Vụ oan sai ở Sóc Trăng: Điều tra lại hành vi dùng nhục hình

Công Tuấn (Người Lao Động) Thứ hai, ngày 22/06/2015 09:01 AM (GMT+7)
Luật sư bào chữa cho Triệu Tuấn Hưng, nguyên điều tra viên của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng, đề nghị trả tự do cho bị can này.
Bình luận 0

TAND tỉnh Sóc Trăng vừa trả hồ sơ cho VKSND Tối cao điều tra bổ sung để làm rõ việc có hay không hành vi phạm tội của bị can Triệu Tuấn Hưng (34 tuổi, nguyên điều tra viên của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng) trong vụ 7 thanh niên bị oan sai ở Sóc Trăng. Quyết định trả hồ sơ được đưa ra sau khi luật sư của bị can này có đơn kiến nghị.

Bị bắt do người bị oan tố cáo

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao ban hành ngày 5.5, rạng sáng 6.7.2013, tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, xảy ra vụ án giết người. Nạn nhân là ông Lý Văn Dũng, hành nghề xe ôm.

Qua điều tra truy xét, ngày 10.7.2013, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Sóc Trăng triệu tập Thạch Sô Phách, Trần Hol và Trần Cua, cùng ngụ tại huyện Trần Đề. Tại buổi triệu tập, Phách khai có nhìn thấy Hol, Cua và Trần Văn Đỡ, Khâu Sóc, Thạch Mươl đánh và đâm ông Dũng.

Ngày 13.7.2013, cơ quan điều tra triệu tập Đỡ và bạn gái là Nguyễn Thị Bé Diễm lên làm việc. Tại đây, Diễm cũng khai nhận có chứng kiến Đỡ, Phách, Hol, Cua, Sóc và Mươl đánh, đâm ông Dũng. Dựa trên những lời khai này, PC45 Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội Giết người đối với Phách, Mươl, Hol, Sóc, Cua, Đỡ. Riêng Diễm cũng bị bắt về tội Không tố giác tội phạm.

img

Trong quyết định phân công điều tra viên tham gia vụ án không có tên bị can Triệu Tuấn Hưng.

Ngày 18 và 21.11.2013, Lê Thị Mỹ Duyên (15 tuổi, ngụ Kiên Giang) và Phan Thị Kim Xuyến (17 tuổi, ngụ huyện Trần Đề) ra tự thú và khai nhận cả hai đã giết ông Dũng để cướp tài sản. Bảy thanh niên bị bắt oan được trả tự do và liền sau đó làm đơn tố giác bị các cán bộ, điều tra viên (ĐTV) dùng nhục hình, ép nhận tội giết ông Dũng.

Từ đơn tố cáo này và qua quá trình điều tra, Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam về tội Dùng nhục hình đối với Hưng và Nguyễn Hoàng Quân (38 tuổi, nguyên Đội trưởng Đội Hướng dẫn, điều tra án xâm phạm nhân thân PC45 Công an tỉnh Sóc Trăng).

Nhiều bất thường

Cáo trạng của VKSND Tối cao thể hiện khoảng 22h ngày 13.7.2013, bị can Hưng đã dùng khóa số 8 treo một tay của Đỡ theo chiều thẳng đứng vào khung sắt cửa sổ, chỉ để 2 đầu bàn chân chạm sàn nhà. Sau đó, Hưng dùng tay đánh, dùng đầu gối thúc vào bụng để ép Đỡ phải khai nhận có tham gia giết nạn nhân Dũng.

Khoảng một giờ sau, bị can Quân vào phòng và tiếp tục treo tay còn lại của Đỡ vào khung cửa sổ, sau đó đấm, đá để ép Đỡ nhận tội. Cáo trạng còn kết luận quá trình làm việc với Phách, bị can Hưng cũng dùng khóa số 8, dùi cui đánh đập thanh niên này để ép nhận tội Giết người.

Đặc biệt tại buổi làm việc sáng 20.7.2013, ngoài đánh đập, Hưng còn lấy khăn lau bàn gói đá lạnh đặt vào bộ phận sinh dục của Phách. Do không chịu được đau đớn nên Phách đành khai mình có tham gia giết ông Dũng. Từ hành vi trên, VKSND Tối cao đã truy tố ra trước TAND tỉnh Sóc Trăng để xét xử Hưng và Quân về tội Dùng nhục hình.

Sau khi nhận được bản cáo trạng, luật sư tham gia bào chữa cho Hưng là bà Trần Thị Ánh (Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương - TP.HCM) đã làm đơn gửi TAND tỉnh Sóc Trăng đề nghị trả tự do cho Hưng do không đủ cơ sở buộc tội. Theo luật sư Ánh, trong quyết định phân công ĐTV điều tra vụ án này do đại tá Thái Văn Đợi - Phó giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng kiêm Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh - ký vào ngày 9.7.2013, chỉ gồm các ĐTV Quân, Lâm Văn Kết, Tô Huy Thông chứ không có bị can Hưng. Ngay cả trong quyết định kỷ luật 25 cán bộ, chiến sĩ có liên quan đến 7 thanh niên bị oan cũng không có tên bị can Hưng.

Trong khi đó, theo tờ giải trình của bị can Hưng vào ngày 4.3.2014, sáng sớm 14.7.2013, trong lúc đang trực tại cơ quan thì người trực lãnh đạo phân công (bằng miệng) Hưng ghi lời khai của chị Diễm. Do không tham gia vào ban chuyên án và không phải là ĐTV thụ lý vụ án nên Hưng chỉ ghi lời khai hộ, sau đó chuyển biên bản ghi lời khai cho ĐTV thụ lý vụ án để làm việc với Diễm.

Đến 8h45 cùng ngày, bị can Quân là người trực tiếp ghi biên bản lấy lời khai của chị Diễm. Vì thế, biên bản ghi lời khai của Hưng không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, dựa vào tờ biên bản này, cơ quan điều tra đã ghép tội Hưng.

Người bị tố đánh đập được mời làm nhân chứng

Luật sư Trần Thị Ánh lý giải rằng cáo trạng thể hiện Hưng được huy động tham gia chuyên án thông qua sự phân công của bị can Quân là không đúng về mặt pháp lý do bị can Quân không đủ thẩm quyền phân công ĐTV.

Vì thế, nếu cơ quan điều tra xác định được Hưng có tham gia đánh người thì chỉ có thể truy tố tội Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại đến sức khỏe người khác (nếu có) chứ không phải chủ thể của tội Dùng nhục hình.

Tại đơn kiến nghị khẩn cấp mới đây gửi TAND tỉnh Sóc Trăng, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, người cùng bào chữa cho bị can Hưng) cũng đã chỉ ra những điểm bất thường của vụ án. Điển hình, đó là việc Hồ Trung Hiếu và Nguyễn Văn Lượng, 2 ĐTV canh giữ nghi phạm, được đưa ra làm nhân chứng chống lại bị can Hưng. Hai người này vốn có mâu thuẫn trước đó với Hưng.

“Trong quá trình canh giữ nghi phạm, khi chứng kiến Hưng và Quân đánh người nhưng tại sao Hiếu và Lượng không ngăn cản, không khai báo trong thời gian rất dài. Như vậy, hành vi của Hiếu và Lượng có dấu hiệu là đồng phạm chứ không thể là nhân chứng trong vụ án này” - luật sư Quynh phân tích.

Cũng theo luật sư Quynh, tại biên bản nhận dạng những người đã đánh mình ngày 21.8.2014, bị hại Phách chỉ rõ người đánh mình là Hiếu chứ không phải Hưng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem