Vụ ông Thăng: Không lấy cớ họp Quốc hội để tránh cơ quan điều tra

Lương Kết Thứ bảy, ngày 13/01/2018 16:50 PM (GMT+7)
“Thời điểm đó, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh đang là đại biểu Quốc hội, đang trong kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XIV, nhưng khi cơ quan điều tra triệu tập vẫn hợp tác, tham gia làm việc đầy đủ, không lấy lý do đang tham gia kỳ họp Quốc hội để thoái thác”, luật sư (LS) Nguyễn Chiến nói khi bào chữa.
Bình luận 0

img

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh.

Chiều nay (13.1), phiên tòa xét xử vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm vẫn tiếp tục với phần các LS trình bày bào chữa cho các bị cáo.

Cáo trạng xác định, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh đã có hành vi đồng phạm với bị cáo Đinh La Thăng trong việc chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Sau đó tham gia việc chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ vào hợp đồng số 33 cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng gần 1.116 tỷ đồng sai mục đích không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng.

Trong phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó Tổng Giám đốc (GĐ) của PVN, đại biểu Quốc hội khóa XIV (đã bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạm đình chỉ đại biểu), LS Nguyễn Chiến cho rằng: Bị cáo Khánh đã khai báo đầy đủ hành vi để giúp cho cơ quan điều tra làm rõ vụ án. “Bị cáo Khánh đã thể hiện trách nhiệm, ăn năn về việc làm của mình. Với việc khai nhận, nhận trách nhiệm ấy, rõ ràng một người thực hiện hành vi đến đâu khi cơ quan tố tụng hỏi, người ta đã nhận”, LS Chiến nói.

LS Chiến cho rằng, việc đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, bị cáo Khánh chỉ nhận một phần, không thành khẩn nhận tội là không phù hợp. “Thuật ngữ pháp lý trong Bộ luật Tố tụng hình sự không có từ nào là quanh co, chối tội mà chỉ đề cập đến thành khẩn khai báo, khai báo hành vi đã thực hiện, còn hành vi đó thuộc tội nào là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trên cơ sở hành vi khai báo đó để xác định”, LS Chiến diễn giải.

Vị LS này đặt vấn đề: Tại sao phải bắt các bị cáo nhận tội và nhận tội gì?

“Trách nhiệm của thân chủ chúng tôi thấy rằng đã khai nhận đầy đủ hành vi có liên quan đến việc làm của mình. Còn hành vi đó thế nào các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định”, LS Chiến nói và cho rằng không có điều nào thể hiện các bị cáo quanh co, chối tội phải bị tăng nặng hình phạt. Pháp luật không xem xét tăng nặng trong trường hợp này mà đó là quyền của bị can, bị cáo được khai hoặc không khai.

LS Chiến cho rằng, xem xét trong cả quá trình thấy bị cáo Nguyễn Quốc Khánh đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra ngay từ giai đoạn đầu. “Thời điểm đó, bị cáo Khánh đang là đại biểu Quốc hội, đang trong kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XIV, nhưng khi cơ quan điều tra triệu tập vẫn hợp tác, tham gia làm việc đầy đủ, không lấy lý do đang tham gia kỳ họp Quốc hội để thoái thác”, LS Chiến nói và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) đánh giá đầy đủ.

LS Chiến nói thêm, trong phiên tòa, bất kể câu hỏi nào của bên buộc tội hoặc bên gỡ tội, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh đều trả lời đầy đủ, rõ ràng.

LS Chiến cũng đề nghị HĐXX lưu tâm khi xem xét tội với nhóm các bị cáo ở PVN và xác định lại về mặt tội danh theo hướng tội danh nhẹ hơn. “Trong bản luận tội có nêu, trong vụ án này, các hành vi của các bị cáo là biểu hiện một phần vì lợi ích nhóm, nhưng chưa có tài liệu nào chứng minh các bị cáo cấu kết với nhau, lợi ích nhóm”, LS Chiến nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem