Đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2009, HVG từng là một cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư. Thế nhưng, sau hơn một thập kỷ giao dịch, HVG đã từ “đỉnh cao” rồi xuống “vực sâu” khi phải bán rất nhiều tài sản, bán “con” để tồn tại trước những sóng gió của ngành cá tra Việt.
Chế biến cá tra tại Thủy sản Hùng Vương (Ảnh: IT)
Từ “đỉnh cao” đến… “vực sâu”
Được thành lập năm 2003 tại tỉnh Tiền Giang, “Vua cá tra” ban đầu chỉ có vốn điều lệ 32 tỷ đồng. Hoạt động chính khi đó là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu với công suất 50 tấn nguyên liệu/ngày. Sau khi thành lập, HVG liên tục đầu tư mới và mở rộng. Chỉ sau 1 năm, nhà máy thứ 2 của HVG được đưa vào hoạt động, nâng tổng công suất lên 150 tấn/ngày.Bước sang năm thứ 3 trở đi, HVG không ngừng “thâu tóm” các DN cùng ngành, chẳng hạn, năm 2005, công ty mua thêm nhà máy thủy sản Tiền Giang và xây dựng vùng nuôi 40ha. Năm 2006, Hùng Vương thành lập mới Công ty TNHH châu Á và mua lại Công ty Chế biến Thủy sản Vĩnh Long. Năm 2007, công ty đầu tư kho lạnh công suất 12.000 tấn, góp vốn thành lập Hùng Vương Miền Tây...
Việc đầu tư và bành trướng giúp Hùng Vương có những kết quả tích cực, trở thành đơn vị xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam giai đoạn 2008-2009… Trong giai đoạn hoàng kim, "vua cá tra" có khối tài sản vào khoảng 10.000 tỷ đồng, cấu trúc nợ vay được giữ mức khoảng 45% tổng tài sản với khả năng thanh toán tốt. Cơ cấu nguồn vốn chủ sở hữu gấp 3 lần vốn điều lệ, nguồn vốn thặng dư luôn ở mức cao cho việc phát triển sản xuất. Cổ tức bằng tiền duy trì đều đặn từ 10% mỗi năm. Tất cả những thành quả đó giúp làm nên thương hiệu “vua cá tra” HVG một thời.
Song, cũng vì giấc mộng bành trướng, “vua cá tra” liên tục vào các thương vụ M&A đình đám, thậm chí chấp nhận đòn bẩy tài chính cao để mở rộng ra lĩnh vực kinh doanh khác trái ngành, chẳng hạn như: Mua Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF), mua Thực phẩm Sao Ta (FMC), mua Thủy sản Tắc Vân (TFC) hay như thành lập công ty con Hùng Vương Sông Đốc, Hùng Vương Bến Tre, đầu tư vào dự án chăn nuôi heo, đầu tư bóng đá…
Hệ quả là, khi thị trường cá tra giảm mạnh, chịu ảnh hưởng của thuế quan tại các thị trường xuất khẩu (ảnh hưởng chính và lớn nhất là Hoa Kỳ), việc đầu tư dàn trải và phải chịu hệ số vay nợ cao… càng làm trầm trọng thêm những khó khăn. Bước sang năm 2017, từ đỉnh cao - “vua cá tra” lần đầu rớt xuống “vực sâu” - khi chịu khoản lỗ kỷ lục hơn 700 tỷ đồng và tiếp tục mất thêm 500 tỷ năm 2019.
Từ một doanh nghiệp nổi tiếng về “thâu tóm”, HVG trải qua chuỗi ngày cay đắng trong 2 năm gần đây khi phải bán hàng loạt tài sản: Giải thể và bán đất tại Địa ốc An Lạc, chuyển nhượng cổ phần tại Sao Ta, Việt Thắng, Lâm Thủy sản Bến Tre (FBT), chấp nhận bán Kho lạnh 2 Tân Tạo, thoái toàn bộ 51% vốn Hùng Vương Sông Đốc. Chưa hết, HVG cũng lên kế hoạch bán vốn tại công ty cá tra Agifish và thoái toàn bộ Thủy sản Hùng Vương Bến Tre.
Mới đây nhất, vua cá tra quyết định bán 5 triệu cổ phiếu và sẽ sang nhượng lại cổ phần Hùng Vương Miền Tây.
Kết thúc năm tài chính 2019, "vua cá tra" lỗ lũy kế gần 900 tỷ đồng và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm. Doanh thu của HVG giảm hơn 1/2 từ 8.100 tỷ xuống 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 600 tỷ, từ 104 tỷ xuống -500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm từ 1,5 tỷ xuống -476 tỷ đồng. Tổng tài sản hiện còn 8.800 tỷ đồng với phân nửa là các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho cũng chiếm khoảng 20%. Tiền mặt hiện chỉ còn hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ phải trả của Hùng Vương đã gấp 4,6 lần vốn chủ sở hữu.
Đặc biệt, công ty phải đối mặt với gánh nặng nợ vay tài chính gần 3.000 tỷ đồng, trong đó có khoản nợ quá hạn 600 tỷ đồng tại Vietcombank đang xin gia hạn.
“Vua cá tra” còn lại gì trước hợp tác với Thadi?
Hiện tại, “vua cá tra” còn hệ thống gồm 9 công ty con, 6 công ty liên kết và một vài đơn vị đầu tư khác. Theo một công bố gần đây cho thấy, HVG hiện vẫn còn nhiều tài sản có quy mô lớn khác gồm: Hệ thống 3 trại giống là Hùng Vương Ba Tri (cá giống), Hùng Vương Bến Tre (tôm giống) và Trại cá giống Quốc gia tại An Giang. Ngoài ra, HVG còn sở hữu vùng nuôi cá diện tích hơn 700ha tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Hệ thống các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản tổng công suất 1,5 triệu tấn/năm, 11 nhà máy chế biến cá với tổng công suất thiết kế trên 400.000 tấn/năm, 1 nhà máy chế biến tôm tại Cà Mau với công suất 7.000 tấn/năm, 3 nhà máy chuyên chế biến bột cá và mỡ cá với công suất 300.000 tấn/năm được xuất khẩu chính sang thị trường Trung Quốc và Thái Lan.
Hợp tác với Thadi, liệu HVG của ông Dương Ngọc Minh có hồi sinh? (Ảnh: IT)
Ở mảng chăn nuôi heo, HVG có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với 600.000 tấn/năm, hệ thống kho thức ăn chăn nuôi với tổng diện tích 80.000 m2, sức chứa tương đương 132.000 tấn. Dự án chăn nuôi heo của HVG gồm 4 trại trên tổng diện tích chuồng trại 300 ha với 1.500 con cụ kỵ giống Đan Mạch, tổng công suất nuôi thiết kế 522.000 con/năm.
Cổ phiếu “vua cá tra” liệu có cơ hội ngược dòng?
Trong động thái hợp tác với Thadi, giới đầu tư đang tỏ ra rất băn khoăn trước việc HVG sẽ tận dụng những lợi thế gì từ doanh nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương để phục hồi về giai đoạn hoàn kim?
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVG trong phiên giao dịch hôm qua (8/1), tiếp tục tăng giá lên 8.600 đồng/CP. Đây cũng là phiên thứ 2 liên tiếp mã này tăng trần. Điểm đáng chú trong phiên giao dịch này là các giao dịch thoả thuận rất “khủng” được hoàn thành, tổng khối lượng sang tay lên đến 51,4 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 409,6 tỷ đồng (tương đương 22,6% vốn điều lệ của doanh nghiệp này). Ngay trước đó, phiên 7/1 cũng đã có 4,99 triệu cổ phiếu HVG được thoả thuận trị giá 39,92 tỷ đồng.
Được biết, tính đến 30/6/2019, cổ đông lớn duy nhất của HVG là ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hùng Vương đang sở hữu trên 39% vốn cổ phần. Tuy nhiên, gần đây ông Minh không công bố thông tin gì về giao dịch cổ phiếu HVG.
Đánh giá về cổ phiếu HVG trước thềm hợp tác với Thadi, đa số đại diện các công ty chứng khoán đều có nhận định “kém khả quan” với mã cổ phiếu này. Bà Xuân L, một chuyên viên phân tích của chứng khoán HSC cho hay: “HVG trước giờ có nhiều lùm xùm, hiện tại cũng chưa có tín hiệu gì triển vọng hết nên HSC không có khuyến nghị gì về mã này cho khách hàng, trừ khi có thông tin gì đột biến về kết quả kinh doanh thì có thể sẽ xem xét lại chứ hiện tại đang đánh giá kém khả quan với mã này, vẫn chờ theo dõi”.
Còn theo ông Trần Bá Duy, đại diện Công ty Chứng khoán VnDirect thì cho biết: “Chưa có đánh giá gì về HVG. Tuy nhiên, nếu xét về góc độ ngành thủy sản thì đang khá yếu”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.