Vụ nam sinh lớp 8 ở Hà Nội bị đánh chết não: Quy trình làm rõ những người liên quan
Vụ nam sinh lớp 8 ở Hà Nội bị đánh chết não: Quy trình làm rõ những người liên quan
Quang Trung
Thứ tư, ngày 22/05/2024 11:46 AM (GMT+7)
Sau khoảng 2 tháng điều trị, nam sinh lớp 8 bị đánh tại sân đình Lệ Mật (quận Long Biên) đã tử vong. Chuyên gia đã bình luận về các tình huống pháp lý có thể xảy ra trong vụ việc.
Nam sinh lớp 8 ở Hà Nội bị đánh chết não khi chơi bóng rổ đã tử vong
Chiều 21/5, TS.BS Phan Hữu Phúc - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhân N.H.Đ (14 tuổi, nam sinh lớp 8 bị đánh chết não tại Hà Nội hồi tháng 3) đã tử vong.
Bệnh nhân Đ. được chẩn đoán tử vong do suy chức năng đa cơ quan, sốc nhiễm khuẩn, chấn thương sọ não nặng.
Ngày 20/5, sau gần 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, nam sinh D. được chuyển về Hà Nội điều trị.
Theo cơ quan chức năng, chiều 17/3, T.V.K. (12 tuổi, trú tại quận Long Biên) trong lúc chơi tại khu vực đình Lệ Mật đã xảy ra mâu thuẫn và bị Đ. tát vào mặt.
K. sau đó chạy đi gọi anh trai là Minh để nhờ giải quyết mâu thuẫn. Khi 2 anh em đi bộ ra sân đình Lệ Mật, gặp bố là anh T.V.T. nên cả hai kể lại sự việc.
Anh T. liền chở 2 anh em bằng xe máy ra sân đình Lệ Mật để xem ai đánh. Tại đây, anh T. bảo 2 con đi vào sân đình, còn anh quay xe định ra về.
Lúc này, anh T. thấy Minh chạy vào đấm làm Đ. ngã ra đất nên vào can ngăn, rồi chở 2 con về nhà. Sau đó, anh T. trở lại khu vực sân đình Lệ Mật, thấy Đ. có biểu hiện choáng, mặt tái nên đã đưa nam sinh vào bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu.
Nạn nhân sau đó được chuyển Bệnh viện 108 điều trị. Bệnh viện xác định Đ. bị chấn thương sọ não, hôn mê, tiên lượng tử vong cao.
Ngày 27/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trương Văn Minh (16 tuổi, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên) về tội Cố ý gây thương tích.
Ngoài bị can, còn ai phải chịu trách nhiệm?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong vụ án này, theo thông tin ban đầu, hậu quả chết người là do nạn nhân bị đập đầu xuống đất, nguyên nhân tử vong không phải là do hành vi trực tiếp của bị can gây ra.
Vì thế cơ quan điều tra đang điều, tra xử lý bị can về tội cố ý gây thương tích mà chưa chuyển tội danh sang tội giết người.
Cơ quan tố tụng chỉ có thể chuyển tội danh sang tội giết người nếu có căn cứ chứng minh bị can có động cơ mục đích giết người hoặc bị can nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi tác động đến nạn nhân, bỏ mặc hoặc mong muốn hậu quả chết người xảy ra.
Còn nếu hành vi của bị can chỉ là đấm hoặc tát vào mặt nạn nhân, nạn nhân chết do bị ngã đập đầu xuống đất, mới chỉ đủ căn cứ xử lý về tội cố ý gây thương tích.
Theo ông Cường, trong các vụ án xử lý về tội cố ý gây thương tích, mức độ thương tích của nạn nhân, hậu quả do hành vi cố ý gây thương tích gây ra là yếu tố quan trọng quyết định đến khung hình phạt và mức hình phạt đối với đối tượng gây án.
Tuy nhiên, tội danh quy định, trong trường hợp hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến nạn nhân tử vong, hình phạt là phạt tù từ 7 đến 14 năm, trong trường hợp dẫn đến 2 người tử vong trở lên, hình phạt có thể đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Bởi vậy, trong vụ án này đến nay nạn nhân đã tử vong, đồng nghĩa với việc bị can trong vụ án có thể phải đối mặt với khung hình phạt theo khoản 4, Điều 134 Bộ luật hình sự là phạt tù từ 7 đến 14 năm.
Ngoài ra, khi nạn nhân tử vong, bị can sẽ phải bồi thường thiệt hại phát sinh là chi phí mai táng theo phong tục địa phương, chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc và bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng, một điều đáng chú ý trong vụ án, ngoài bị can đã bị khởi tố, sự việc này còn có liên quan đến em trai và bố của bị can.
Nguyên nhân ban đầu xuất phát từ mâu thuẫn giữa em trai bị can với nạn nhân nhưng em trai của bị can chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (mới 12 tuổi) nên vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra.
Còn đối với bố của bị can, là người đã chở bị can và em trai đến tìm nạn nhân để giải quyết vấn đề nên cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi, động cơ mục đích của người này, để xác định có phải là người chủ mưu hay xúi giục bị can thực hiện hành vi gây thương tích cho nạn nhân hay không.
Trong trường hợp kết quả điều tra cho người này đã có hành vi xúi giục hoặc giúp sức cho con trai đánh người, có thể cơ quan điều tra sẽ xử lý hình sự người bố về tội cố ý gây thương tích với vai trò đồng phạm. Nếu không có căn cứ thì không xử lý hình sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.