Trong báo cáo tài chính niên độ 2016-2017 vừa được công bố, Thủy sản Hùng Vương (mã chứng khoán HVG) tiếp tục lỗ gần 713 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 424 tỷ đồng. Đặc biệt, đơn vị kiểm toán đã lần nữa nhấn mạnh về sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HVG.
Chế biến cá tra tại Hùng Vương (Ảnh: IT)
Lung lay đế chế “Vua cá tra”
Thời gian gần đây, cái tên “Vua cá tra” Hùng Vương được nhắc đến không phải là những thông tin về thị trường xuất khẩu, về những thương vụ tỷ USD... như thời hoàng kim cách nay gần 10 năm (năm 2009, Hùng Vương lên sàn chứng khoán - PV), mà lại được nhắc đến qua các thương vụ thoái vốn và “bán con”.
Chẳng hạn, hồi giữa tháng 8.2017, HVG đã quyết định thanh lý 4 khu đất nằm ở những vị trí đắc địa và giải thể Địa ốc An Lạc để thu hồi vốn, chuyển hướng đầu tư. Sau đó không lâu, khi bức tranh hoạt động chưa thực sự khởi sắc, HVG lại quyết định thoái tiếp toàn bộ phần vốn góp tại Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC).
Kết quả kinh doanh niên độ 2016-2017 của HVG
Quyết định bất ngờ này được đánh giá như những nước cờ cuối khi “ông vua” ngành thủy sản đã bị dồn vào thế chân tường. Bởi, chỉ mới đầu năm 2017, Hùng Vương dù nhận được lời đề nghị từ đối tác Nhật Bản, cũng đã khước từ thương vụ bán Sao Ta với giá 460 tỷ đồng.
“Lấy vài trăm tỷ đồng mà để mất đi thương hiệu Sao Ta và mất đi ngành tôm thì không đáng”, ông Dương Ngọc Minh đã chia sẻ như thế trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 và cho biết HVG này vẫn nuôi hy vọng phát triển thêm ngành tôm trong tương lai.
Thế nhưng, sau đó các nhà đầu tư đã chết lặng khi “đứa con cưng” này của HVG được bán khá chóng vánh.
Và gần đây nhất, “Vua cá tra” lại tiếp tục quyết định bán đi hơn 50% vốn tại Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF). Tuy nhiên, quyết định này không mấy bất ngờ với giới đầu tư bởi có thể nói, VTF từ khi trở về với HVG đã trở thành gánh nặng không nhỏ cho doanh nghiệp này. Không phải VTF không tốt, VTF đã từng là “sao sáng” trước khi về một nhà với HVG, nhưng bởi vì chiến lược mở rộng nhà máy, đầu tư dây chuyền sản xuất, lấn sân sang nuôi heo... nhưng không dựa vào sức mạnh nội tại của DN mà chủ yếu được phát triển từ nguồn vốn vay.
“Việc mở rộng bằng đòn bẩy tài chính, theo lý thuyết nếu trong bối cảnh thị trường thuận lợi sẽ khuếch đại chỉ số sinh lời. Nhưng điều này chỉ làm được khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận gộp vượt qua tốc độ tăng của chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay. Nhưng trường hợp Hùng Vương thì ngược lại. Sử dụng đòn bẩy tài chính nhưng thị trường gặp rủi ro, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh không tương xứng với tốc độ tăng của khoản mục lãi vay, khiến lợi nhuận của Hùng Vương liên tục bị ăn mòn”, một chuyên gia tài chính nhận định.
Và những lời... hứa suông
Câu chuyện về lãnh đạo HVG hứa với cổ đông “sẽ nhanh chóng thoát lỗ, có lời ngay quý tới...” không phải là mới và tất nhiên những lời hứa này nhanh chóng trở thành lời “hứa suông” khi kết quả kinh doanh của HVG liên tục ảm đạm. Trong niên độ 2016-2017, nhà đầu tư càng thất vọng khi kết quả kinh doanh vẫn tiếp tục tình trạng “năm sau thảm hơn năm trước”. Cụ thể, HVG ghi nhận doanh thu 15.514 tỷ đồng, giảm 13% so niên độ trước. Giá vốn của Công ty chiếm 14.435 tỷ đồng nên lãi gộp ở mức 1.079 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên giảm xuống 6.95%.
