớn… UBND huyện Vĩnh Linh không xem xét vì không thuộc thẩm quyền.

Chiều 18/8, trao đổi với PV Dân Việt, một cán bộ UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, chưa nhận được báo cáo của UBND huyện Vĩnh Linh về nội dung trên.

Trước đó ngày 13/8, trả lời PV Dân Việt, ông Hồ Xuân Hoè – Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết, thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại từ cơ sở lên. Theo đó, căn cứ hồ sơ, tờ trình của UBND cấp huyện, Sở NNPTNT và Sở Tài chính sẽ thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định trả tiền đền bù cho người dân.

Bị nhắc nhở vì đăng facebook vi phạm:

Ngày 18/8, ông Nguyễn Hoàn – Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa làm việc và yêu cầu bà Phan Thị Tư, ông Nguyễn Văn Tùng (trú huyện Vĩnh Linh) gỡ bỏ các thông tin đã đăng trên facebook vì vi phạm quy định pháp luật.

Ông Hoàn cho biết, trước đó Sở nhận được đơn đề nghị của bà Huỳnh phản ánh bà Tư và ông Tùng sử dụng facebook đăng tải, bình luận, chia sẻ nội dung thông tin sai sự thật, nói xấu, bôi nhọ danh dự tổ chức và cá nhân.

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Huỳnh cho biết, bà Tư đã chửi bới, bôi nhọ bà và một số tổ chức trên mạng xã hội liên quan đến việc bồi thường sự cố Formosa.

Quá trình làm việc, ngoài yêu cầu bà Tư, ông Tùng gỡ bỏ các thông tin vi phạm, Sở Thông tin Truyền thông Quảng Trị đã chấn chỉnh, nhắc nhở 2 người này nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, không tái phạm. 2 người này đã chấp hành.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem