Trả lại tuổi cho em
Trong ngôi nhà sàn cũ kỹ, anh Hồ Hiền - công an viên thôn Tà Lêng (xã Đakrông, huyện Đakrông) không ngớt lời than phiền vì hành trình tìm lại tuổi cho mình. Anh Hiền cho hay, anh sinh ra không được cha mẹ làm giấy khai sinh. Nhưng trong sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân thì anh sinh năm 1976. Tuy nhiên lúc đi học, nhà trường làm giấy khai sinh cho anh, ghi sinh ngày 2.3.1984.
Hồ Văn Long (trái), Hồ Văn Lý (phải), con trai của ông Hồ Văn Liên đều bị sai lệch tuổi giữa giấy khai sinh gốc so với học bạ. Ảnh: N.V
Khoảng tháng 7.2014, anh Hiền hoàn thành lớp cảm tình Đảng. Nhưng đến khi rà soát lại giấy tờ thì phát hiện có sự chênh lệch đến 6 tuổi. Cũng vì thế, việc kết nạp Đảng của anh bị ách tắc. Không biết làm thế nào, anh Hiền “cầu cứu” UBND xã, công an, phòng tư pháp huyện xin sửa tuổi theo bằng tốt nghiệp THCS nhưng không được chấp nhận. Anh lại cuống cuồng xin sửa lại học bạ, bằng tốt nghiệp theo tuổi của hồ sơ gốc nhưng cũng không xong. May mắn, tháng 4.2015, Công an huyện Đakrông tiến hành phúc tra hộ khẩu, chứng minh nhân dân… và tiến hành cải chính tuổi của anh Hiền theo học bạ, giấy khai sinh của nhà trường. Ngày 13.5.2015, anh Hiền chính thức “được” sinh ngày 2.3.1984.
Ba người con của ông Hồ Văn Liên (trú thôn Khe Ngài, xã Đakrông) cũng bị sai lệch tuổi khiến ông hết sức mệt mỏi. Con trai đầu của ông là Hồ Văn Long (học sinh lớp 12B5, Trường THPT Đakrông) trong giấy khai sinh gốc ghi sinh ngày 20.12.1997. Nhưng trong học bạ và giấy khai sinh lưu tại trường lại ghi ngày 26.3.1998. “Em sắp phải nộp bằng tốt nghiệp THCS để chuẩn bị hồ sơ thi tốt nghiệp, rồi còn thi đại học… nhưng mà tuổi bị lệch, em lo lắm. Em đã làm thủ tục nộp về phòng giáo dục huyện xin cải chính bằng tốt nghiệp THCS, hiện đang chờ câu trả lời” – Long lo lắng.
Hai em của Long là Hồ Văn Lý (lớp 9A3) và Hồ Văn Linh (lớp 8A5) cùng Trường THCS Đakrông cũng bị sai lệch tuổi. “Gia đình chúng tôi rất hoang mang, nếu không cải chính được tuổi theo đúng hồ sơ gốc thì có khi con tôi không thể thi cử, học lên cao được nữa. Mong chính quyền có cách tháo gỡ sớm để chúng tôi an tâm” – ông Liên nói.
Các bên liên quan nói gì?
Làm việc với chúng tôi, ông Hồ Đắc Xuân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Đakrông cho hay, thời gian gần đây không có trường hợp sai lệch về tuổi. Còn trước đây ông không biết vì mới về công tác từ năm 2010.
Còn ông Nguyễn Ngọc Vinh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Đakrông cho biết, nhà trường chỉ lấy bản sao giấy khai sinh có công chứng để nhập học cho học sinh. Bản sao ấy do phụ huynh học sinh tự đến UBND xã làm chứ nhà trường không biết.
Trong khi đó, ông Hồ Nha – Chủ tịch UBND xã Đakrông nhiệm kỳ 2004-2009, người đã ký vào giấy khai sinh không hợp lệ cho biết, ông ký vào giấy khai sinh là vì thầy cô trường tiểu học đưa tới. “Thầy cô đưa tới một lúc cả tập giấy khai sinh, có cái đúng, có cái sai nguyên tắc, nhưng vì bận nhiều việc, lại tin tưởng thầy cô nên cứ ký vào để cho con em trong xã được đi học. Không ngờ hệ lụy của nó lại ghê gớm đến thế...” – ông Nha nói.
Ông Nha thừa nhận trước đây năng lực quản lý của xã còn yếu kém nên mới dẫn đến sai lệch. “Mong cấp trên có cách cải chính sớm để bảo đảm quyền lợi cho con em” – ông Nha khẩn khoản.
Bà Hồ Thị Kim Cúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho hay, việc sai lệch tên, tuổi trên xảy ra ở nhiều xã trên địa bàn. Việc cấp lại giấy khai sinh, sổ hộ khẩu không quá khó, vì vậy, cách tốt nhất là cải chính theo học bạ của nhà trường.
Theo những gì ông Hồ Nha giải thích, dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu có bệnh thành tích trong giáo dục, khai tụt tuổi của học sinh để nâng cao tỷ lệ phổ cập đúng độ tuổi hay không? Bởi vì, tại sao khi làm học bạ, nhà trường không căn cứ vào sổ hộ khẩu, hoặc giấy khai sinh gốc hợp lệ (có lưu tại UBND xã – PV) mà lại làm lại giấy khai sinh, căn cứ vào giấy khai sinh mới này để nhập học cho học sinh?
Ngày 30.9, trả lời PV NTNN, ông Phan Xuân Kiểu – Phó Giám đốc Sở GDĐT Quảng Trị cho biết, vẫn chưa nắm được thông tin về việc các trường ở miền núi tự làm giấy khai sinh cho học sinh. Tuy nhiên, theo nguyên tắc thì việc cải chính học bạ thuộc thẩm quyền của nhà trường, còn cải chính bằng tốt nghiệp thuộc thẩm quyền của Phòng GDĐT huyện. Nếu học sinh được cải chính hộ tịch thì nhà trường, phòng sẽ cấp lại bằng tốt nghiệp THCS mới cho học sinh. Học sinh ở miền núi vẫn thường sai lệch như thế. Nhưng trước nay chỉ với con số ít. Riêng trường hợp sai lệch ở xã Đakrông, huyện Đakrông, nếu đúng là khoảng 250 em thì quả đáng ngạc nhiên.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.