Theo sách "Đại Việt thông sử", vào tháng 3/1435 có bảy tên trộm tái phạm tội nhưng tất cả đều còn ít tuổi. Hình Quan chiếu luật mà nói là nên xử chém. Đại Tư Đồ là Lê Sát thấy giết người nhiều quá, lòng lấy làm ngần ngại. Vua đem việc ấy hỏi quan Thừa Chỉ Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi trả lời: Pháp lệnh chẳng thể bằng nhân nghĩa. Điều đó đã quá rõ. Nay một lúc mà giết những bảy người thì e rằng như thế không phải là hành vi của bậc đại đức. Kinh Thi có câu rằng "an như chi" (nghĩa là hãy yên với chỗ đứng của mình). Sách Tả Truyện cũng có câu "tri chỉ nhi hậu hữu định" (nghĩa là phải biết dừng lại rồi mới vững)...
Nhân đây, thần xin cắt nghĩa chữ "chỉ" để bệ hạ nghe: Chỉ có nghĩa là yên với chỗ đứng của mình. Như trong cung là chỗ đứng của bệ hạ. Thi thoảng, bệ hạ có ngự ra nơi khác thì cũng không thể ở đó mãi mà phải trở về trong cung, có thế mới yên chỗ đứng của mình được. Người làm vua đối với nhân nghĩa cũng vậy. Phải coi nhân nghĩa là chỗ đứng của mình. Tuy có lúc ra oai giận dữ, nhưng cũng không thể như thế mãi được, xin bệ hạ lưu ý những lời của thần.
Bấy giờ, Lê Sát mới nói: Ông có nhân nghĩa, ắt có thể cảm hóa được kẻ ác nên người thiện. Xin giao chúng cho ông và phiền ông cảm hóa cho. Nói xong, Lê Sát bèn giao cho Nguyễn Trãi và Phan Thiên Tước nhận những tên tù ấy.
Nghe vậy, Nguyễn Trãi nói: Bọn chúng đều là hạng trẻ con ranh mãnh và rất ương ngạnh. Pháp luật của triều đình còn không trừng trị được, huống hồ chúng tôi đức mỏng. Cảm hóa thế nào được.
Vào tháng 5/1435, nhà vua ở trong cung, vui đùa suồng sã với bọn hầu cận. Các đại thần tâu xin dùng Nguyễn Trãi và Trình Thuần Du, cùng vài ba đại thần nữa, thay phiên nhau vào hầu vua học tập ở tòa Kinh Diên, nhưng nhà vua trả lại tờ tâu, không chấp thuận.
Nhà vua cưỡi voi, cho voi chạy lồng lên khắp cả hậu cung. Khi ấy, nhân có người tiến dâng con hươu rừng, vua liền cho voi chọi nhau với con hươu rừng ấy. Con hươu bị tấn công thì vùng lên, húc bừa vào voi. Voi sợ lùi lại phía sau rồi sa xuống giếng mà chết. Bọn Phan Thiên Tước và Lê Sát có lời can ngăn. Nhà vua lặng im. Và chính sự hoang chơi của nhà vua trẻ tuổi đã tạo cơ hội cho bọn tham quan ô lại ra sức tìm cách đục khoét của dân. Những dấu hiệu nguy hiểm của sự tha hóa ngày một nhiều, khiến cho Nguyễn Trãi càng thêm buồn nản.
Tháng 1/1437, Nguyễn Trãi được lệnh cùng với viên hoạn quan là Lương Đăng soạn nhã nhạc cho triều đình. Sau khi vẽ xong mẫu của chiếc khánh bằng đá, Nguyễn Trãi tâu vua rằng: Thời loạn thì trọng võ, thời bình thì chuộng văn, nay đúng là lúc chuộng văn nên phải chế ra lễ nhạc. Nhưng nếu không có gốc thì không thể đứng vững, nếu chẳng có văn thì không thể lưu hành, mà thái bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc, thần vâng chiếu chỉ mà soạn nhạc, đâu dám không dốc hết sức để mà làm. Chỉ tiếc là sức học nông cạn, sợ trong chỗ thanh luật không được hài hòa. Xin bệ hạ thương yêu và nuôi nấng muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc.
Nhà vua tiếp nhận và khen ngợi, xong sai thợ đá ở huyện Giáp Sơn lấy đá ở núi Kính Chủ để làm khánh. Tháng 5/1437, đến lượt Lương Đăng dâng lời tâu về nhạc. Lời tâu ấy phần nhiều khác hẳn với ý kiến của Nguyễn Trãi. Nhưng Lê Thái Tông, vị vua quá trẻ (lúc này mới lên 14 tuổi) chưa đủ sức để thẩm định sự hay dở và tốt xấu nên đã nghe theo lời của Lương Đăng, bất chấp sự can gián của một loạt quan lại trong triều như Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyền, Nguyễn Liễu và cả Nguyễn Trãi nữa.
Lời bàn về việc vua Lê Thái Tông dùng hoạn quan, bỏ qua đóng góp của Nguyễn Trãi
Về các sử gia của Quốc Sử Quán nhà Nguyễn đã có lời phê rất xác đáng rằng: Để cho hoạn quan và kẻ hầu trong cung tham dự chính sự tất nhiên sẽ có nguy cơ đáng lo ngại. Điều này cần ngăn chặn, không thể để cho nảy nở ngày một lớn. Huống chi, lễ nhạc là việc trọng đại, nước nhà lúc ấy chẳng lẽ đã hết người giỏi hay sao mà lại phải dùng đến bọn hoạn quan như Lương Đăng?
Và không cần phải qua những lời của sử quan triều Nguyễn mà đọc lại lịch sử thời Lê ai cũng thấy rõ quan điểm trái chiều nhau giữa Nguyễn Trãi và Lương Đăng. Với Lương Đăng thì dâng nhạc mới phỏng theo quy chế của nhà Minh cùng thời ở Trung Hoa, còn Nguyễn Trãi thì làm mới trên cơ sở cái cũ mang cốt cách truyền thống dân tộc. Chính vì vậy nên những gì Nguyễn Trãi đưa ra muôn đời được nhớ, những gì Lương Đăng làm mới nhưng mất gốc đã bị tẩy chay và lãng quên. Thế mới hay rằng, khi xưa vì một Lương Đăng mà nhạc cung đình nhà Lê không được xây dựng vững chắc. Ngày nay, trong quá trình xây dựng và phát triển nền âm nhạc của nước nhà, chúng ta cũng phải tránh để đừng có những "Lương Đăng" vọng ngoại và coi thường nhạc cổ truyền Việt Nam. Vì có như vậy thì nhạc Việt mới trường tồn cùng dân tộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.