Vụ nuôi tôm "10 càng" ở Đồng Tháp: Tôm lạ và sen lạ đều chết

Hữu Danh Thứ tư, ngày 08/02/2017 10:37 AM (GMT+7)
Thuê đất với giá cao để trồng sen lấy ngó, sau gần 1 năm, toàn bộ sen của Công ty TNHN Sen Hoàng Giang (ông Trần Văn Hòa làm Giám đốc) đều... chết sạch. Tôm hùm đỏ ở trại này cũng chết gần hết trước khi bị tiêu hủy...
Bình luận 0

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin Đồng Tháp tiêu hủy tôm hùm đỏ gây nuôi tại xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Các đợt tiêu hủy đều diễn ra trước Tết Nguyên đán. Ngày 5.2 vừa qua, Sở NNPTNT Đồng Tháp đã kiểm tra lại và xác định không còn con tôm hùm đỏ nào tồn tại ở trang trại này. Cho đến giờ, cũng chưa xảy ra thiệt hại vì tôm được phát hiện sớm, chưa phát tán ra môi trường.

img

Ông Bảy Liêm (ngụ ấp 6, Tân Hội Trung) chỉ về mảnh ruộng bỏ hoang vì sen chết sạch.

Từ thông tin của người dân, sau khi xác minh, xác định được chủng loài, Chi cục Thủy sản Đồng Tháp làm việc với ông Hòa, yêu cầu ông tổ chức tiêu hủy dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng. Đợt tiêu hủy tôm hùm đỏ đầu tiên là vào ngày 6.12.2016, bắt được 33 con tôm sống và 55 con tôm chết. Cùng với việc tiêu hủy tôm, đoàn giám sát còn yêu cầu ông Hòa phun hóa chất để tiêu diệt những con còn sót lại cũng như tôm con nếu có sinh sản.

Đợt tiêu hủy thứ hai là ngày 10.12.2016, tổng cộng có 14 con sống và 5 con chết, trong đó có 7 con bắt được bên ngoài ao nuôi của doanh nghiệp. Như vậy, trong số tôm được phát hiện, chỉ có 47 con sống và 60 con đã chết.

Ông Nguyễn Văn Hùm - Phó chủ tịch UBND xã Tân Hội Trung - cho biết, cả tôm và sen do công ty này trồng đều chết, không thu được gì.

"Khi chúng tôi phát hiện tôm ngoại lai là tổ chức tiêu hủy ngay. Ngoài nuôi giống tôm hùm đỏ, giống sen do doanh nghiệp của ông Hòa trồng tại địa phương cũng không rõ nguồn gốc, không giống với sen bản địa. UBND xã đã kiến nghị các ngành liên quan tìm hiểu nguồn gốc chủng loại sen này. Cái khó là sen của ông Hòa trồng đều... chết hết. Họ đầu tư thuê đất và xây nhà xưởng với số tiền khoảng 10 tỷ đồng, nhưng sau một năm vẫn chưa thu được đồng nào từ việc trồng sen. Từ trước đến nay, người dân xã này chỉ trồng sen lấy gương, trong khi dự án của ông Hòa là trồng sen lấy ngó.” - ông Hùm nói.

Cũng theo ông Hùm, tại địa phương này lâu nay không có người Trung Quốc. Từ ngày có dự án thì có hai người Trung Quốc và một phiên dịch cùng làm việc với ông Hòa. Họ đăng ký tạm trú tại địa phương nhưng đi đi về về, không ở hẳn tại địa phương.

>>> XEM THÊM: Đồng Tháp tiếp tục lên tiếng vụ "tôm 10 càng" người Trung Quốc nuôi <<<

Quyết tâm trồng sen

Theo người dân, từ ngày thực hiện dự án, công ty của ông Hòa thanh toán tiền thuê đất và các chi phí khác cho người dân rất sòng phẳng, không có ai ý kiến gì.

Trao đổi với phóng viên, ông Hòa cho biết, giống tôm này bạn ông cho để nuôi chơi, ông không biết là giống ngoại lai bị cấm. "Tôi đem về ao mấy ký để nuôi thử, nhưng nuôi chết nhiều hơn sống. Sau đó địa phương phát hiện đây là giống cấm nuôi, tôi đã chấp hành tiêu hủy ngay, không có gì phải tiếc. Riêng dự án trồng sen, giống tôi đem về đã chết sạch nên tôi đang gặp khó khăn. Nhưng vì làm thật, đã đầu tư quá nhiều nên tôi quyết tâm phải tiếp tục thực hiện. Ô tô riêng tôi đem từ Hà Nội vào, giờ vẫn đang bỏ tại trang trại. Tôi đang gặp khó khăn và sẽ cố gắng để thực hiện dự án này"  - ông Hòa nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem