"Vua khỉ" miền Tây 10 giây leo cây dừa cao hơn chục mét
"Vua khỉ" miền Tây 10 giây leo cây dừa cao hơn chục mét
Thứ năm, ngày 04/03/2021 11:26 AM (GMT+7)
Không cần nài, dây buộc hay vật dụng bảo hộ nào, chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút, anh Phạm Thanh Tùng có thể leo từ đất lên ngọn cây cao chót vót. Anh Tùng được mọi người gọi là "vua khỉ" ở miền Tây.
Tập làm nghề từ năm 21 tuổi khi theo người anh rể làm nghề trại cưa, mỗi khi rảnh rỗi, anh Phạm Thanh Tùng (49 tuổi, ngụ xã An Thái Đông, huyện Cái Bè, Tiền Giang) lại lấy cưa ra cưa đốn cây trong vườn nhà. Lâu dần quen tay, bà con lối xóm thấy anh có tay nghề nên thuê anh cưa đốn cây, tính đến nay anh theo nghề đã tròn 28 năm.
"Lúc đó tôi mượn tiền của mẹ vợ lên TP.HCM mua cây cưa tốt rồi theo nghề từ đó. Từ xưa tới giờ tôi cưa, đốn cây ít khi nào dùng dây nài hay đồ bảo hộ gì, chỉ leo tay không, chân trần như thế. Trừ những cây có đường kính quá to, chân ôm không hết mình mới xài đến dây thừng quấn ngang hông để đảm bảo an toàn thôi. Mà quấn mấy dây đó thì vướng víu lắm, tôi thấy khá bất tiện"- anh Tùng chia sẻ.
Cũng theo anh Tùng, mỗi loại cây xanh có độ khó riêng, trước khi vào cưa, đốn hạ bất kỳ cây gì anh đều tỉ mỉ quan sát theo yêu cầu của gia chủ, khách thuê, đảm bảo trong quá trình cưa thân cây, nhánh cây rơi xuống không ảnh hưởng đồ vật xung quanh và người bên dưới.
Vừa mài lại răng cưa, anh Tùng kể, nhiều lúc yêu cầu của khách hàng đưa ra vô cùng hóc búa, chẳng hạn như cưa cây dừa mà không được để trái rơi xuống trúng lu nước, hay các cây xung quanh. Rồi có cả cưa cây công trình không ảnh hưởng dây điện. Chỉ cần một nhát cưa không chuẩn là hư hỏng dây điện, dây cáp liền. "Khó như vậy người ta mới nhờ đến mình!" - anh nói.
Không cần thiết bị leo cây chuyên dụng, lấy đôi chân làm điểm tựa, chỉ mất khoảng 10 giây người đàn ông U50 ấy đã leo tít đến ngọn dừa cao hơn chục mét. Đơn độc trên ngọn dừa, anh lần lượt trổ tài nghề khiến người bên dưới vừa thán phục vừa lo sợ. Anh lần lượt cắt bỏ các tàu dừa, cắt ngọn dừa rồi mới đến công đoạn cưa từng khúc. Mỗi cú nhích người và xoay chuyển đều chắc nịch đôi tay và chân của anh bám dính không khác gì chú khỉ. Và có lẽ vì thế dáng độc đáo trong lúc cưa cây của mình mà mọi người đã dành tặng anh danh hiệu "vua khỉ" miền Tây.
Khi hỏi về biệt danh "vua khỉ" miền Tây, anh Tùng hào hứng nói: "Hồi xưa tôi cũng có học võ chút ít với có lẽ do trời sinh khả năng leo trèo giỏi nên cảm thấy không cây nào là khó khăn cả. Lúc đầu tôi cũng chưa quen lắm khi mọi người gọi tôi là "vua khỉ" nhưng dần dà tôi thấy thích biệt danh này lắm. Giờ đi cưa cây nhiều bà con hay kêu cái tên ấy lắm".
Ông Lê Đình Trung, ngụ xã An Hữu, huyện Cái Bè cho biết, ông hay thuê anh Tùng cưa cây vì anh cưa đốn cây rất đúng ý chủ vườn. Những cây cao như cây sao, cây dầu hầu như không có thợ cưa nào dám nhận nhưng anh Tùng chẳng bao giờ từ chối. Cưa cây, mé nhánh hoặc đốn hạ theo yêu cầu anh Tùng đều xử lý rất nhanh, đôi khi chỉ mất hơn 15 phút anh đã có thể hoàn thành.
Ngoài sở trường cưa cây dừa, anh Tùng còn có thể cưa, đốn hạ rất nhiều cây khác nhau, trong đó có nhiều cây cao đến hơn 30 mét. "Nhiều người khuyên tôi bỏ nghề nhưng nếu nghỉ thì gia đình lấy gì mà sống? Thu nhập từ nghề từ 600 ngàn đến hơn cả triệu đồng một ngày giúp tôi nuôi sống cả nhà 7 người", anh Tùng cho biết.
Trên cơ thể hằn những vết thương cũ mới do tai nạn nghề nghiệp, song anh Tùng luôn nở nụ cười khi nói về cái nghề đã gắn bó mấy chục năm. Công việc dù rất vất vả và nguy hiểm nhưng "vua khỉ" miền Tây chưa nghĩ đến chuyện "về hưu" vì cơm, áo, gạo, tiền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.