Vua chúa nước Đại Việt và chuyện “Thiên tử không có nói đùa”

Lê Long Thứ ba, ngày 26/04/2022 18:31 PM (GMT+7)
Thời phong kiến, vua chúa Đại Việt rất trọng những lời mình nói ra. Một khi nói ban thưởng, thăng chức cho ai đó thì chắc chắn sẽ làm, chứ không hề nói suông...
Bình luận 0

Năm 1289, sau khi chiến thắng quân Nguyên trong cuộc kháng chiến lần thứ 3, Vua Trần Nhân Tông cho Phùng Sĩ Chu làm hành khiển. Nguyên là trước đó, khi quân Nguyên lại sang, vua sai Sĩ Chu bói và ông phán rằng: Thế nào cũng đại thắng. Vua mừng, bảo rằng: Nếu đúng như lời nói, sẽ trọng thưởng. Đến khi dẹp giặc xong, vua nói: “Thiên tử không có nói đùa”, nên có mệnh này.

Vua chúa đã nói là sẽ thi hành

Tất nhiên, không phải chỉ riêng nhờ khả năng... bói toán, tiên đoán tương lai mà Phùng Sĩ Chu được làm hành khiển, chức văn quan cao cấp trong triều. “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết: Sĩ Chu hiệu là Tốn Trai tiên sinh, là người trung hiếu, có văn nghệ, làm quan đến thiếu phó.

Cũng nhờ khả năng dự đoán như Phùng Sĩ Chu, mà một viên quan khác được Trần Nhân Tông thăng chức. Đó là Trần Thì Kiến, một người xuất thân là môn khách của Hưng Đạo vương, được vương tiến cử lên nhà vua. Khi quân Nguyên sang lần thứ hai, Vua Nhân Tông cũng sai Thì Kiến bói dịch, đoán là tốt, quả nhiên sau đó quân ta thắng. Đến khi quân Nguyên sang lần thứ ba, vua lại sai Thì Kiến bói, được quẻ Quan biến sang quẻ Hoán, nên đoán rằng: “Hoán nghĩa là tan, là điềm quân giặc phải tan vỡ. Sau đó, quân Nguyên đến sông Bạch Đằng, quả nhiên tan chạy. Vua khen ông có tài đoán, nên có mệnh bổ Thì Kiến làm An phủ sứ lộ Yên Khang (tức vùng huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình ngày nay).

Vua chúa nước Đại Việt và chuyện “Thiên tử không có nói đùa” - Ảnh 1.

Ảnh: L.G

Dưới góc nhìn hiện nay, chúng ta thấy những việc bổ nhiệm này có vẻ bất thường. Nhưng, ngược thời gian thì phải hiểu thời phong kiến, trong tiêu chuẩn của bậc sĩ phu là phải thông thạo Tứ thư, Ngũ kinh, mà trong 5 kinh đó, có “Kinh dịch”, thông thạo kinh này là phải biết bói Dịch, suy đoán.

Và Trần Thì Kiến cũng là vị quan giỏi của triều Trần, tính cương trực, giỏi xử đoán kiện tụng, từng được “Toàn thư” chép câu chuyện móc họng nôn ra bữa cỗ người ta biếu, khi biết người ấy có việc kêu xin. Sau ông còn được làm tham tri chính sự, rồi thăng đến Nhập nội Hành khiển Hữu gián nghị đại phu.

Hoặc, như cuối triều Lê mạt, chính sử cũng chép sự kiện năm 1776, chúa Trịnh Sâm phong cho Nguyễn Hoàn tước Hoàn quận công. Nguyên là lúc Trịnh Sâm còn làm thế tử, Nguyễn Hoàn được sung chức Tư giảng, chuyên dạy học cho thế tử. Thế tử Trịnh Sâm tuổi trẻ ngông cuồng, thường viết bỡn mấy chữ "Thượng thư, Quốc sư, Hoàn quận công" đưa cho Nguyễn Hoàn. Đến khi Trịnh Sâm lên nối ngôi chúa kế vị cha là Trịnh Doanh, Nguyễn Hoàn đem những chữ ấy dâng lên, Sâm bèn ban cho tước này.

Thời xưa, lời nói của vua chúa chính là pháp lệnh, toàn thể quan quân, dân chúng đều phải tuân thủ. Như sự kiện tháng 10 năm Nguyên Phong thứ 4 (1254), Vua Trần Thái Tông ban tiền cho Phạm Ứng Mộng, bảo tự hoạn để vào hầu. Nguyên do là trước đó, vua nằm mơ đi chơi thấy thần nhân chỉ một người bảo vua: "Người này có thể làm hành khiển". Tỉnh dậy, vua vẫn không biết là người nào. Một hôm tan buổi chầu, vua ngự ra ngoài thành, thấy một người con trai theo học ở cửa Nam thành, hình dáng giống hệt người trong mộng, Vua gọi đến hỏi, người đó ứng đối giống như những lời trong mộng. Vua muốn trao cho chức hành khiển nhưng thấy khó, mới cho 400 quan tiền bảo tự hoạn, ban tên là Ứng Mộng. Sau này thăng dần đến chức hành khiển. Các sử quan thời Trần giải thích, hành động của Vua Trần Thái Tông là bắt chước lệ cũ của triều Lý, dùng Lý Thường Kiệt và Lý Thường Hiến vậy.

Cũng theo cách đó mà một lời của Vua Trần Anh Tông khiến học sinh Đoàn Nhữ Hài được thăng ngay chức Ngự sử trung tán, khiến quần thần ghen tị Nhữ Hài tuổi còn nhỏ mà được làm quan to, đã làm thơ để mỉa mai rằng “Đài ngự sử ôn câu cổ ngữ/ Miệng Đoàn Trung tán sữa còn hoi”.

Tất nhiên, Vua Anh Tông dùng Đoàn Nhữ Hài là biết nhìn nhận tài năng của ông. Sau này, sử sách chép lại cho biết, Đoàn Nhữ Hài đi sứ sang Chiêm Thành, rồi theo quân đi đánh giặc, đều có công lớn.

Cái cách mà Thượng hoàng đầu tiên của nhà Trần (Trần Thừa) nhận người con rơi là Bà Liệt cũng chỉ đơn giản thông qua một lời nói. Khi thấy Bà Liệt đấu vật bị đối thủ siết cổ suýt chết, Thượng hoàng lập tức kêu lên “Con ta đó”. Chỉ một lời đó mà Bà Liệt được phong vương, cấp cho vương phủ riêng không kém các hoàng tử con chính của vua.

Lời vua chúa có sửa được không?

Không phải mọi lời nói của các vị quân vương đều không thay đổi được. Như khi Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải mới sinh, bị phát chứng kinh sắp chết. Vua Trần Thái Tông lo cho con, mới lấy áo của thượng hoàng và gươm báu truyền quốc để trước mặt hoàng tử bé, bảo rằng: “Nếu sống lại thì cho những thứ này”. Đến khi hoàng tử sống lại, vua nói: “Gươm báu truyền quốc, không thể cho bậy được, chỉ cho áo của thượng hoàng thôi”.

Vua nói rồi mà vẫn sửa được, nên đời sau hay bàn chuyện Thượng hoàng Trần Nhân Tông khi sang chơi Chiêm Thành, hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua nước này là Chế Mân và sau đó cho thi hành. Việc làm của thượng hoàng tuy giữ được chữ tín nhưng văn sĩ trong triều ngoài nội mượn điển tích vua Hán đem Chiêu Quân gả cho vua Hung Nô để làm thơ chê cười. Việc này, với quan điểm Nho giáo, sử thần thời Lê Ngô Sĩ Liên phê phán kịch liệt: “Nói rằng vua nhân đi chơi mà trót hứa gả, sợ thất tín, thì sao không làm việc đổi mệnh có được không?”. Vị sử thần này có nghĩ ra cách đổi mệnh như sau: “Vua giữ ngôi trời mà thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi mệnh thì có khó gì, mà lại đem gả cho người không phải giống nòi đúng lời hẹn trước”.

Do Trần Nhân Tông giữ chữ tín nên nước ta mới nhận được món quà sính lễ của Chiêm Thành là châu Ô và châu Lý, sau đổi thành chậu Thuận và châu Hóa, tức đất Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay.

Mặc dù vậy, thì sự việc sau khi Chế Mân chết, Vua Trần Anh Tông lại cho Trần Khắc Chung mưu cướp công chúa Huyền Trân về khiến sử thần Ngô Sĩ Liên rất phẫn nộ, phải vung bút bình luận trong chính sử “lại dùng mưu gian trá cướp lại về sau, thế thì tin ở đâu?”.

Vua tín bề tôi lại càng tín

Khi các vị quân vương đề cao chữ tín, hành động luôn trọng tín thì bề tôi tất sẽ luôn trọng tín. Như Vua Trần Thánh Tông và Thượng hoàng Trần Thái Tông kính trọng công lao của Hưng Đạo đại vương, cho phép vương được tự phong tước cho người khác, từ tước minh tự trở xuống, duy có tước hầu thì chỉ cần phong trước mà tâu sau thôi nhưng Hưng Đạo vương không vì lệnh ấy mà phong tước cho bất kỳ ai. Khi quân Nguyên xâm lược, vương lệnh cho các nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân nhưng chỉ cho họ là giả lang tướng, chứ không phải lang tướng thật, kính cẩn giữ tiết làm tôi.

Đặc biệt, khi ở ngay cạnh vua trong cơn hoạn nạn thì đức trung tín của Hưng Đạo đại vương càng thể hiện rõ rệt. Đó là khi vương phò vua tránh quân Nguyên, trên thuyền có mỗi mình vương, tay cầm chiếc gậy bịt sắt nhọn. Quần thần thấy vương vốn có kỳ tài, lại còn mối hiềm cũ của cha là An Sinh vương, nên có nhiều người nghi ngại, ai cũng gườm mắt nhìn. Hưng Đạo vương biết ý, liền rút đầu sắt nhọn vứt đi, chỉ chống gậy không mà đi. Khi chép sử đến đoạn này, sử thần Ngô Sĩ Liên bình luận: “Bậc đại thần ở vào hoàn cảnh bị hiềm nghi nguy hiểm, tất phải thành thực tin nhau, sáng suốt khéo xử, như hào cửu tứ của quẻ Tùy thì mới có thể giữ tròn danh dự, làm nên sự nghiệp. Nếu không thế thì nhất định sẽ mang tai họa. Quách Tử Nghi nhà Đường, Trần Quốc Tuấn nhà Trần đã làm được như vậy”.

Triều Trần, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cũng nổi tiếng là người tín nghĩa. Khi Trịnh Giác Mật trên Đà Giang làm phản, vua sai Chiêu Văn vương đi dụ hàng, do vương đang là trấn thủ đạo Đà Giang. Biết tin Chiêu Văn vương tới, Trịnh Giác Mật sai người đến quân doanh, bày tỏ lòng thành: “Mật không dám trái mệnh. Nếu ân chúa một mình một ngựa đến thì Mật xin hàng". Vậy mà Trần Nhật Duật nhận lời, chỉ đem 5-6 tiểu đồng cùng đi. Bộ hạ ngăn lại, vương tự tin nói: "Nếu nó giáo giở với ta thì triều đình còn có vương khác đến".

Khi tới trại, người Man dàn vây mấy chục lớp và đều cầm đao thương chĩa vào phía trong. Nhật Duật đi thẳng vào, trèo lên trại. Trần Nhật Duật thạo tiếng nói và am hiểu phong tục của nhiều nước, cùng ngồi ăn bốc, uống bằng mũi với Mật, nên người Man thích lắm. Khi Nhật Duật trở về, Mật đem gia thuộc đến doanh trại đầu hàng. Mọi người đều vui lòng kính phục vì không mất một mũi tên mà bình được Đà Giang. Đến khi về kinh sư, Trần Nhật Duật đem Mật và vợ con hắn vào chầu, vua rất khen ngợi ông. Sau đó, vua cho Mật về nhà, giữ con hắn ở lại kinh đô. Nhật Duật mến nuôi hết lòng, xin triều đình ban tước thượng phẩm và cho vào trông ao cá, sau cũng cho về nhà.

Cũng có khi, vì đại nghĩa, mà đại tướng không nghe theo mệnh vua. Đó là câu chuyện khi Trần Anh Tông đem quân đánh Chiêm Thành, đóng quân ở Câu Chiêm, Minh Hiến vương Uất (em út của Trần Thái Tông) ở trong quân dinh bàn luận biện bác, khiến lòng quân nghi hoặc. Vua giận, đuổi vương khỏi dinh, truyền cho các quân không được dung nạp.

Tuy nhiên, Điện súy Phạm Ngũ Lão vẫn mời Minh Hiến vương vào trong quân, nói với mọi người rằng: “Thánh thượng đương quở trách ân chúa mà đuổi ra ngoài, lỡ ra bị giặc bắt được thì chúng cứ bảo là bắt được hoàng tử, chứ biết đâu là bị vua quở trách. Tôi thà chịu tội về trái lệnh chứ không nỡ làm lợi cho giặc”. Vua Anh Tông biết chuyện nhưng không quở trách Phạm Ngũ Lão. Trái mệnh vua mà làm việc có lợi cho đại cục như Ngũ Lão thì ai mà có thể trách được?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem