Vụ xưng "luật sư", rút súng nơi công chứng: Chủ biên phim "Bão ngầm" nói gì?
Vụ xưng "luật sư", rút súng nơi công chứng: Chuyên gia tội phạm học, chủ biên phim "Bão ngầm" nói gì?
Ngọc Thọ
Thứ hai, ngày 07/03/2022 12:50 PM (GMT+7)
Liên quan vụ xưng "luật sư", rút súng thị uy, hù dọa tại nơi công chứng ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), giảng viên, TS Luật, chuyên gia tội phạm học, biên kịch phim hình sự "Bão ngầm" Đào Trung Hiếu chia sẻ riêng quan điểm với Dân Việt.
TS Đào Trung Hiếu nói: "Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (Luật số 14/2017/QH14), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018 và thay thế Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 16/2011/UBTVQH12 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 07/2013/UBTVQH13. Trong đó, lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ cũng là đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo Nghị định 79/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì tất cả các đối tượng được giao sử dụng công cụ hỗ trợ bắt buộc phải qua đào tạo, huấn luyện và cấp phép.
Đặc biệt, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải lập hồ sơ, sổ sách theo dõi, khi sử dụng phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cho phép và ghi vào hồ sơ, sổ sách theo dõi; sau khi sử dụng phải bàn giao cho người được giao quản lý kho, nơi cất giữ để bảo dưỡng, bảo quản và ký nhận vào sổ theo dõi. Nói chung, việc quản lý hết sức chặt chẽ.
Ví dụ khi tham gia ký kết hợp đồng bảo vệ với các tòa nhà, các khu vực thì cá nhân làm nhiệm vụ bảo vệ chỉ được sử dụng công cụ hỗ trợ trong phạm vi đó và việc sử dụng công cụ hỗ trợ liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ.
Nếu việc sử dụng công cụ hỗ trợ ngoài phạm vi hoạt động của doanh nghiệp thì tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội "Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ" theo điều 306 Bộ Luật Hình sự.
Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã có chỉ đạo và sự việc đang được cơ quan chức năng điều tra, căn cứ thông tin báo chí phản ánh có thể thấy người đàn ông (Hồ Văn Nam - PV) đã có hành vi sử dụng vũ khí trái pháp luật".
TS Đào Trung Hiếu cũng phân tích thêm cho Dân Việt: "Tôi nghĩ, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ nhân thân của người này, nguồn gốc khẩu súng, anh ta có giấy phép sử dụng súng hay không, lý do rút súng ra để làm gì.
Qua thông tin ban đầu, thấy đương sự có dấu hiệu mạo danh, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ. Ngoài ra hành vi dùng súng đe dọa người khác nếu làm nạn nhân tin rằng hành vi giết người có thể xảy ra trên thực tế thì đương sự sẽ bị xem xét xử lý về tội "Đe dọa giết người" theo Điều 133, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017"
Cũng theo TS Đào Trung Hiếu, nếu địa điểm xảy ra sự việc dùng súng đe dọa là nơi công cộng, hành vi của đương sự dẫn đến hậu quả làm ùn tắc giao thông… thì đương sự có thể bị xem xét xử lý về hành vi "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318, Bộ luật Hình sự.
"Xin nói thêm, ngay cả cảnh sát, công an trừ trường hợp khi thi hành nhiệm vụ còn trong hoàn cảnh, điều kiện bình thường không thể tự ý dùng súng bởi quy định pháp luật về sử dụng súng hết sức chặt chẽ", TS Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.