Vụ tranh chấp 1.000 tỷ: Sacombank bị kiện

Thứ năm, ngày 07/06/2012 12:50 PM (GMT+7)
Ngày 6.6, TAND quận 3 - TPHCM cho biết đã nhận được đơn khởi kiện của ông T.V.P. (em bà T.K.P, ngụ phường Hiệp Tân, quận Tân Phú-TPHCM) kiện Sacombank.
Bình luận 0

Theo nội dung đơn khởi kiện, ông P. yêu cầu tòa án can thiệp việc Sacombank đơn phương mở ngăn tủ sắt và giao cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của ông hoặc quyết định mở tủ sắt của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, nội dung đơn khởi kiện còn thể hiện ông P. nhờ tòa án can thiệp để ông tiếp tục gia hạn hợp đồng thuê ngăn tủ sắt.

img
Ông T.V.P trao đổi với anh em sống tại Đức qua điện thoại tại Sacombank chiều 30.5

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TPHCM), hiện tại khối tài sản 1.000 tỉ đồng này chưa xác định là của ai. Ông P. và cô L. đến thời điểm này đang có quyền chiếm hữu tài sản và đã giao lại quyền này bằng một hợp đồng gửi giữ tài sản với Sacombank.

Tức đã chuyển giao quyền chiếm giữ này sang Sacombank. Căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự, căn cứ theo hợp đồng thuê ngăn tủ sắt ký kết giữa cô L., ông P. và Sacombank thì việc ngân hàng đơn phương ra thông báo thanh lý hợp đồng căn cứ theo đề nghị của cô L. và xử lý ngăn tủ có thể có tài sản của ông P. gửi khi chưa được sự đồng ý và ký nhận của ông P. là “vi phạm quyền quản lý tài sản” của ông P. - một bên trong hợp đồng.

Theo điều 11, hợp đồng gửi giữ tài sản nêu trên - Điều khoản về gia hạn và thanh lý hợp đồng thì “Khi hết hạn hợp đồng thuê nếu bên B - ông P. có nhu cầu tiếp tục thuê ngăn tủ sắt của bên A - Sacombank thì hợp đồng được gia hạn” và điều 182 Bộ Luật Dân sự quy định về quyền chiếm hữu tài sản thì “Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ và quản lý tài sản”.

Do đó, khi hết hạn hợp đồng mà ông P. có nhu cầu gia hạn hợp đồng thì Sacombank có nghĩa vụ gia hạn hợp đồng cho ông P. và việc chấm dứt hợp đồng là vi phạm quyền chiếm hữu mà cụ thể đó là quyền quản lý tài sản của ông P., dù ông P. chỉ là 1 trong 2 người của bên gửi yêu cầu Sacombank giữ. Trường hợp này, Sacombank có thể áp dụng điều 565 Bộ Luật Dân sự để buộc bên gửi phải thanh toán phần chi phí gửi phát sinh.

Ngoài ra, do chưa xác định khối tài sản này thuộc quyền sở hữu của ai nên khi giao toàn bộ cho cô L., sau này nếu tòa án ra bản án có hiệu lực pháp luật xác định có phần của ông P. hoặc những người khác trong gia tộc và cô L. làm thất thoát trong số tài sản sau khi được Sacombank giao lại thì thiệt hại này cũng có phần lỗi của Sacombank nên còn phải tính trách nhiệm bồi thường.

Như vậy, việc kiện Sacombank của ông P. là có cơ sở và có khả năng thắng kiện.

Theo NLĐ
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem