Vựa lúa ĐBSCL mất 19 triệu tấn phù sa/năm

Chủ nhật, ngày 16/01/2011 11:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm 14-1, tại TP Cần Thơ, Ủy ban Sông Mekong Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học trước việc nước Lào dự định xây dựng đập Xayaburi trên sông Mekong.
Bình luận 0

Thông tin sơ sài

Đập tràn Xayaburi nằm trên lãnh thổ của Lào, ước tính cách ranh giới vùng ĐBSCL của Việt Nam 1.930km. Theo thiết kế, sản lượng điện sản xuất vào khoảng 6.035 GWh/năm và đập sẽ xây dựng trong 8 năm, tức hoàn thành vào năm 2019. Khả năng tích nước của con đập này khoảng 225 triệu m3 và khả năng xả nước lên đến 47.500m3/giây.

Theo đánh giá của Ủy ban Sông Mekong Việt Nam, hồ sơ của phía Lào gửi đến (tháng 9-2010) đã tuân thủ hướng dẫn thiết kế của Ủy ban Sông Mekong quốc tế, theo đó có thiết kế đường cá đi; giải pháp vận chuyển phù sa, bùn cát; đảm bảo giao thông thủy… Tuy nhiên, công trình vẫn thiếu thông tin chi tiết về kỹ thuật và đánh giá tác động.

img
 

Đồng thời, gần như toàn bộ thông tin mà phía Lào cung cấp đều quá sơ sài, thậm chí một số yêu cầu như xem xét dòng chảy môi trường và tác động đến các hệ sinh thái thượng- hạ lưu đập… hoàn toàn không có.

Một số thông tin mà các chuyên gia quốc tế trước giờ rất quan tâm đối với các con đập trên dòng chính Mekong là cách vận hành, đánh giá tác động đến thủy sản, dòng chảy, phù sa… đều không được phía Lào cung cấp đầy đủ! Trước mắt, phía Ủy ban Sông Mekong đã yêu cầu phía Lào bổ sung.

Lo lắng cho Mekong

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai, vào những năm 1970, Thái Lan đã dự định xây dựng một con đập thủy điện trên dòng sông Mekong, nhưng do các nước trong khu vực phản đối nên phải hủy kế hoạch. Còn với đập Xayaburi, dự kiến ngày 22-4-2011 sẽ có quyết định cuối cùng và nếu Ủy ban Sông Mekong quốc tế không đồng ý, theo một chuyên gia về môi trường ở ĐBSCL: “Phía Lào cũng không thể tiến hành xây dựng được”.

Nhưng dù những thông tin ấy có đầy đủ bao nhiêu đi nữa, theo ông Nguyễn Thái Lai - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, kiêm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Sông Mekong Việt Nam: “Rất đáng lo ngại!”. Theo ông Lai, Mekong sẽ không còn là dòng sông chảy tự nhiên mà phải qua các hồ chứa thủy điện của các con đập.

Các quốc gia phía hạ lưu, ở nhiều thời điểm khi cần sẽ không có nước và ngược lại, bởi việc xả hay tích nước là ngoài tầm kiểm soát. “Nếu Lào xây dựng được thì Campuchia, Thái Lan cũng sẽ xây dựng được” - ông Lai nói.

Hiện nay, ngoài 8 đập thủy điện đã và đang xây dựng tại Trung Quốc, các nước Lào, Thái Lan và Campuchia còn lên kế hoạch xây dựng 11 con đập, trong đó mới nhất là đập Xayaburi.

Theo ông Hà Thanh Toàn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ: “Gần đây dư luận Thái Lan đã tỏ rõ thái độ không đồng tình với việc xây dựng đập Xayaburi, còn Ngân hàng Thế giới cũng tuyên bố không tài trợ cho các dự án xây dựng đập trên dòng chính sông Mekong”.

Về phía Việt Nam, theo ông Lai, mọi ý kiến từ các nhà khoa học… sẽ được tổng hợp, báo cáo Chính phủ để có góp ý chính thức cho Ủy ban Sông Mekong quốc tế, Chính phủ Lào về con đập này.

Mất mát lớn

Theo kết quả đánh giá “Môi trường chiến lược thủy điện dòng chính sông Mekong “do Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (Úc) thực hiện từ tháng 6- 2009 đến tháng 7- 2010, tổng lượng phù sa của sông Mekong (khoảng 160- 165 triệu tấn/năm) sẽ giảm 50% do các hồ chứa của Trung Quốc và thêm 25% do 11 con đập mới.

Và vùng ĐBSCL của Việt Nam, thay vì đón khoảng 26 triệu tấn phù sa/năm thì tương lai sẽ chỉ còn 7 triệu tấn/năm (mất 19 triệu tấn/năm), lượng chất dinh dưỡng cũng giảm từ 4.157 xuống còn 1.039 tấn/năm.

Đáng lo hơn là các con đập sẽ làm mất hầu hết môi trường sống thủy sinh tự nhiên, làm giảm 12- 27% năng lực tái sinh của hệ thủy sinh. Đồng thời, tổng lượng thủy sản cũng giảm từ 0,55- 0,9 triệu tấn/năm, trong đó có 0,34 triệu tấn bị giảm do thủy điện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem