Vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan: Không khí căng như dây đàn bên trong 'phòng họp chiến tranh' của NATO

Minh Nhật (theo INews) Thứ sáu, ngày 18/11/2022 20:55 PM (GMT+7)
Đằng sau những cánh cửa đóng kín, các quan chức NATO bày tỏ sự nhẹ nhõm trước khả năng Nga không phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan làm 2 người thiệt mạng, theo INews.
Bình luận 0
Vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan: Không khí căng như dây đàn bên trong 'phòng họp chiến tranh' của NATO  - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và những người khác thảo luận tại Hội nghị thương đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. Ảnh Reuters.

Đó là đêm nhiều người ở các nước phương Tây nín thở. Vào buổi tối thứ Ba 15/11, một tên lửa rơi xuống một ngôi làng nhỏ của Ba Lan gần biên giới với Ukraine, giết chết hai người.

Vụ việc có nghĩa là cuộc chiến ở Ukraine cuối cùng đã lan sang lãnh thổ của NATO.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak khi đó đang tham dự cuộc họp thượng đỉnh G20 ở Bali, được đánh thức trong phòng khách sạn lúc 5 giờ sáng theo giờ địa phương.

Sau cuộc họp ngắn gọn với quan chức Anh, ông Sunak đã gọi điện khẩn cấp cho Ngoại trưởng James Cleverly và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace để thảo luận về phản ứng của Vương quốc Anh, trước khi gọi cho Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.

Không lâu sau, tin tức về vụ việc bị rò rỉ cho báo chí, trong đó, một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ ban đầu tiết lộ với hãng tin AP rằng tên lửa của Nga đã rơi xuống Ba Lan.

Nhiệt độ địa chính trị tăng vọt, khi nhiều nhà lãnh đạo tuyên bố lập trường cứng rắn của họ và trên mặt báo, hàng loạt các tiêu đề báo động rằng, thế giới đang “tiến gần hơn đến Thế chiến 3″ xuất hiện.

Latvia đã cáo buộc về "sự leo thang rất nguy hiểm của Điện Kremlin", trong khi Estonia cho biết, họ "sẵn sàng bảo vệ" các vùng đất của NATO. Lo sợ về một sự leo thang quân sự tăng vọt.

Nhưng thời điểm đó nguồn gốc của tên lửa vẫn chưa rõ ràng, khi Nga thẳng thừng phủ nhận họ có liên quan vụ việc.

Hai giờ sau khi các báo cáo công khai về vụ tấn công tên lửa được lan truyền, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phá vỡ sự im lặng. Bằng một sự thận trọng đáng kể, ông Stoltenberg nói rằng cơ quan này đang "theo dõi tình hình" và các đồng minh đang "tham khảo ý kiến chặt chẽ".

Tập hợp cho một cuộc họp khẩn cấp ở Bali lúc 8h30 sáng theo giờ địa phương các nhà lãnh đạo G7 và NATO đã đồng ý rằng ông Sunak và Thủ tướng Canada Justin Trudeau nên gọi cho Ukraine, vì họ đã hỗ trợ chặt chẽ cho quốc gia này kể từ khi cuộc chiến tranh bắt đầu vào tháng Hai.

Phát biểu công khai, ông Sunak đã kêu gọi bình tĩnh. “Tôi nghĩ điều đúng đắn bây giờ là mọi người chỉ nên bình tĩnh xác định chính xác điều gì đã xảy ra và thu thập thông tin”, ông nói khi phát biểu cùng với Thủ tướng Trudeau từ Bali.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, mặc áo phông xám và quần cotton thay vì bộ vest lịch sự thường thấy, ngồi cùng các cố vấn trong phòng khách sạn khi các cuộc đàm phán về cuộc khủng hoảng bắt đầu.

Vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan: Không khí căng như dây đàn bên trong 'phòng họp chiến tranh' của NATO  - Ảnh 2.

(Từ trái qua phải) Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jack Sullivan và Tổng thống Mỹ Joe Biden ở hậu trường hội nghị thượng đỉnh G20 (Ảnh: Nhà Trắng)

Bốn giờ sau cuộc họp G20, vào giữa trưa ở Bali, ông Biden và ông Sunak đã họp song phương. Họ mở đầu bằng cách lên án các cuộc tấn công tên lửa Nga và cam kết điều tra nguồn gốc của tên lửa vừa hạ cánh xuống Ba Lan, nhưng toàn bộ nội dung cuộc thảo luận trong phòng họp trước đó vẫn chưa được công khai.

Trong khi đó, các trợ lý đã phải thay đổi lịch trình của Thủ tướng Anh, hủy bỏ cuộc gặp đã lên lịch trước với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc để ông tập trung vào cuộc khủng hoảng hiện tại.

Đến13h30 theo giờ Bali, ông Sunak và ông Trudeau gọi điện cho Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba và xuất hiện chung trên truyền hình, cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine.

Vào lúc 15 giờ chiều theo giờ địa phương, 2 nhà lãnh đạo tiếp tục gọi điện cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đã mô tả vụ việc là một "cuộc tấn công vào an ninh tập thể ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương".

Trước sự chú ý của truyền thông thế giới, Tổng thống Biden cuối cùng cũng lên tiếng phát biểu với báo chí, tiết lộ rằng “thông tin sơ bộ” phủ nhận niềm tin ban đầu cho rằng tên lửa được bắn từ Nga.

"Không chắc… tên lửa được bắn từ Nga, nhưng chúng tôi vẫn đang xem xét”, ông Biden nhấn mạnh.


Ông Biden cũng cho biết các nhà lãnh đạo NATO và G7 tại cuộc họp khẩn cấp ở Bali đã nhất trí lên án “các vụ tấn công tên lửa mới nhất của Nga”.


Tại cuộc họp báo ngay sau đó – 16h30 chiều theo giờ Bali, ông Sunak từ chối xác nhận liệu Anh có đồng ý với đánh giá của Mỹ rằng các tên lửa dường như đã được lực lượng Ukraine bắn để đánh chặn tên lửa của Nga hay không, nhưng cho biết Vương quốc Anh hiểu rằng, không có lý do gì để nghi ngờ điều này.


Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda dường như cũng đồng ý với những tuyên bố của Tổng thống Biden. Giọng điệu đã nhẹ đi, ông Duda nói rằng, vụ nổ tên lửa dường như là một "tai nạn đáng tiếc", không phải là một "cuộc tấn công có chủ ý".


Đằng sau những cánh cửa đóng kín, các quan chức NATO thể hiện sự nhẹ nhõm trước khả năng Nga không phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ tên lửa rơi vào lãnh thổ Ba Lan - điều sẽ đánh dấu một sự leo thang đáng kể trong cuộc xung đột. Bên ngoài phòng họp, thế giới cũng có thể thở phào nhẹ nhõm vì may mắn, cuộc khủng hoảng đã được tháo ngòi nổ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem