Theo HOSE, 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của TTF sẽ là số âm hơn 1.500 tỷ đồng, vượt 55 tỷ đồng so với vốn điều lệ. Do vậy, muốn cổ phiếu TTF không bị hủy niêm yết bắt buộc thì TTF phải nỗ lực giải quyết số lỗ vượt vốn điều lệ theo báo cáo soát xét bán niên trong 6 tháng cuối năm 2017.
Nếu không nỗ lực giải quyết số lỗ, TTF có thể sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc (Ảnh: IT)
Báo cáo tài chính kiểu... “chữa cháy”
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2017, Gỗ Trường Thành ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 1,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30.06.2017 là âm 1.462 tỷ đồng (chiếm 98% vốn điều lệ TTF). Trong bản báo cáo này, nhà đầu tư chú ý khá nhiều đến khoản thu nhập “do được miễn lãi vay” giá trị 84,6 tỷ đồng được ghi nhận vào tài khoản “thu nhập khác”. Tuy nhiên, ghi nhận này không được Kiểm toán viên Ernst & Young công nhận vì lý do nếu ghi nhận khoản thu nhập này vào tài khoản thu nhập khác là không chắc chắn và không phù hợp với quy định hiện hành.
Như vậy, nếu TTF không được ghi nhận khoản lãi 84,6 tỷ đồng lãi vay được miễn giảm trên thì khoản mục chi phí phải trả và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng và giảm tương ứng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của TTF sẽ là số âm vượt vốn điều lệ.
Như vậy, căn cứ theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 điều 60 Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20.07.2012 của Thủ tướng Chính phủ, chứng khoán bị hủy niêm yết trong trường hợp: “Kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục; hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp...”. Ở đây, tổng số lỗ lũy kế của TTF đã là hơn 1.500 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ (1.446 tỷ đồng) nên từ nay đến cuối năm 2017, báo cáo tài chính kiểm toán của TTF không điều chỉnh được khoản lỗ này và vẫn duy trì tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp thì HOSE sẽ thực hiện thủ tục hủy niêm yết bắt buộc đối với TTF...
Trước đó, thời điểm cuối tháng 8.2017, TTF đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2.2017 với con số gây “bất ngờ”. Cụ thể, TTF báo lãi gần 13 tỷ đồng trong quý 2.2017, riêng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 22,4 tỷ đồng.
Giải trình về những kết quả kinh doanh khả quan này, TTF cho biết, có khoản thu nhập bất thường giá trị hơn 88,2 tỷ đồng từ miễn lãi vay. Vì vậy, mặc dù bị phạt gần 12 tỷ đồng vì vi phạm hành chính, chậm nộp thuế, chậm nộp bảo hiểm nhưng hoạt động khác vẫn đem về cho Gỗ Trường Thành 73 tỷ đồng lợi nhuận.
Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2017, khoản phải thu của TTF vẫn tiếp tục tăng lên với bút toán ghi nhận đáng chú ý là khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng giá trị gần 350 tỷ đồng; khoản phải thu về cho vay lên đến 112,7 tỷ đồng, trong đó phải thu đối với Công ty TNHH TM và Xây dựng DLC là 89 tỷ đồng và Công ty TNHH XD Đồng Long là 17 tỷ đồng...
Tuy nhiên, việc ghi nhận khoản thu nhập “do được miễn lãi vay” vào tài khoản “thu nhập khác” không được kiểm toán công nhận. Đồng thời, giới chuyên gia tài chính cũng đưa ra nhận định báo cáo tài chính hợp nhất quý 2.2017 của TTF cũng còn rất nhiều “vấn đề” đáng bàn và báo cáo này dường như là một báo cáo để... “chữa cháy” khi Ủy ban Chứng khoán không đồng ý cho TTF gia hạn báo cáo tài chính hợp nhất quý 2.2017.
Đường nào cho “vua gỗ”?
Trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc, TTF có 2 con đường phải chọn. Thứ nhất là phải nỗ lực giải quyết số lỗ vượt vốn điều lệ theo báo cáo soát xét bán niên trong 6 tháng cuối năm 2017 bằng một khoản “lãi thực” để bù vào số lỗ vượt đó. Hoặc là TTF buộc phải phải gấp rút tăng vốn điều lệ trong năm nay nếu không muốn bị HOSE hủy niêm yết.
Có lẽ, cả 2 con đường trên đều không hề dễ dàng cho TTF bởi con số lỗ của TTF thời điểm hiện tại là quá lớn. Giá trị hàng tồn kho đến thời điểm cuối quý 2.2017 chỉ giảm 91 tỷ đồng so với đầu năm, vẫn ở mức gần 1.700 tỷ đồng. Trong khi đó, việc kêu gọi tăng vốn điều lệ với một mã chứng khoán đầy khó khăn như TTF trong thời điểm hiện tại không phải dễ dàng.
Còn nhớ, tại đại hội cổ đông mới đây của TTF, doanh nghiệp này đã đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2017 đạt khoảng 1.254 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 35,4 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, TTF dự tính thu hồi các khoản đầu tư ngoài ngành và phát triển thêm vốn. Cụ thể, các khoản đầu tư ngoài ngành dự kiến thu hồi gồm toàn bộ rừng và dự án Bất động sản Công ty Phú Hữu Gia. Bên cạnh đó, TTF cũng dự kiến sẽ bán hết số đồ gỗ tồn đọng nhiều năm không còn phù hợp để kinh doanh nữa dù việc thanh lý hàng tồn kho có thể sẽ khiến công ty bị lỗ nhưng sẽ loại bỏ được khó khăn mà công ty đang mắc phải.
Dự kiến sau khi thu hồi các khoản đầu tư ngoài ngành và phát triển thêm vốn, TTF sẽ không còn nợ ngay từ đầu tháng 10.2017.
Đặc biệt, để huy động thêm vốn, lãnh đạo TTF đã trình phương án phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu trong quý 3.2017. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Thậm chí, Ban lãnh đạo TTF cam kết nếu phát hành ra ngoài không được thì sẽ bỏ tiền túi mua vào.
Những cam kết này của Ban lãnh đạo TTF, cùng với chiến lược kinh doanh đặt ra đã giúp mã cổ phiếu TTF tăng vọt từ mức giá “trà đá” khoảng 4.000 đồng/CP lên mức giá hiện tại ở quanh vùng 7.000 - 8.000 đồng/CP.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã gần hết quý 3.2017, TTF vẫn chưa có thông tin gì về việc phát hành số lượng cổ phiếu trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.