Trong căn nhà 2 tầng khang trang nằm ngay cạnh con đường liên thôn, ông Sỹ (SN 1960) phân bua về những lần thất hẹn với chúng tôi: Do đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch mía, tôi phải lo đi thuê nhân công, rồi chăm sóc sắn... nên suốt ngày hết trên rẫy lại ở ngoài đường.
|
Ông Sỹ kiểm tra khu trồng mía. |
Mới khởi nghiệp đã ôm đống nợ
Ông Sỹ kể: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại nước bạn Campuchia trở về năm 1981, ông lập gia đình, với gia tài được cha mẹ chia là khoảng 3 sào đất trồng lúa và hoa màu. Dù làm lụng vất vả nhưng suốt 7 năm sau đó, kinh tế gia đình cũng chỉ đủ ăn. Nếu chỉ dựa vào số đất đã có thì không biết đến bao giờ mới khá lên được, vì vậy năm 1998, ông quyết định “liều mình” bằng cách liên hệ qua Công ty Đường Quảng Ngãi để được ngân hàng cho vay 5 triệu đồng. Có tiền, ông lên núi Đá Đen gần đó khai hoang khoảng 1ha và đầu tư trồng mía. Kinh nghiệm chưa nhiều, trời nắng hạn, lại thêm nạn heo rừng tàn phá... nên vụ mía năm đó thất bại, toàn bộ số tiền vay mượn mất trắng.
Không từ bỏ ý định làm giàu từ cây mía, nhưng ông nhận thấy nếu tiếp tục đầu tư và bám trụ tại khu vực này thì rất khó thành công. Sau khi tìm hiểu, ông Sỹ quyết định chuyển hướng lên khu vực đồi núi ở làng Bái, xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ để làm lại. Với số tiền hơn 3 triệu đồng vay mượn của người thân, ông đầu tư trồng khoảng 2ha mía. Vụ thu hoạch năm đó, tuy lợi nhuận thu về chỉ mang tính tượng trưng, thế nhưng cũng đủ để ông nhận ra rằng mình đã chọn đúng nơi.
Lợi nhuận tính bằng... chục cây vàng
“Với sản lượng mía từ 600-750 tấn/vụ suốt nhiều năm qua, ông Sỹ là một trong những hộ trồng mía có lượng mía bán cho nhà máy đứng vào hàng nhất, nhì ở Quảng Ngãi”.
Ông Tạ Công Tường
Để có thể dốc toàn tâm, toàn ý vào việc làm giàu, ông Sỹ đưa cả gia đình lên làng Bái bám trụ. Cần mẫn khai hoang cộng với số tiền lãi từ tiệm tạp hóa của gia đình, ông mua lại số đất mà người dân trong vùng bỏ không sản xuất, để mở rộng diện tích trồng mía. Từ 2ha ban đầu tăng lên 4ha, rồi 7ha và đến năm 2007, diện tích mía của ông đã đạt đến con số 15ha, với tổng sản lượng mía thu hoạch từ 650-750 tấn/năm. Trừ chi phí, cây mía đã mang lại cho ông lợi nhuận trên 300 triệu đồng/vụ.
Ông Tạ Công Tường - Phó Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi cho biết: Với sản lượng mía từ 600-750 tấn/vụ suốt nhiều năm qua, ông Sỹ là một trong những hộ gia đình có sản lượng mía bán cho nhà máy đứng vào hàng nhất, nhì ở Quảng Ngãi. Nhẩm tính vào thời điểm năm 2005, giá vàng khoảng 7,5 triệu đồng/cây, nếu tiền bán mía của ông Sỹ đem mua vàng thì được gần 40 cây vàng.
Năm 2005, ông Sỹ mua chiếc xe tải khoảng 100 triệu đồng để chở mía cho gia đình; đồng thời xây ngôi nhà 2 tầng trị giá 540 triệu đồng, to nhất nhì ở quê nhà Phổ Nhơn và đưa gia đình về quê sinh sống. Từ năm 2008 đến nay, do giá mía trên thị trường có nhiều biến động, nên ông Sỹ đã giảm dần diện tích canh tác mía xuống còn khoảng 8ha; đồng thời đầu tư trồng cây nguyên liệu, keo và bạch đàn khoảng 6ha, còn lại là trồng sắn, ngoài ra ông nuôi gần 10 con bò lai Sind. Những năm gần đây, từ các cây trồng trên, mỗi năm ông thu về 250-300 triệu đồng/năm. Hàng năm ông còn tạo công ăn việc làm (cả thường xuyên và thời vụ) cho trên 1.500 lượt lao động ở địa phương và vùng lân cận, với tiền công từ 100.000-120.000 đồng/người/ngày.
Công Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.