GS -Viện sĩ Đào Trọng Thi (ảnh IT).
GS – Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, từ vụ án sửa điểm thi ở Hà Giang, nay một số địa phương khác như Lạng Sơn, Sơn La cũng có dấu hiệu bất thường về điểm thi và Bộ GD-ĐT phải lập đoàn kiểm tra, ông không thấy bất ngờ.
“Hiện tượng tiêu cực xảy ra ở Hà Giang thì cũng có thể xảy ra ở các địa phương khác. Có thể tiêu cực ở Hà Giang trầm trọng hơn, số lượng nhiều hơn, chêch lệch điểm cao hơn, do đó có thể bị phát hiện sớm. Nói tóm lại, cùng một điều kiện ở nơi này xảy ra tiêu cực thì ở nơi khác cũng có thể xảy ra. Khi đã xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh, điều tra rõ ràng, công khai minh bạch, như thế mới mang tính chất cảnh cáo răn đe, hạn chế sai phạm xảy ra.
Vụ việc xảy ra ở Hà Giang là đặc biệt nghiêm trọng, ngoài những người liên quan phải chịu trách nhiệm thì Bộ GD-ĐT và cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng phải có trách nhiệm, thưa GS?
- Trách nhiệm đương nhiên là có nhưng mức độ khuyết điểm phải chờ điều tra làm rõ. Nếu như sơ hở từ quy trình mà quy trình do Bộ GD-ĐT ban hành thì đương nhiên Bộ có trách nhiệm trực tiếp; còn nếu không phải sai sót về quy trình mà là thực hiện quy trình không nghiêm túc thì trách nhiệm của ngành chỉ còn là trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu.
Tóm lại từ vụ việc tiêu cực ở Hà Giang, sai sót là có nhưng phải chờ kết quả điều tra, phân tích sai sót đó xem tính chất thế nào rồi mới quy cụ thể xem ai có trách nhiệm trực tiếp, ai gián tiếp hay trách nhiệm người đứng đầu. Trong một ngành, một công việc có tầm quan trọng như vậy mà để xảy ra sai sót thì đương nhiên người đứng đầu phải có trách nhiệm, tối thiểu là trách nhiệm người đứng đầu.
Ông Vũ Trọng Lương, người được xác định sửa điểm ở Hà Giang đã bị Cơ quan điều tra khởi tố (ảnh IT).
GS có cho rằng có kẽ hở trong quy trình chấm thi dẫn tới con người có thể lợi dụng can thiệp vào?
- Kẽ hở về quy trình có thể có, phương pháp thi trắc nghiệm nếu được làm một cách triệt để thì sẽ khác. Ở nhiều quốc gia trên thế giới họ làm lâu rồi và Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm trước khi chuyển giao cho Bộ GD-ĐT. Việc thi là trên máy tính, đề thi được thiết kế ngẫu nhiên trên cơ sở ngân hàng đề thi. Thí sinh làm bài trên máy tính và chấm luôn, khi kết thúc làm bài chỉ ít giây sau là có kết quả. Với quy trình như vậy không có kẽ hở nào về thời gian để con người có thể can thiệp vào kết quả thi.
Còn cách làm của chúng ta chưa phải như vậy, chúng ta mới chỉ áp dụng một phần. Đề thi không được cấu tạo ngẫu nhiên trên máy tính mà được xây dựng một số mã đề thi nhiều hơn để trong một phòng thi không có hai thí sinh cùng mã đề, nhưng mã đề thi sẽ dùng cho nhiều thi sinh ở các phòng thi khác, như vậy trùng đề thi rất nhiều, tất nhiên không phải trùng trong một phòng.
Hiện nay thí sinh thi là làm bài trên giấy, như thế sẽ liên quan đến việc thu bài thi, vận chuyển các bài thi đến hội đồng chấm thi, bảo quản bài thi trước khi chấm, sau khi chấm xong kết quả không phải hiện ngay trên máy mà phải nạp kết quả vào. Nói như thế để thấy một chuỗi như vậy có rất nhiều chỗ để con người có thể tác động vào và trên thực tế vụ việc ở Hà Giang là như vậy.
Chúng ta kết hợp cả truyền thống và hiện đại, đáng lẽ trong trường hợp này phải thấy nếu không làm đầy đủ theo quy trình tiên tiến mà các nước áp dụng thì phải xem chỗ đó có thể xảy ra sự cố gì không, có nguy cơ gì không và có biện pháp để siết chặt. Thế nhưng có thể chúng ta mới làm nên chưa lường trước được những vấn đề đó. Cũng có thể do người thực hiện không tốt lại thiếu khâu giám sát người thực hiện.
Vụ việc ở Hà Giang là có người đã can thiệp được vào kết quả bài thi, còn họ can thiệp được do sơ hở của quy trình hay việc thực hiện quy trình không nghiêm túc, cái đó cần phải chờ cơ quan điều tra làm rõ và kết luận.
Nếu thi trắc nghiệm tất cả thí sinh cùng làm trên máy tính cần phải đầu tư hạ tầng vật chất lớn thưa GS?
- Hệ thống cơ sở hạ tầng phải tốt hơn, tuy nhiên không phải cần đầu tư tốn kém như nhiều người nghĩ. Không phải thi là mỗi em một chiếc máy tính, bởi thi trắc nghiệm khác với thi truyền thống. Thi truyền thống là tất cả thí sinh cùng làm bài, hết giờ cùng phải nộp bài.
Thi trắc nghiệm không cần thiết phải thi đồng thời kiểu mỗi thí sinh một máy tính mà thi ở thời điểm khác nhau, thí sinh này làm xong đến lượt thí sinh khác, thậm chí còn được bảo lưu kết quả thi được đến sang năm. Có thể thi rải rác trong một năm, có trung tâm khảo thí, thí sinh cứ đến đăng ký và thi lúc nào cũng được.
Thi trắc nghiệm làm trên máy tính, bài thi trắc nghiệm được chuẩn hóa, cho dù là đề thi khác nhau, được thiết kế ở các thời điểm khác nhau một cách ngẫu nhiên nhưng độ khó và giá trị thì tương đương nhau. Ví dụ một thí sinh thi trắc nghiệm trên máy tính được 6 điểm, một thí sinh khác làm bài thi trên máy ở thời điểm khác cũng được 6 điểm, thì hai điểm này có giá trị tương đương nhau.
Làm được như vậy thì không nên phải tổ chức thi theo kiểu kỳ thi quốc gia nữa, không cần phải làm đồng thời cả nước. Có thể giao cho địa phương và về lâu dài có thể giao cho cơ sở giáo dục. Ở Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm được trên cơ sở vật chất cũng chỉ tương đương với nhiều trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.