Như Dân Việt đã đưa tin, sáng 12/4, cha mẹ của bé trai đưa bé đến phòng trọ của người cô ruột tên T. ở đường Tam Đông 20, cách nhà trọ bé trai này khoảng 200m gửi nhờ chăm sóc giùm. Lúc này, chị T. phát hiện trên người bé trai bị có dấu hiệu mới bị bỏng khắp vùng mặt nên gặng hỏi. Cha mẹ của bé nói do cháu nghịch nên bị nước sôi văng trúng.
Qua kiểm tra, chị T. phát hiện trên người bé trai còn nhiều vết thương ở vùng lưng, nghi bị chích tàn thuốc; vết thương ở vùng mặt, lỗ tai nghi bị đánh. Ngoài ra, bé trai còn bị gãy tay phải. Chị T. đã trình báo vụ việc với cơ quan công an.
Bước đầu, người mẹ đã khai đánh con mình, test nhanh ma túy cha mẹ bé đều âm tính. Hiện bé trai đã được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 2 để điều trị. Theo Bệnh viện Nhi đồng 2, bé H.K (2 tuổi) được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn, được chẩn đoán đa tổn thương, gãy thân xương cánh tay, xây xát, bỏng da độ 1-2, chấn thương đầu.
Các bác sĩ ghi nhận trẻ bị suy hô hấp, sốc mạch 160/phút, huyết áp khó đo. Cơ thể trẻ có nhiều vết thương, sưng u trán, vết thương 2 đầu núm vú lở loét, nhiều vết thương vùng má, mũi, mặt… Ngoài ra, bé còn bị biến dạng cánh tay phải, trợt da vùng ngực bụng, hông đùi trái, 2 vết loét vùng cột sống thắt lưng, gãy 1/3 giữa xương cánh tay phải.
Bệnh nhi được thở máy, điều trị tích cực, bù dịch, vệ sinh chăm sóc vết thương. Kết quả chụp CT não ghi nhận xuất huyết dưới màng cứng, tụ máu mô mềm da đầu 2 bên.
Theo nhận định của các bác sĩ, bé bị suy nhược cơ thể, đang được hồi sức tích cực, phối hợp điều trị nhiều chuyên khoa, hỗ trợ dinh dưỡng, dùng thuốc an thần. Hiện bệnh viện chưa đưa ra tiên lượng về tình trạng của bệnh nhi.
Có thể phạt tiền, cải tạo không giam giữ đối với người mẹ 3 năm
Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định: Bé trai H.K. có dấu hiệu bị "bạo lực gia đình" theo quy định tại khoản 2 Điều 1; Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007. Theo các điều luật này thì bạo lực gia đình được hiểu như sau: "Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình". Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm: "Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng".
Trong trường hợp này, đối tượng bị bạo hành là trẻ em mới hơn 1 tuổi. Trẻ em là đối tượng phải được quan tâm, chăm sóc tốt nhất có thể. Việt Nam đã thông qua Công ước về quyền trẻ em và có hẳn Luật Trẻ em (2016) để bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương này. Quyền trẻ em được quy định tại Chương II, Mục 1 trong đó có các quyền như: Quyền được chăm sóc sức khỏe (Điều 14); Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng (Điều 15); Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc (Điều 27)...
Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình cụ thể như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, gây thương tích cho thành viên gia đình. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình.
Ngoài ra, theo luật sư Tuấn, người mẹ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" theo khoản 1 Điều 185 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Cụ thể, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
"Như vậy, việc người mẹ đánh đập bé H.K có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và có thể lên đến 5 năm tù nếu người con dưới 16 tuổi (trẻ em)", luật sư Tuấn nêu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.