Clip lô thuốc lậu của VN Pharma bị phát hiện như thế nào
ĐBQH kỳ cựu nhận định việc đánh giá một con người, dù là ở bất kỳ vị trí nào trong xã hội, cũng phải hết sức thận trọng, không nên suy diễn.
ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Anh
Trong vụ VN Pharma, dư luận rất mong chờ câu trả lời thẳng thắn, minh bạch, rõ ràng từ Bộ trưởng Y tế nhưng cách trả lời của Bộ mấy hôm nay giống như “đổ thêm dầu vào lửa”?
-Tôi không đi sâu vào cách trả lời của Bộ Y tế. Nhưng theo tôi, lẽ ra khi thấy sự việc như thế thì cứ minh bạch, công khai ra, còn kết luận cuối cùng thuộc về cơ quan điều tra.
Không cần thanh minh, thanh nga gì cả, cứ để điều tra, thanh tra, nếu có tiêu cực thì xử lý theo pháp luật.
Là người đứng đầu 1 ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân nhưng khi trả lời báo về đến công tác quản lý của ngành mình trong vụ VN Pharma, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lại nói rằng: VN Pharma là công ty nhỏ, nhỏ như thế tôi làm sao quản lý hết được, làm sao biết được? Ông đánh giá như thế nào?
-Tôi không đánh giá cá nhân chị Tiến. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều lãnh đạo của mình thiếu yếu tố của một chính khách để trả lời đúng mức, mà đôi khi bộc lộ những phát ngôn tạo ra dư luận xã hội không đáng có.
Trong trường hợp này chỉ cần nói để pháp luật giải quyết, điều tra. Điều tra ra sai thì xử lý theo quy định pháp luật.
Tinh thần gần đây Tổng bí thư có nói, là người có cương vị càng cao, trách nhiệm càng lớn. Ngày xưa chế tài tỷ lệ thuận với chức vụ. Có nghĩa là cùng mắc một lỗi, người có chức vụ cao phải nhận chế tài nặng hơn.
Đã đến lúc phải đặt ra cơ chế như thế. Đãi ngộ thật tốt những người giữ chức vụ cao nhưng ngược lại cũng xử lý càng nặng với những người này.
Nhưng với cách trả lời của Bộ Y tế vừa qua, có vẻ như cũng giống với nhiều vụ việc khác là đều “đúng quy định”, “đúng quy trình”. Phải chăng các quy định hiện nay đang có lỗ hổng?
-Đầu tiên mình phải căn cứ vào luật, vào những quy định đã có, qua thực tiễn chúng ta phát hiện lỗ hổng thì chúng ta hoàn thiện lại.
Luật Hồi tỵ ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ nâng đỡ, bao che hoặc câu kết với người thân (quan hệ gia đình, dòng họ, thầy trò, địa phương) thực hiện các hành vi tiêu cực trong việc quản lý các cơ quan công quyền. |
Không phải tự nhiên mà ngày xưa có luật Hồi tỵ. Vì hiện tượng này có nhiều nên nhà vua phải đưa ra luật ấy để hạn chế tiêu cực, tham nhũng và cũng là một cách giữ gìn cán bộ, bộ máy của mình.
Nhưng quan trọng nhất là những ông quan ngày xưa họ có lòng tự trọng. Nay, ở mình ít thấy lòng tự trọng mà thấy đối phó với luật pháp nhiều.
Luật pháp là quan trọng, và một điều quan trọng nữa là ứng xử dựa trên nền tảng đạo đức xã hội, lòng tự trọng.
Người tự trọng thì né tránh những chuyện này ngay từ đầu. Nếu là người có tài thì ở đâu họ cũng phát huy được chứ không nhất thiết phải ở những vị trí gần gũi với cương vị lãnh đạo của người thân quen.
Bản thân mỗi người tự trang bị cho mình điều đó thì sẽ có ứng xử thích hợp, tránh tiêu cực cũng như bảo vệ được chính phẩm chất, uy tín của mình. Tôi cho là chuyện đó rất quan trọng.
Trong khi đó, nhiều người cứ dựa vào luật pháp để giải thích cho hành động của mình và nói đủ tiêu chuẩn, đúng quy định, quy trình.
Ai cũng biết là quan hệ nước mình rất phức tạp, nhất là tính cả nể cũng có, vụ lợi, bè phái cũng có. Đó là những yếu tố, là xúc tác làm cho những mối quan hệ vốn lành mạnh như quan hệ thân tộc lại trở thành những yếu tố tiêu cực.
Qua hiện tượng ấy, các vị cố gắng tránh đi, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Làm được thế vừa giữ được phẩm chất của mình và của cả người thân của mình, đỡ mang tiếng.
Theo tôi tốt nhất là cứ minh bạch hóa ra.
Thu Hằng (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.