Vua Hàm Nghi đòi trở lại Huế, Tôn Thất Thuyết xin để lại... cái đầu

Đ.T Thứ hai, ngày 03/10/2022 20:31 PM (GMT+7)
Ba ngày sau, giữa cảnh núi rừng thưa thớt, cây cối khô cằn, vua Hàm Nghi đăm chiêu, buồn rầu và đòi về Huế. Tôn Thất Thuyết nghiêm mặt nói: Bệ hạ muốn về Huế cũng được nhưng phải... xin ngài để lại cái đầu ở đây đã.
Bình luận 0

Theo cuốn “Chuyện kể về các đời vua nhà Nguyễn”, trong đoàn người bôn tẩu cùng vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành Huế có trên 1.000 người gồm các ông hoàng bà chúa già có, trẻ có cùng các đại thần và đại gia đình của họ... Tất cả rời khỏi chốn quyền quý vinh hoa để lên rừng tránh sự truy kích của quân Pháp. Hơn hai ngày sau đạo ngự mới ra đến Quảng Trị. Tất cả tạm nghỉ ngơi tại đây 3 ngày. Trong lúc mọi người nghỉ ngơi thì đại thần Nguyễn Văn Tường không chịu nổi khó khăn, khổ cực và đã bỏ trốn, trở lại Huế đầu hàng Pháp.

Vua Hàm Nghi đòi trở lại Huế, Tôn Thất Thuyết xin để lại... cái đầu - Ảnh 1.

Vua Hàm Nghi.

Theo lệnh Hoàng Thái hậu Từ Dũ, chiều 8/7/1885, tất cả các quan văn võ đại thần tập họp để bàn định việc “kháng chiến”. Ý của bà Từ Dũ và các bà chúa cùng một số đình thần là muốn trở về kinh thành Huế. Nghe vậy, ngay lúc đó Tôn Thất Thuyết đã nổi cơn tức giận đến đỏ mặt. Trước tình thế đó, Hoàng Thái hậu nói:

- Những người tuổi già sức yếu thì đánh Pháp sao được. Đem họ đi chỉ thêm vướng chân thôi.

Tôn Thất Thuyết suy nghĩ một hồi rồi đồng ý chia đạo ngự thành hai đoàn và nói:

- Ai già yếu, thiếu ý chí chiến đấu thì theo Hoàng Thái hậu trở về kinh thành. Ai muốn giữ “trung” với vua, với nước thì lên Tân Sở.

Sáng hôm sau là 9/7/1885, cảnh chia tay diễn ra trong đau xót, bùi ngùi. Vua Hàm Nghi và đại thần Tôn Thất Thuyết cùng một số quan văn võ, binh lính lên đường ngay, tới chiều tối thì đến thành Tân Sở. Ba ngày sau, giữa cảnh núi rừng thưa thớt, cây cối khô cằn, nhà vua đăm chiêu, buồn rầu và đòi về Huế. Tôn Thất Thuyết nghiêm mặt nói: Bệ hạ muốn về Huế cũng được nhưng phải... xin ngài để lại cái đầu ở đây đã.

Từ đó, vua Hàm Nghi tuy mới 13 tuổi nhưng đã biết suy nghĩ, trở nên bình tĩnh. Khi Tôn Thất Thuyết xin vua phê chuẩn tờ chiếu kể tội Pháp và kêu gọi nhân dân nổi dậy chống Pháp - Hịch Cần Vương - nhà vua đọc và phê chuẩn rồi nói:

- Bây giờ Trẫm mới hiểu vì sao khanh không muốn cho Trẫm về Huế khi còn giặc Pháp chiếm đóng.

- Vậy, nếu đòi hỏi đi vào sống trong rừng sâu để kháng chiến Ngài có đi không?

Đi đâu cũng được, sống thế nào cũng được miễn là đuổi giặc Pháp ra khỏi đất nước - Vua Hàm Nghi trả lời Tôn Thất Thuyết như vậy.

Thế là hôm sau, Tôn Thất Thuyết phò vua rời Tân Sở ngược lên vùng Mai Lĩnh, vượt đèo Quy Hợp sang địa phận Hà Tĩnh để về Ấn Sơn, nơi mà Tôn Thất Thuyết dự định đặt đại bản doanh kháng chiến.

Đêm 4/7/1885, khi rời kinh thành Huế thì trong đoàn tùy tùng theo vua Hàm Nghi khi đó có hơn 1.000 người, nhưng khi rời hành cung ở Quảng Trị thì chỉ còn 500 người. Và đến khi tới được đại bản doanh ở Hà Tĩnh thì chỉ còn 200 người, 300 người đã nằm lại dọc đường kháng chiến.

Ngay sau khi đến được đại bản doanh, trong lúc đang lên cơn sốt nhưng vua Hàm Nghi vẫn suy ngẫm về cuộc chiến đấu ác liệt sắp đến. Một cuộc chiến đầy gian lao thử thách mà ngài bắt đầu mường tượng cảm nhận được từ khi đặt bút phê chuẩn Hịch Cần Vương, lúc đó vua Hàm Nghi mới tròn 14 tuổi.

Lời bàn:

Theo sử cũ, người Pháp đã treo giải 2.000 lạng bạc cho ai nộp đầu Tôn Thất Thuyết và ai bắt được vua Hàm Nghi thì được thưởng 500 lạng bạc. Chỉ nhiêu đó cũng đủ biết Tôn Thất Thuyết có vị trí quan trọng như thế nào đối với phong trào Cần Vương. Mặc cho ba bà Thái hậu và nhiều quan lại kêu gọi quay về triều đình, Tôn Thất Thuyết vẫn tuyên bố: Về Huế là tự mình đưa chân vào cho ngục thất, mà người cầm chìa khóa là quân Pháp. Thừa nhận Hiệp ước 1884 là dâng nước Nam cho kẻ địch. Đành rằng hòa bình là quý, nhưng không lo khôi phục sẽ mang tiếng là đã bỏ giang sơn của tiền triều dày công gây dựng và còn có tội với hậu thế.

Chỉ riêng với lời này cũng đủ hiểu Tôn Thất Thuyết là người như thế nào. Chính vì vậy mà những nhà nghiên cứu lịch sử sau này đánh giá cao nhân cách của Tôn Thất Thuyết, đồng thời trân trọng tấm lòng yêu nước nhiệt thành của ông. Tuy vậy nhưng cũng có không ít người chê trách ông không biết dựa vào dân trong cuộc tấn công quân Pháp ở Huế ngày 4/7/1885. Vào thời ấy, có được người trung thành như ông đã là đáng quý, còn sai lầm của cá nhân thì âu cũng là điều dễ hiểu và xin hãy để lịch sử phán xét.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem