Rừng bị tàn phá, ai tiếp tay?
Sau khi Dân Việt đăng tải loạt bài: “Gia Lai: Kinh hoàng thấy cảnh rừng xanh tan nát” phản ánh rừng ở khu vực tiếp giáp 2 huyện Chư Păh và Đắk Đoa bị tàn phá nghiêm trọng, mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở NN&PTNT Gia Lai chủ trì phối hợp với UBND 2 huyện Chư Păh và Đắk Đoa “chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, truy quét, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời vụ việc khai thác rừng trái phép xảy ra trên địa bàn”. Trường hợp vượt quá giới hạn xử lý hành chính thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xử lý theo đúng các quy định của pháp luật. Sự việc phải báo cáo kết quả về tỉnh trước ngày 25.12.
Con đường phá rừng lồ lộ.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh - cho biết, bước đầu xác định rừng bị phá nằm trên địa phận xã Đắk Tờ Ver (huyện Chư Păh, thuộc quản lý của Ban quản lý Dự án 661 của Tỉnh đội Gia Lai - đơn vị được UBND tỉnh giao trồng và bảo vệ rừng) và Đắk Krong (huyện Đắk Đoa). Ông Quang thừa nhận, sự việc xảy ra trên địa bàn huyện thì lãnh đạo huyện phải chịu kiểm điểm đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, để sự việc xảy ra là do sự quản lý yếu kém của Ban 661 và UBND các xã.
Phóng viên hỏi: “Tại sao có một cung đường khoét núi lồ lộ, dấu vết kéo gỗ khắp cả khu rừng nhưng lâu nay chính quyền địa phương không biết, không “đánh sập” để ngăn lâm tặc vào rừng? Sự việc để lâu khiến rừng xanh bị phá trầm trọng, liệu có sự tiếp tay cho lâm tặc hay không?”. Ông Quang lý giải: "Sự việc là do sự quản lý yếu kém của chủ rừng, các cấp xã. Còn giải pháp móc hào sâu ngăn lâm tặc vào rừng “dường như bất khả thi” vì lâm tặc có thể lấp hào để tiếp tục vào rừng. Nói “có tiếp tay cho lâm tặc hay không thì chưa dám nói, đang có nghi vấn”. Trước đó, tại xã Chư Đăng Ya đã khởi tố 2 vụ án liên quan đến phá rừng, kiểm lâm địa bàn cũng bị kỷ luật".
“Muốn nói tiếp tay hay không phải bắt được chủ gỗ mới biết được, vụ việc này huyện đã ký văn bản giao cơ quan Công an huyện điều tra, làm rõ. Huyện đã có chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết xử lý nghiêm”, ông Quang nói.
Một gốc gỗ được xác định thuộc Ban 661 quản lý bị đốn hạ.
Nói về gỗ lậu sẽ đi về đâu, ông Quang cho biết: Đã xác định được một số đối tượng phá rừng là người của xã Tiên Sơn (TP.Pleiku) nên khả năng là gỗ sẽ được đưa về thành phố. Trên địa bàn huyện có 2 xưởng gỗ: 1 của công ty cao su và 1 xưởng H.Đ lâu nay cũng ít hoạt động.
Đoàn liên ngành sẽ khám nghiệm hiện trường
Mới đây, UBND huyện Chư Păh đã có báo cáo về tình trạng phá rừng xảy ra trên khu vực mà báo chí từng phản ánh. Qua 2 đợt kiểm tra là ngày 7.12 và 17.12 phát hiện 24 lóng gỗ tròn với khối lượng 20,6m3 gỗ nhóm 5-6 (gỗ dẻ, bứa, săng mã). Cụ thể về số lượng gỗ vi phạm: Vị trí 1, tại khu vực đất trống phía Đông làng Ya (xã Chư Đăng Ya) có 12 lóng gỗ tròn, khối lượng 7,6m3. Vị trí 2: Lô 2, khoảnh 5, tiểu khu 250 thuộc lâm phần xã Chư Đăng Ya có 8 lóng gỗ, khối lượng gần 9m3. Vị trí 3: Lô 1, khoảnh 11, tiểu khu 208 thuộc Ban 661 quản lý (địa phận trên xã Đăk Tơ Ver, Chư Păh).
Về vị trí gốc cây rừng bị phá được xác định: Tại tiểu khu 208 thuộc Ban 661 quản lý (địa phận trên xã Đắk Tơ Ver, Chư Păh) phát hiện có 10 gốc; Tiểu khu 431, xã Đắk Krong (huyện Đắk Đoa) có 6 gốc, tất cả có đường kính từ 35-90cm.
Một lóng gỗ mới hạ còn trong rừng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh: Đây chưa phải số liệu cuối cùng, huyện vẫn đang tiếp tục chỉ đạo mở rộng kiểm tra toàn bộ, đánh giá việc phá rừng ở mức độ nào để có hướng xử lý. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội hình sự sẽ khởi tố vụ án.
“Ngày 26.12 tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Công an, Viện kiểm sát, Hạt kiểm lâm, xã Chư Đăng Ya và xã Đắk Tờ Ver sẽ cùng vào khám nghiệm hiện trường, lập biên bản khám nghiệm mới có đủ cơ sở kết luận cụ thể, đồng thời tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng. Hiện chủ gỗ là ai vẫn đang điều tra”, ông Quang nói.
Gỗ bị đốn hạ rất nhiều nhưng chưa xác định được đi về đâu?
Gỗ bị "xẻ thịt" ngay giữa rừng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.