Vũ trụ cũng lãng mạn như thơ văn

Thứ hai, ngày 02/01/2012 13:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cả thế giới đều biết đến nhà vật lý thiên văn gốc Việt Trịnh Xuân Thuận. Và ông còn là một người làm khoa học có tâm hồn lãng mạn, có phong cách truyền thụ kiến thức vũ trụ bằng... thơ văn.
Bình luận 0

Nhân dịp GS Trịnh Xuân Thuận về thăm quê hương và làm việc (tháng 12.2011), chúng tôi có dịp được trò chuyện cùng ông.

img
Nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận

Muốn “thâu tóm” vũ trụ trong tầm mắt

Xin chào GS, với những người nghiên cứu thiên văn, yếu tố công nghệ đóng góp bao nhiêu phần trăm hiệu quả? Với trình độ công nghệ như Việt Nam hiện nay, ông có kỳ vọng là chúng ta sẽ có một “Trịnh Xuân Thuận thứ 2”?

- Trình độ công nghệ góp phần quan trọng trong bất kỳ nghiên cứu khoa học nào. Riêng đối với ngành thiên văn học, những hỗ trợ từ công nghệ là vô cùng quan trọng, ví như dùng kính thiên văn đặt ở mặt đất là cách hiệu nghiệm để bắt được ánh sáng vũ trụ và thậm chí nhìn thấy những bức xạ tàn dư từ hàng tỷ năm trong quá khứ.

Tôi nhớ mãi cảm giác lần đầu tiên được dùng kính thiên văn lớn nhất thế giới có tên Hale 5m telescope để nhìn xa trong vũ trụ. Lúc đó tôi mới 18 tuổi. Chính sự hiện đại của khoa học công nghệ đã kích thích sự tò mò và niềm say mê trong tôi, để rồi, tôi luôn muốn được trở thành nhà vật lý thiên văn, khám phá ngân hà, những lỗ đen lớn và "thâu tóm" cả vũ trụ bao la trong tầm mắt mình.

Tại Việt Nam hiện nay chưa có ngành công nghệ vũ trụ, nên sự trợ giúp công nghệ trong lĩnh vực nghiên cứu này là rất hạn chế. Tôi thiết nghĩ Nhà nước ta nên có tầm nhìn lâu dài hơn vào giáo dục - khoa học và đào tạo những con người giỏi.

Việt Nam có thể gửi người ra nước ngoài học và nghiên cứu, nhưng sau đó Nhà nước phải tạo mọi điều kiện, không có điều kiện cho những người tài giỏi làm việc thì việc mất chất xám là đương nhiên.

Tôi nhấn mạnh, những người tài giỏi họ cần có phương tiện để họ làm việc, phải có tiền để xây dựng chứ chỉ nói không thôi sẽ không thành hiện thực được. Hiện nay, Mỹ là một trong những nước dẫn đầu về đầu tư cho công nghệ vũ trụ và đó là địa chỉ để Việt Nam tham khảo và học hỏi.

img
Một tác phẩm của GS Trịnh Xuân Thuận.

Trong những năm gần đây, hiện tượng nhật thực xảy ra thường xuyên hơn, mà theo quan niệm của người dân, đặc biệt là nông dân, nhật thực là một trong những nguyên nhân gây ra sâu bệnh. Ông có thể lý giải rõ hơn cho bà con?

- Đó là một quan niệm sai lầm. Nhật thực chỉ là một hiện tượng thiên văn, trong đó Mặt trăng ở vào vị trí giữa Trái đất và Mặt trời, và do đó che khuất Mặt trời. Nhật thực toàn phần được nhiều người coi là một hiện tượng thiên nhiên đặc biệt nhất mà người đó có thể quan sát được, không “ăn nhập” hay liên quan gì với các loại sâu bệnh.

Thậm chí, có nhiều tài liệu còn nói rằng, các thầy bói dự đoán sẽ có nhiều bạo lực và bất ổn trên khắp thế giới, gây ra bởi hiện tượng nhật thực toàn phần. Theo duy tâm và mê tín, nhật thực là một dấu hiệu của ngày tận thế... Tất cả những quan niệm này đều sai lầm và không có cơ sở khoa học.

Một tâm hồn khoa học lãng mạn

Được ngợi ca là người có phong cách truyền thụ kiến thức vũ trụ bằng ngôn ngữ thơ văn để đi vào lòng người, ông có bí quyết gì để dung hòa 2 yếu tố này?

Vài nét về GS Trịnh Xuân Thuận

Sinh năm 1948 tại Hà Nội, tốt nghiệp THPT ở Sài Gòn năm 1966, Trịnh Xuân Thuận sang Thụy Sĩ để học ngành vật lý. Sau 1 năm, dù chưa thạo tiếng Anh, ông vẫn giành được học bổng lên học thẳng năm thứ 2 của 3 trường ĐH danh tiếng bậc nhất nước Mỹ. Ông học tại Viện Công nghệ California rồi học và bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH Princeton. Giảng dạy vật lý thiên văn tại Đại học Virginia từ 1976 tới nay. Ông cũng làm việc cho Viện Vật lý thiên văn Paris (Pháp)...

- Khi tôi rời Việt Nam sang Thụy Sĩ, tôi học trong một ngôi trường Pháp, nói tiếng Pháp và ảnh hưởng văn chương của nước Pháp. Chính sự lãng mạn của ngôn ngữ Pháp đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi cho đến bây giờ. Với tôi, tiếng Mỹ chỉ là ngôn ngữ khoa học và tiếng Việt là ngôn ngữ dành riêng khi tôi nói chuyện với những người thân trong gia đình.

Tôi yêu tiếng Pháp và thấy thứ ngôn ngữ này đẹp đến kỳ lạ, nó lãng mạn, bay bổng và mượt mà tựa như những cánh đồng lúa xanh rì mướt mắt. Rồi những đêm ngồi nghiên cứu sao dưới bầu trời đêm, vừa lạnh, vừa lãng mạn, tôi nhớ đến tiếng Pháp, đến những vần thơ trữ tình của Pháp, chợt nghĩ tại sao lại không có sự kết hợp giữa vũ trụ và thơ ca. Và tôi chọn cách truyền tải đi vào lòng người này.

Có người hỏi, sao tôi không viết sách khoa học bằng tiếng Anh, hay tiếng Mỹ? Thú thực, nếu tôi cảm thụ và viết tiếng Anh hay như W.Shakespeare, tôi cũng sẽ làm vậy, nhưng ở nước Anh, người như Shakespeare cũng chỉ có một!

Là người rất lãng mạn, vậy nguyên cớ nào khiến đến năm 60 tuổi GS mới lập gia đình?

- ... Cười... (Câu hỏi này đã được GS Chu Hảo - một người bạn rất thân của GS Trịnh Xuân Thuận tiết lộ rằng, vì mải mê nghiên cứu khoa học, say sưa với kính thiên văn và những vì sao huyền bí, nên năm 2008, khi tròn 60 tuổi, GS Thuận mới lập gia đình).

Xin cảm ơn GS.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem