Vụ tai nạn do thi công tuyến đường sắt đô thị Hà Nội: Thần chết lơ lửng trên đầu

Vinh Hải Thứ bảy, ngày 08/11/2014 07:02 AM (GMT+7)
Sáng 6.11, tại khu vực thi công xây dựng nhà ga Thanh Xuân III đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) thuộc Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến Cát Linh - Hà Đông), 3 thanh thép lao xuống đường làm 1 người chết, 2 người bị thương. Vụ tai nạn là lời cảnh báo đau lòng đối với các đơn vị quản lý, thi công các dự án giao thông trong đô thị, với hàng nghìn người lưu thông hàng ngày.
Bình luận 0

Sự cẩu thả đã được nhìn thấy trước

Trước khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm 1 ngày, cũng tại công trường xây dựng đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông, ông Nguyễn Mạnh Hùng – quyền Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường sắt đã phải xuống hiện trường xin lỗi 2 người dân bị văng vữa bê tông vào người. Nguyên nhân cũng do lỗi nhà thầu khi thi công để máy bơm vữa bắn vào người đi đường. Nhà thầu và tư vấn giám sát để xảy ra sự cố này đều bị đình chỉ 15 ngày vì sự cố văng vữa.

imgĐoạn đường Hoàng Cầu đang thi công nhà ga tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông gây lo ngại cho người đi đường. Ảnh: Vinh Hải

 

Thế nhưng, việc cảnh cáo như trên vẫn không giúp các nhà thầu thi công trên tuyến này thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn khi thi công. Ngay trong sáng 6.11, cả tấn sắt đã “văng” vào người đi đường làm 1 người chết tại chỗ, 2 người bị thương.

Sau khi sự việc xảy ra, nhiều bạn đọc đã lên tiếng về các biện pháp thi công không đảm bảo an toàn tại Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh -Hà Đông. Ví dụ như việc tia lửa hàn văng tung tóe bắn vào người đi đường, hay từng xuất hiện trường hợp rào chắn bằng tôn bị bung ra gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Trong vụ tai nạn làm 1 người chết sáng 6.11, các cơ quan chức năng đã chỉ ra thêm những sự cẩu thả khác của nhà thầu thi công tại công trường. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, có 5 công nhân đang thi công nhưng không có mặt đại diện của tư vấn giám sát, chỉ có chỉ huy trưởng công trường. Theo nhân chứng có mặt tại hiện trường, khi đơn vị thi công cẩu thép đã không có người đứng cảnh giới, phân luồng giao thông phía dưới đường. Người tham gia giao thông vẫn đi ngay dưới cả tấn thép lơ lửng trên đầu.

Nguyên nhân ban đầu để xảy ra tai nạn được xác định do lái cẩu không cẩn thận làm va bó sắt vào xà mố cầu gây gãy mối hàn bó sắt khiến thanh sắt bị văng xuống đường. Ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra theo báo cáo ban đầu của nhà thầu là do vi phạm trong thao tác và không kiểm soát được biện pháp thi công. Các khả năng để xảy ra thanh thép rơi xuống đường đều phản ánh việc vi phạm quy trình thi công an toàn và kỹ sư tư vấn giám sát thiếu trách nhiệm.

Phụ thuộc con người

Sau khi xảy ra vụ tai nạn và có chỉ đạo của Bộ GTVT tạm dừng thi công trên toàn tuyến, chiều tối 6.11, PV vẫn nhận thấy có hoạt động thi công Dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông ở khu vực qua đường Hoàng Cầu. Nhiều người dân cũng lo lắng khi thường xuyên phải di chuyển dưới dàn giáo đang xây dựng nhà ga tại khu vực này. Nếu không thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, tai họa hoàn toàn có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Ngọc Long – Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường cho biết, trước khi thi công, các đơn vị liên quan đã phải có hồ sơ kỹ thuật, trong đó có đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn khi thi công. Như đối với Dự án xây dựng Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, các nhà thầu khi thi công đã thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện. Đối với vụ tai nạn vừa xảy ra, ông Long cho rằng kết luận cuối cùng lỗi thuộc về ai sẽ phải chờ đợi cơ quan chức năng đưa ra, ở đây là Cục Quản lý chất lượng và xây dựng công trình giao thông.

Điều đáng nói, ngày 15.10 Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) đã kiểm tra công trường thi công dự án trên và đưa ra những cảnh báo cần thực hiện để đảm bảo an toàn. Cụ thể, các đơn vị thi công phải rà soát lại quy trình thi công, tăng cường biển báo, ghi số điện thoại của người phụ trách công trường lên biển báo, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người đi đường khi thi công các vị trí trên cao, bố trí lực lượng phân luồng giao thông theo quy định.

Hiện nay, ngoài tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, trên địa bàn TP.Hà Nội cũng đang triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường sắt đô thị khác cũng sẽ được triển khai trong tương lai. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có yêu cầu Ban ATGT TP. Hà Nội phải chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát lưu động tại các khu vực có công trình kết nối hạ tầng đang thi công, đặc biệt là đoạn tuyến có các dự án đường sắt đô thị đang thi công. Đồng thời, phát hiện và xử lý nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của các nhà thầu và người tham gia thi công.

  Chiều 7.11, ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu tổng thầu EPC và tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm chính trong vụ tai nạn sáng 6.11.  Ông Thăng cho rằng, không có sự bất khả kháng, khi thi công bắt buộc phải có giải pháp yêu cầu dừng lưu thông dưới đường lúc vận chuyển. 

Hiện Bộ GTVT đã yêu cầu Hội đồng thành viên Cienco 1 làm rõ trách nhiệm của ông Phạm Dũng - Chủ tịch Hội đồng thành viên. Ông Dũng đã không ra hiện trường khi vụ tai nạn xảy ra mà vẫn họp giao ban. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem