Trước những ý kiến trái chiều về việc trao hay không trao thưởng cho ông Dương Văn Tùng (ngụ tổ 15, ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) có tấm vé xổ số trúng giải 100 triệu đồng (đã bị rách làm đôi) của Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Kiên Giang, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Tuấn-Giám đốc công ty.
|
Ông Dương Văn Tùng và tấm vé số bị rách. |
"Trước hết, tôi xin chia sẻ với ông Dương Văn Tùng về sự cố làm rách đôi vé số. Cá nhân tôi cũng tiếc cho ông Tùng.
Nhưng khi ông Tùng đưa vé số đã bị rách rời đến công ty, phía công ty đã xem xét các điều kiện lĩnh thưởng, thì tấm vé đó không đủ điều kiện lĩnh thưởng theo quy định ghi ở mặt sau tờ vé số và quy định của Thông tư 65/2007 của Bộ Tài chính. Do đó công ty không xem xét thêm các nội dung khác", ông Tuấn cho biết.
Quy định cụ thể về điều kiện lĩnh thưởng như thế nào, thưa ông?
-Thông tư 65 quy định “Điều kiện của vé lĩnh thưởng” như sau: Người tham gia dự thưởng xổ số có trách nhiệm bảo quản tờ vé số đã mua để tham gia dự thưởng xổ số. Vé lĩnh thưởng phải còn nguyên hình - nguyên khổ, không rách rời, không chắp vá, không tẩy xóa, không sửa chữa và còn trong thời hạn lĩnh thưởng theo quy định.
Đây là những thông tin đã được in trên mặt sau mỗi tấm vé số, người bán và người mua đều được biết và được hiểu là điều kiện thỏa thuận giữa hai bên khi mua – bán vé số. Khi điều kiện này không còn đảm bảo, thì không xem xét việc trao thưởng.
Nhưng trong Thông tư 65 cũng có quy định “trường hợp đặc biệt” có thể xem xét trao thưởng trong trường hợp vé số trúng thưởng đã bị rách. Liệu có thể vận dụng điều này được không?
-Quy định đó là thế này: Trường hợp đặc biệt, nếu vé trúng thưởng bị rách rời nhưng vẫn còn đủ căn cứ để xác định hình dạng ban đầu và tính xác thực của tờ vé; vé không thuộc đối tượng nghi ngờ gian lận; vị trí rách rời không ảnh hưởng đến các yếu tố để xác định trúng thưởng, thì công ty xổ số kiến thiết có thể tổ chức thẩm tra, xác minh và xem xét, trả thưởng cho khách hàng.
Trường hợp cần thiết, công ty xổ số kiến thiết trưng cầu giám định của cơ quan công an trước khi trả thưởng. Phí giám định (nếu có) do người sở hữu vé số chi trả.
Chúng tôi rất chia sẻ với sự thiếu may mắn của anh Tùng, nhưng trường hợp anh ấy không phải là “trường hợp đặc biệt” vì gia đình Tùng đã đã bất cẩn, làm rách tờ vé số đó. Và từ trước đến nay, có rất nhiều khách hàng đã làm rách vé trúng thưởng và không đủ điều kiện lĩnh thưởng.
Tham gia mua vé xổ số kiến thiết là một “cuộc chơi” bình đẳng giữa các khách hàng. Gia cảnh của người mua vé số nghèo khó hay giàu sang không thể coi là “trường hợp đặc biệt”, giá trị trúng thưởng một trăm nghìn đồng hay 1 tỷ cũng không thể coi là trường hợp đặc biệt.
Người chơi xổ số bất cứ là ai cũng bình đẳng trước pháp luật. Nếu công ty xổ số kiến thiết coi việc bất cẩn làm rách vé số trúng thưởng của anh Tùng là trường hợp đặc biệt để xét trao giải, thì phải ứng xử thế nào với hàng trăm khách hàng khác đã không được nhận thưởng vì rách vé?
Vậy “trường hợp đặc biệt” ở đây được quy định như thế nào?
-Một điểm chưa cụ thể trong Thông tư 65 và các văn bản liên quan là chưa quy định rõ “trường hợp đặc biệt” gồm những trường hợp nào, nên công ty không thể tùy tiện áp dụng.
Tuy nhiên, trong những trường hợp như vé số trúng thưởng rách do thiên tai như động đất, sóng thần, hay hỏa hoạn.., thì công ty có thể vận dụng xem đó là những trường hợp đặc biệt để xem xét. Trong trường hợp vừa nêu trên, các luật sư ở TP. Cần Thơ, An Giang đã khẳng định chúng tôi không làm sai.
Vậy ông có kiến nghị sửa đổi như thế nào để gia tăng quyền lợi của người mua xổ số và thuận lợi hơn cho các công ty xổ số nói chung?
Ngoài việc cần làm rõ “trường hợp đặc biệt” như tôi vừa nói, trong quy định của Thông tư 65, còn có một số từ chung chung như chữ “có thể” trong câu: “Công ty xổ số kiến thiết có thể tổ chức thẩm tra, xác minh và xem xét, trả thưởng cho khách hàng”; hoặc cụm từ “trường hợp cần thiết” trong câu: “Trường hợp cần thiết, công ty xổ số kiến thiết trưng cầu giám định của cơ quan công an trước khi trả thưởng”.
Những câu chữ này cho thấy không bắt buộc công ty xổ số kiến thiết phải làm những điều trên, và trường hợp cần thiết là những trường hợp nào. Nếu chúng tôi vận dụng sai, hoặc tùy tiện thì chúng tôi chứ không ai khác phải chịu trách nhiệm.
Vì vậy, để cụ thể hóa được những quy định còn chung chung như trên, theo tôi cần phải chỉnh sửa lại quy định này theo hướng quy định rõ những trường hợp đặc biệt, đồng thời bỏ hẳn từ “có thể” và “trường hợp cần thiết” để quy định thẳng trách nhiệm của công ty xổ số phải thực hiện. Có như vậy, các công ty xổ số mới có cơ sở thực hiện.
Trở lại câu chuyện anh Tùng, có ý kiến nêu trên một vài tờ báo gần đây cho rằng, Công ty xổ số nên xem xét trích quỹ từ thiện của công ty đối với gia đình anh Tùng. Ông nghĩ sao về điều này?
-Chúng tôi cũng có nghe ý kiến này. Và việc làm từ thiện không phải là cái gì xa lạ với công ty, vì mỗi năm, công ty dành tới 40-50 tỷ đồng cho công tác từ thiện – xã hội. Nhưng trao thưởng và làm từ thiện là hai việc khác khau, có những tiêu chí, điều kiện xét khác nhau. Chẳng hạn như điều kiện để các hộ trở thành đối tượng của công tác từ thiện phải có sổ hộ nghèo và được bình bầu lựa chọn của địa phương sở tại.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Long Giang-Ngô Văn (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.