Vụ ly hôn "nghìn tỷ" của vợ chồng Trung Nguyên có còn được xem xét lại?
Vụ "ly hôn nghìn tỷ" của vợ chồng Trung Nguyên có còn được xem xét lại?
Quang Trung
Thứ bảy, ngày 09/04/2022 18:45 PM (GMT+7)
TAND Tối cao bác kiến nghị của VKS cùng cấp về việc hủy quyết định giám đốc thẩm, xét xử lại vụ ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Vậy vụ án này có còn được xem xét lại?
Hội đồng thẩm phán TAND tối cao vừa bác kiến nghị xem xét thủ tục đặc biệt vụ "ly hôn nghìn tỉ" của vợ chồng "vua" cà phê Trung Nguyên. Vụ án này đã kéo dài 7 năm, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Quyết định được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đưa ra sau phiên họp chiều 7/4. Quan điểm cụ thể của tòa chưa được công bố.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết: Vụ án này đã đi đến tận cùng của các thủ tục pháp lý và việc TAND tối cao bác kiến nghị của Viện trưởng VKSND tối cao là thủ tục cuối cùng đối với vụ án này, trừ trường hợp có tình tiết chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ án có thể xem xét theo thủ tục tái thẩm.
Nếu theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2003 trước đây, thủ tục như trên là kết thúc, sẽ không còn thủ tục nào xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.
Tuy nhiên Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về thủ tục đặc biệt là xem xét lại cả quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, sau khi có kiến nghị của Viện trưởng VKSND tối cao, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã họp xem xét nội dung và đã quyết định không chấp nhận kiến nghị của Viện trưởng VKSND tối cao về việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm mà Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành trước đó để giữ nguyên bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm.
Như vậy đây là thủ tục tố tụng cuối cùng để xem xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đối với vụ ly hôn này. Nếu không đồng ý với nội dung phán quyết này của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì tất cả các đương sự cũng như các cơ quan tổ chức có thẩm quyền cũng không còn quyền nào để yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét lại.
Tuy nhiên, theo ông Cường, pháp luật còn quy định thủ tục tái thẩm. Nếu có căn cứ để đề nghị xem xét tái thẩm đối với vụ án này, cơ quan có thẩm quyền và các đương sự có quyền đề nghị xem xét.
Tuy nhiên căn cứ để đề nghị tái thẩm được pháp luật quy định rất rõ ràng như sau: Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà tòa án, các đương sự không biết được khi tòa án ra bản án, quyết định đó.
Điều 352 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định, bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây: Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án…
Như vậy, trong trường hợp có tình tiết mới quan trọng mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án có cơ sở để chứng minh kết luận của bạn án sơ thẩm và phúc thẩm là không đúng pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên đường sự, khi đó vụ án mới có thể được xem xét lại theo thủ tục tái thẩm.
Còn các tình tiết chứng cứ mà các đương sự có, đã xuất trình cho tòa án và tòa án đã xem xét nhưng không chấp nhận, tòa án sẽ không xem xét lại những tình tiết chứng cứ đó.
Những tình tiết chứng cứ mới phải có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án mà tòa án trước đây chưa xem xét, mới có cơ hội để thực hiện thủ tục tái thẩm.
Như vậy, có thể thấy rằng vụ án này đã kéo dài nhiều năm, rất phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, quyền lợi của nhiều bên đường sự. Sau khi thụ lý đơn, tòa án đã mất một thời gian rất dài để xem xét giải quyết và đã có kết luận trong bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm.
Tất cả các thủ tục khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục đặc biệt đều không được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao chấp nhận. Đến nay cũng không có tài liệu chứng cứ gì mới có thể làm thay đổi bản chất vụ án nên vụ án này sẽ dừng lại ở đây.
Các bên đường sự có nghĩa vụ phải chấp hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án theo quy định của pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.