Trước đó, vào khoảng 20h40 tối 30/12, tại đường ngang Km 1717+600 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, thuộc địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, nhân viên gác tàu là chị Võ Thị Bình cùng đồng nghiệp đang đóng chắn để đón đoàn tàu số hiệu 4501 chuẩn bị đi qua.
Các phương tiện giao thông và người dân đã dừng chờ theo đúng quy định. Tuy nhiên, một cặp vợ chồng đi xe gắn máy lại yêu cầu nhân viên mở chắn để họ đi qua.
Khi bị từ chối, người phụ nữ đi cùng đã chửi bới, sau đó xuống xe và lao vào hành hung nhân viên Võ Thị Bình. Thời điểm đó, đoàn tàu đang tiến đến đường ngang, gây ra tình huống vô cùng nguy hiểm. Mặc dù đồng nghiệp của chị Bình là chị Lưu Thị Mỹ Duyên cùng người đi đường can ngăn, người phụ nữ này vẫn tiếp tục có hành vi côn đồ, tấn công nạn nhân.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an phường Hiệp Bình Chánh đã vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc. Hiện tại, đối tượng đã bị tạm giữ để điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Về phía nạn nhân, chị Võ Thị Bình được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức với chẩn đoán ban đầu là gãy xương mũi. Hiện chị đang được điều trị và theo dõi sức khỏe.
Quy định của pháp luật về tội cố ý gây thương tích
Luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, theo quy định của pháp luật, mọi người tham gia giao thông đều phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Đối với giao thông đường sắt, người chắn gác có quyền quyết định đến việc hạ chắn và nâng chắn khi tàu đi qua để đảm bảo an toàn giao thông. Người tham gia giao thông không có quyền can thiệp vào hoạt động điều khiển chắn gác tại các điểm giao cắt với đường tàu.
Theo luật sư Cường, phía cơ quan chức năng có đầy đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với Nguyễn Thùy Trang về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự hoặc tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bên liên quan đồng thời sẽ tiến hành trưng cầu giám định thương tích của nạn nhân để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nạn nhân có thương tích, dù thương tích dưới 11% cơ quan điều tra cũng vẫn khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Trang về tội Cố ý gây thương tích do hành vi được xác định là có tính chất côn đồ. Đối tượng gây ra vụ việc có thể sẽ bị xử phạt từ 06 tháng đến 03 năm tù, thậm chí lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Luật sư Cường cho biết thêm, trong vụ việc trên, Trang chỉ vì lời qua tiếng lại mà sẵn sàng dùng vũ lực để tấn công nhân viên gác chắn đường tàu, gây mất an ninh trật tự xã hội và có thể gây ra tai nạn đường sắt. Bởi vậy, đối tượng có thể bị xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng nếu hành vi được xác định gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, đối tượng gây ra vụ việc còn phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự. Các chi phí bồi thường bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.