HVG đang vay Ngân hàng nào?
Hiện HVG đang vay 3.283 tỷ đồng và gần 21 triệu USD từ BIDV; hơn 1.290 tỷ đồng và 7,95 triệu USD từ Vietcombank; 227 tỷ đồng và 12,63 triệu USD từ VietinBank; hơn 125 tỷ đồng và hơn 1 triệu USD từ PGBank; gần 100 tỷ đồng và 4,58 triệu USD từ OCB; hơn 86 tỷ đồng và 160.230 USD từ Agribank; 2 triệu USD từ Indovina; 25 tỷ đồng từ United Overseas; hơn 34 tỷ đồng từ SGB; hơn 1,3 triệu USD từ NVB và 878.500 USD từ HDBank.
|
Hoạt động tài chính của HVG tiếp tục âm 525 tỷ đồng. Liên doanh liên kết kỳ này giảm lỗ khá mạnh từ 32 tỷ đồng xuống còn 7.6 tỷ đồng. Trong khi chi phí bán hàng giảm nhẹ thì chi phí quản lý tăng vọt gấp 2,8 lần, lên mức 756 tỷ đồng chủ yếu do dự phòng nợ phải thu khó đòi chiếm tới 566 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ hơn 70,5 tỷ đồng.
Kết quả là HVG lỗ thuần 688 tỷ đồng, trong khi niên độ trước vẫn có lãi hơn 47 tỷ đồng. Cuối cùng, HVG lỗ ròng gần 713 tỷ đồng, trong khi niên độ trước chỉ lỗ 49 tỷ đồng.
Đặc biệt, kết thúc năm tài chính, HVG vẫn đang treo con số nợ lên đến 11.378 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm 10.687 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so mức 7.649 tỷ đồng của đầu kỳ, còn nợ vay dài hạn vẫn còn 690 tỷ đồng.
Những lời hứa về việc cơ cấu lại nguồn vốn, giải phóng hàng tồn kho đưa doanh nghiệp có lãi trở lại của lãnh đạo HVG trong ĐHĐCĐ năm 2017 đã không trở thành hiện thực. Và có lẽ, nhà đầu tư sẽ tiếp tục phải chờ vào một “bánh vẽ” mới mà HVG sắp đưa ra, khi dòng tiền có được từ “bán con” sẽ được ghi nhận.
Trả lời báo chí mới đây về việc bán Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, ông Dương Ngọc Minh cho biết, Nhà máy Việt Thắng vốn ban đầu là 80 tỷ, đến nay vốn điều lệ nâng lên 1.030 tỷ đồng. Từ chỗ công suất nhà máy thức ăn chỉ chưa tới 100.000 tấn/năm, đến nay VTF đã đạt công suất 700.000 tấn/năm. Nếu HVG thoái vốn tại VTF thì giá trị thu về phải gấp hai lần vốn điều lệ. Khi đó, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi rất lớn vì tài sản ở Việt Thắng cũng đã được khấu hao trên 60%.
Như vậy, việc thoái vốn tại VTF cùng với FMC trước đó dự kiến đem về cho HVG trên 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận cỡ khoảng 1.500 tỷ đồng và nợ vay đương nhiên giảm được 3.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, HVG còn có nguồn thu từ bán hàng tồn kho trên 10.000 tấn sản phẩm, đã ký hợp đồng bán đến quý 1/2018 và sản lượng thu hoạch từ nuôi trồng là 50.000 tấn cá với giá trung bình 28.000 đồng/kg. Khi đó, Hùng Vương không những không còn nợ ngân hàng mà sẽ dư ra một khoản tiền rất lớn, dự kiến cũng trên 2.500 tỷ đồng...
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.