Vụ rắn hổ mang chui chuồng gà ở Lạng Sơn: 7 lần đối mặt với "tử thần"

Danh Hùng Thứ năm, ngày 27/09/2018 06:40 AM (GMT+7)
Mặc dù con rắn hổ mang hoa "khổng lồ" (dài 2m, nặng 2kg) đã bị tóm gọn một cách kịp thời nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Hảo ở thôn Na Hoa, xã Hồ Sơn (Hữu Lũng - Lạng Sơn) vẫn chưa hết run sợ khi nghĩ đến cảnh tượng kinh hoàng tối 25.9. Điều đáng nói, đây đã là lần thứ 7 gia đình chị đối mặt với loài vật nguy hiểm này.
Bình luận 0
Như Dân Việt đã đưa tin, tối muộn ngày 25.9.2018, gia đình chị Nguyễn Thị Hảo bỗng phát hiện tiếng động lạ ở khu vực chuồng nuôi gà. Khi mang đèn ra soi thì nghe thấy tiếng phì phì rất ghê rợn, đoán có rắn chui trong chuồng gà, chị Hảo đã nhờ người tới giúp.
Và đúng như chị lo sợ, chỉ sau 15 phút, thợ rắn đã tóm gọn một con hổ mang hoa khá lớn, dài 2m, nặng khoảng 2kg, vừa cắn chết gà mẹ và nuốt trọn ổ trứng mà gà mẹ đang ấp.

Cận cảnh con rắn hổ mang bị tóm gọn trong chuồng gà nhà chị Hảo.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên gia đình chị Hảo bắt gặp cảnh tượng kinh hoàng này. Bà Phạm Thị Hiệu - mẹ đẻ của chị Hảo cho hay: Đây là lần thứ 7 bà đối mặt với rắn độc. Đa phần đều là những lần rắn về bắt gà vịt trong nhà.
"Khu nhà tôi gần sông, lại thuộc vùng trũng nên cứ đến mùa mưa lũ là thường xuyên xuất hiện rắn. Tôi nhớ không nhầm thì đây là lần thứ 7 tôi đối mặt với rắn rồi" - bà Phạm Thị Hiệu kể.

img

Con rắn hổ mang hoa bắt được đêm 24.9 là con rắn thứ 7 "ghé thăm" nhà chị Hảo. Ảnh: NVCC

"Mấy ngày gần đây, khu nhà tôi nhiều nhà bị mất trứng hoặc gà, vịt chết. Do có kinh nghiệm nên mọi người đều bảo nhau cẩn thận. Tuy nhiên, dù đã tránh hết sức vẫn không thể thoát khỏi" - bà Hiệu cho hay - "Có lần tôi vừa bước xuống sân bếp thì đã thấy một con rắn cuộn tròn ôm lấy quả trứng gà, hoảng quá phải gọi con cháu đến giúp".

Chính vì biết rõ điều kiện tự nhiên nơi mình ở dễ bắt gặp loài vật nguy hiểm này nên nhà bà cũng như nhiều hộ dân khác ở đây đều xây dựng khu chuồng nuôi cách xa nhà ở, đồng thời, thường xuyên sử dụng các cách ngăn chặn rắn, nhưng đều không hiệu quả.

img

Kể cả những thợ bắt rắn nhiều kinh nghiệm cũng không hề dễ dàng khi đối phó với loài vật này. Ảnh: NVCC

Theo kinh nghiệm dân gian mà người dân ở đây thường áp dụng thì họ sẽ rắc muối xung quanh khu vực rắn hay về, bà Hiệu lý giải: "Chẳng hiểu muối có chất gì mà khiến thân rắn mềm nhũn, không bò, trườn được nên ngửi thấy muối là rắn tránh xa". Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, chỉ một thời gian ngắn, rắn lại quay về cắn phá vật nuôi, đe dọa người dân.
Bà Hiệu cho biết thêm, ngay cả những người có kinh nghiệm bắt rắn cũng thường xuyên bị cắn, "ông Triệu Văn Định, hàng xóm nhà tôi (thợ bắt rắn ngay gần nhà bà Hiệu - PV) cũng không ít lần bị rắn cắn đấy, lần gần đây nhất là rằm tháng 7 năm ngoái, cũng bắt rắn ở nhà tôi chứ đâu".

img

Thức ăn yêu thích của rắn là: gà, vịt, trứng gà, chuột...

Việc rắn độc chui vào chuồng gia súc, gia cầm hoặc quấy nhiễu người dân không hề lạ, tuy nhiên, để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình, bà con cần hết sức cảnh giác. Đồng thời, nên có những giải pháp phù hợp để ngăn chặn như làm lưới bảo vệ chuồng trại, đưa khu chuồng nuôi tránh xa nhà ở, thường xuyên theo dõi và kiểm tra khu vực quanh nhà...
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem