Vụ nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà: Nước nhiễm E.coli gây nguy hiểm tới sức khoẻ thế nào?

Gia Khiêm Chủ nhật, ngày 22/10/2023 14:08 PM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, vi khuẩn E.coli có trong nguồn nước hoặc thức ăn có thể gây ra hàng loạt bệnh.
Bình luận 0

Chiều tối 21/10, tại trụ sở UBND xã Cự Khê, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển và ông Đoàn Viết Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Thanh Oai đã có cuộc họp với đại diện các tổ dân phố, cư dân Khu đô thị Thanh Hà và Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà, Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Thanh Hà và các đơn vị liên quan để xử lý các vấn đề liên quan tới việc cư dân thiếu nước sạch.

Vụ nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà: Nước nhiễm E.coli gây nguy hiểm tới sức khoẻ thế nào? - Ảnh 1.

Người dân Khu đô thị Thanh Hà những ngày qua bị xáo trộn cuộc sống do thiếu nước. Ảnh: Gia Khiêm

Đáng chú ý trả lời các câu hỏi liên quan đến chất lượng nguồn nước, ngành y tế huyện Thanh Oai cho biết kết quả mẫu xét nghiệm nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà vào ngày 13/10 vừa qua thể hiện trong nước có nhiễm vi khuẩn E.coli. Ngành y tế huyện Thanh Oai khuyến cáo cư dân tạm thời không sử dụng nước sạch lấy trực tiếp từ vòi trong khu đô thị để ăn uống. 

Ngay sau cuộc họp nêu trên, nhiều lãnh đạo tổ dân phố trong khu đô thị Thanh Hà đã lập tức phát khuyến cáo gấp đến các hội nhóm của tổ dân phố. Sự việc khiến không ít người dân lo lắng.

Vụ nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà: Nước nhiễm E.coli gây nguy hiểm tới sức khoẻ thế nào? - Ảnh 2.

Dễ dàng quan sát nguồn nước cấp cho cư dân Khu đô thị Thanh Hà trước đó có màu xanh. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, vi khuẩn E.coli có trong tự nhiên. Trong quá trình sinh hoạt, loại vi khuẩn này sinh sôi nảy nở có thể nhiễm vào thức ăn, qua đường ruột ra ngoài tự nhiên hoặc từ động vật.

"Khi vi khuẩn E.coli nhiễm vào nguồn nước hoặc thức ăn có thể dẫn đến hàng loạt bệnh. Đa số người bị nhiễm E.coli thời gian đầu không có triệu chứng mắc bệnh. Thời gian ủ bệnh của loại vi khuẩn này là khoảng 3-4 ngày, sau đó một loạt triệu chứng đường ruột xuất hiện. Các triệu chứng có thể là tiêu chảy nhẹ, sốt nhẹ hoặc tiêu chảy ngắt quãng không kèm theo sốt", ông Thịnh cho hay. 

Vụ nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà: Nước nhiễm E.coli gây nguy hiểm tới sức khoẻ thế nào? - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cũng theo ông Thịnh, trong một số ít trường hợp, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi và người già, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và có thể phát triển hội chứng tăng urê máu có tán huyết gây suy thận, xuất huyết và các vấn đề thần kinh khác. Tỷ lệ tử vong là khoảng 3-5% ở những trường hợp này.

Đa số bệnh nhân khi bị vi khuẩn E.coli tấn công sẽ bị tiêu chảy, đau bụng, trong nhiều trường hợp có máu lẫn trong phân. Ngoài ra, bệnh nhân thường xuyên cảm thấy buồn nôn, ăn uống kém ngon miệng, cơ thể rơi vào tình trạng uể oải, mệt mỏi…

Vụ nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà: Nước nhiễm E.coli gây nguy hiểm tới sức khoẻ thế nào? - Ảnh 4.

Vi khuẩn E.coli. Ảnh minh hoạ

Ông Thịnh cũng cho rằng, người dân thường tin tưởng các nhà máy cung cấp nước sạch, mặc định coi nguồn nước đó là "nước sạch" nên cứ thế tin dùng, mà không mấy khi quan tâm đến chất lượng.

"Nếu vi khuẩn chỉ xuất hiện trên bề mặt ruộng đồng hoặc ngoài không khí thì không nguy hiểm vì có thể bị tiêu diệt do nhiệt độ… Nhưng khi vi khuẩn E.coli ngấm sâu vào đất, nguồn nước không được xử lý triệt để thì có thể ngấm vào mạch nước lan ra rộng hơn. Mạch nước ngầm nào nếu ngấm vào nguồn nước sử dụng thì sẽ dẫn đến nguy hiểm. Khi người dân dùng nguồn nước ô nhiễm này thì có thể dẫn đến hàng loạt ảnh hưởng, thậm chí gây chết người", ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cho biết thêm, ở nhiều nước phát triển, các đơn vị cung cấp nước sạch với công nghệ cao tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, nước lấy từ vòi ra có thể dùng được luôn. Tuy không tinh khiết như nước đóng chai, nhưng nguồn nước từ vòi này có thể dùng trực tiếp mà không có chất nguy hại và không có vi khuẩn. Người dân có thể dùng uống trực tiếp, nấu ăn  mà không lo ngại đến sức khỏe.

"Người dân tuyệt đối không dùng trực tiếp nguồn nước khi phát hiện nhiễm khuẩn. Đơn vị xử lý nguồn nước cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định và tiêu chuẩn nguồn nước cung cấp cho người dân theo tiêu chuẩn Bộ Y tế cho phép. Để đề phòng nhiễm khuẩn, người dân cần ăn chín uống sôi. Với hoa quả, sau khi rửa sạch thì phải gọt hoặc bóc vỏ", ông Thịnh thông tin thêm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, chị Trần Thị An, đại diện cư dân Khu đô thị Thanh Hà cho biết, vài ngày qua nhiều người dân cũng đã rất lo lắng cho sức khoẻ của mình và gia đình nên đồng loạt đến cơ sở y tế để khám tổng thể. 

Bộ Y tế đã đưa ra các tiêu chuẩn cho nguồn nước sạch như màu sắc, mùi vị, độ trong, độ kiềm, độ cứng, chất rắn hòa tan, hàm lượng chất vô cơ, vi sinh vật, mức nhiễm xạ... Do đó, nước sạch là nước có chỉ số nồng độ các chất dưới hoặc bằng mức cho phép của Bộ Y tế đưa ra.

Nước sạch là nước không màu, không mùi, không vị vì thế nếu thấy nước có màu vàng hoặc màu xanh là nước đã bị nhiễm sắt, nhiễm phèn và tảo biển rất cao. Còn nếu bạn ngửi thấy mùi thuốc tẩy, clo hay mùi tanh thì nguồn nước này chắc chắn đã có vấn đề và bạn nên ngưng sử dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem