Kiểm soát không chặt, hậu quả sẽ lớn
Sau khi có thông tin phản ánh về nguy cơ gây bức tử sông Hậu từ dự án Nhà máy Giấy Lee&Man, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL đã gấp rút tìm hiểu nhiều thông tin về dự án cũng như đưa ra những phân tích về sự ảnh hưởng của nó.
Theo Thạc sĩ Thiện, chế độ thủy triều sông Hậu lên xuống mỗi ngày, trong trường hợp nước thải của nhà máy giấy không đạt chuẩn, công nghệ xử lý lạc hậu, khi thủy triều xuống thì “hậu quả sẽ khó lường” đối với thủy sản nước ngọt tự nhiên của sông Hậu. “Ảnh hưởng của nó rất to lớn, hơn nhiều so với vụ cá chết ở miền Trung. Vì nguồn lợi thuỷ sản ở ĐBSCL gấp 8 lần so với đồng bằng sông Hồng và chiếm 50% sản lượng thuỷ sản cả nước” – Thạc sĩ Thiện nói.
Cũng theo Thạc sĩ Thiện, khi nước thủy triều đưa lên sẽ đẩy về hướng TP.Cần Thơ, theo đó nguồn nước cấp do toàn bộ dân số TP.Cần Thơ và dân chúng ven sông sẽ bị ảnh hưởng.
Sông Hậu có nguy cơ bị ảnh hưởng môi trường bởi dự án nhà máy giấy của nhà đầu tư Trung Quốc (Ảnh: Huỳnh Xây)
Chuyên gia nghiên cứu về sinh thái phân tích rõ thêm: “Do dòng chảy của sông Hậu chịu ảnh hưởng của thuỷ triều nên khi nhiễm hoá chất, vào mùa mưa sẽ bị đẩy ra biển, tác động đến thuỷ sản biển vùng cửa sông Trần Đề và có thể toàn bộ vùng biển ĐBSCL. Còn trong mùa khô sẽ bị đẩy lên tận PhnomPenh (Campuchia)”.
Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết: Ngành thủy sản ở ĐBSCL được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Thời gian qua, ngành này đã đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu, góp phần to lớn vào lĩnh vực tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, ngành này cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, đặc biệt là vấn đề môi trường.
“Diện tích việc nuôi trồng thuỷ sản hiện nay phát triển cao gấp nhiều lần so với lúc Hậu Giang lựa chọn dự án. Ngành thủy sản ĐBSCL đang chịu sức ép ngày càng lớn từ các nước nhập khẩu khi đó ở các vùng nuôi bà con nông dân phải đối mặt với những tác động xấu của môi trường. Vậy, việc triển khai dự án nhà máy giấy – ngành được xem là có nguy cơ xả thải, gây ô nhiễm rất cao phải được kiểm tra, giám sát hết sức cẩn thận” – ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Vasep nói.
Nhập nguyên liệu từ …“phế liệu”
PGS – TS Lê Anh Tuấn - Phó viện Trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường ĐH.Cần Thơ) cho rằng, dư luận lo ngại dự án nhà máy giấy ảnh hưởng xấu đến môi trường là điều rất dễ hiểu, bởi sản xuất giấy là ngành thải ra rất nhiều chất độc (sử dụng nhiều hóa chất khác nhau, kể cả xút – NaOH để tẩy trắng giấy - PV), có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Ông Tuấn phân tích: “Vị trí nhà máy giấy nằm ở Hậu Giang và cặp sông Hậu, tức khu vực có dòng chảy rất yếu, khả năng trao đổi nước kém. Nơi đây cũng là nơi để lấy nước nuôi trồng thủy sản nên bà con rất lo ngạy việc xả thải, đặc biệt là nhà máy có quy mô lớn như nhà máy giấy”.
Người nuôi cá ven sông Hậu cạnh Nhà máy giấy đang hoang mang, lo lắng (ảnh Chúc Ly).
Một số nhà khoa học khác cũng cho rằng, khu vực đặt Nhà máy Giấy Lee&Man là vùng trũng nhất ở ĐSBCL nên rất khó rửa trôi các chất độc nếu bị xả ra môi trường. Trong khi đó, khu vực này thật chất là vùng cây ăn trái trù phú với những đặt sản nổi tiếng như: Cam, bưởi, chôm chôm, mận, ổi,...Bên cạnh đó, khu vực này cũng được nhiều hộ dân đầu tư nuôi thủy sản như cá da trơn, điêu hồng, các loại cá đồng.
Mặt khác, theo thông tin từ Ban quản lý Dự án cụm công nghiệp tập trung tỉnh Hậu Giang, trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ nhập nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất. Tuy nhiên, rất nhiều người lo ngạy, thật chất nguyên liệu trên là “phế liệu”. Để xử lý “phế liệu” này cần phải dùng nhiều hóa chất độc tính mạnh để tẩy trắng. Hiện ngành chức năng tỉnh Hậu Giang và các địa phương lân cận cũng chưa có động thái phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy giấy trên.
Khi phóng viên hỏi, phía công ty có nói sử dụng công nghệ tiên tiến trong công đoạn sản xuất và cam kết xả thải đạt chuẩn loại A thì có thật sự yên tâm không, ông Tuấn nói: “Công nghệ tiên tiến cũng chưa chắc đảm bảo, chẳng hạn Nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), xây dựng bằng công nghệ mới của Thụy Điển - quốc gia bảo vệ môi trường rất tốt. Thế nhưng, quanh khu vực nhà máy này môi trường cũng bị ô nhiễm rất nhiều”.
“Chủ đầu tư bao giờ cũng nói họ sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, bao giờ cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề xử lý chất thải. Thế nhưng, qua báo chí, tôi được biết có nhiều lĩnh vực, công đoạn vẫn chưa được công khai minh bạch. Ngoài ra, nếu nói công nghệ, giám sát của dự án tốt hết nhưng qua tháng năm, chỉ cần có sơ xuất (?!) thôi thì cái khả năng khắc phục môi trường rất là khó” - ông Tuấn đặt vấn đề.
Kỳ 1: Vụ nhà máy giấy tỷ đô ở ĐBSCL: Dân sợ .. cá chết trắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.