Vua Phổ Nghi bóc trần sự thật khổ sở về cuộc sống trong Tử Cấm Thành

Thứ năm, ngày 29/08/2019 14:32 PM (GMT+7)
Chính thói quen ăn uống kỳ lạ này đã khiến không ít hậu duệ của hoàng tộc nhà Thanh sở hữu thân thể yếu ớt, mắc nhiều bệnh tật hay thậm chí yểu mệnh.
Bình luận 0

Ái Tân Giác La Phổ Nghi (1906 - 1967) là vị Hoàng đế cuối cùng của vương triều Mãn Thanh nói riêng và Trung Hoa phong kiến nói chung. Ông sinh ra tại phủ Thuần Thân vương, được đưa vào Tử Cấm Thành khi chưa tròn 3 tuổi.

Sở hữu xuất thân hiển hách lại thêm tư cách là người kế vị của vương triều, hậu thế vẫn thường nghĩ rằng Phổ Nghi sẽ được hưởng thụ cuộc sống cẩm y ngọc thực, hoặc chí ít cũng không bao giờ phải lo lắng tới chuyện cơm ăn áo mặc.

Thế nhưng trong cuốn tự truyện mang tên "Nửa đời trước của ta", vị Hoàng đế này đã tiết lộ sự thật khó tin về cuộc sống không như là mơ nơi hoàng cung: Thực tế, trong những năm tháng thiếu thời ở tại Tử Cấm Thành, ông thường xuyên phải chịu cảnh đói bụng, ngay tới một bữa no cũng là điều xa vời.

Vậy đâu là lý do khiến vị Hoàng đế của cả một vương triều ấy lại phải sống trong cảnh "bóp mồm bóp miệng"?

Hồi ức đau lòng của Phổ Nghi về những năm tháng không một bữa no bên trong Tử Cấm Thành

img

Chân dung vua Phổ Nghi khi còn trẻ (bên phải) và lúc về già. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Về những năm tháng thiếu thời sống trong cảnh không một bữa no, Phổ Nghi đã từng miêu tả trong cuốn tự truyện "Nửa đời trước của ta" bằng những lời lẽ như sau:

"Mặc dù ta ngày ngày đều đói bụng, nhưng cũng chẳng có ai quan tâm. Ta nhớ có một hôm đi Trung Nam Hải, Thái hậu cho người cầm tới bánh bao để làm mồi cho cá. Ta nhất thời không kìm chế được, liền đem bánh bao nhét vào miệng mình mà ăn.

Thế nhưng cái đói của ta chẳng những không làm cho Long Dụ tỉnh ngộ mà còn khiến bà càng thêm quản lý nghiêm khắc".

Từ những câu chữ này, không khó để nhận thấy Phổ Nghi đã phải lớn lên trong cảnh thiếu ăn tới mức "bụng đói vơ quàng". Thậm chí ngay đến mồi cho cá cũng khiến ông không thể kìm lòng mà nuốt xuống.

Không chỉ dừng lại ở đó, vị Hoàng đế này còn tâm sự thêm:

"Có một ngày, các vương phủ đưa tới cống phẩm cho Thái hậu, dừng ở Tây Trường, bị ta nhìn thấy. Ta dựa vào một loại bản năng, chạy thẳng tới chỗ chiếc hộp đựng thức ăn trong số đó, mở nắp ra nhìn một cái, trong hộp đựng đầy giò muối, ta vừa cầm lên một miếng liền vội cắn…".

Một lần là nhét mồi cho cá vào miệng, một lần là vội cắn miếng giò trong số cống phẩm, từ những cảnh tượng ấy, có thể thấy Phổ Nghi dù rằng lớn lên trong hoàng cung nhưng lại chẳng có lấy một bữa no, lúc nào cũng thèm khát đồ ăn.

Những điều này quả thực là điều mà hậu thế khó có thể tưởng tượng. Bởi Hoàng đế thường được ví như người ngồi trên núi vàng núi bạc của thiên hạ, còn hoàng cung chính là nơi không thiếu mọi của ngon vật lạ trên đời, vậy tại sao một vị vua đang tuổi ăn tuổi lớn như Phổ Nghi lại lớn lên trong cảnh đói khát?

Luật ngầm trên phương diện ăn uống khiến hoàng tộc nhà Thanh phải "bóp mồm bóp miệng"

img

Mặc dù thường xuyên được dùng ngự thiện với không ít các món sơn hào hải vị, nhưng hoàng tộc nhà Thanh chẳng mấy khi được thưởng thức hết những món ăn ấy. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Thực tế, nguyên nhân khiến Phổ Nghi cũng như nhiều hậu duệ khác trong hoàng tộc luôn không có được một bữa no vốn bắt nguồn từ một tập quán lâu đời của Thanh triều.

Hoàng cung vốn là nơi không thiếu sơn hào hải vị, tuy nhiên chính vì lượng thức ăn quá phong phú, hoàng thất mới cần để cho các hoàng tử tiết chế ăn uống, vì họ cho rằng giữ bụng đói mới là cách để bảo vệ sức khỏe.

Đây vốn là thứ được hoàng tộc nhà Thanh gọi bằng cái tên "dục nhi chi đạo", nghĩa là cái đạo nuôi dưỡng con trẻ.

Bởi vì Mãn tộc trước kia theo lối sống du mục, kiểu sống này chi phối rất nhiều tới tập quán cũng như quan niệm về ăn uống, dưỡng sinh của họ.

Trong suy nghĩ của những người thuộc bộ tộc này, ăn no chẳng bằng "tịnh ngã". Theo đó họ tin rằng để bụng đói sẽ giúp cơ thể thanh sạch, từ đó khiến cho thân thể ngày càng khỏe mạnh, ít mắc bệnh tật.

Quan niệm trên cũng được nhà hoàng tộc nhà Thanh duy trì sau khi đã làm chủ Trung Nguyên, từ đó coi việc ăn ít là đảm bảo sức khỏe, cũng lấy tiết chế ăn uống làm đầu trong quá trình nuôi dạy con trẻ.

Vì vậy, hoàng thất nhà Thanh từ sớm đã hình thành một quy luật bất thành văn: Trẻ nhỏ không được ăn nhiều, thậm chí còn có khi cố ý bị bỏ đói. "Luật rừng" nói trên đến cuối thời nhà Thanh thì đã đạt đến trình độ cao nhất, mà Phổ Nghi với thuở thiếu thời chẳng có lấy một bữa no chính là minh chứng cho điều này.

img

Chính thuở thiếu thời luôn phải "bóp mồm bóp miệng" trong việc ăn uống đã khiến Phổ Nghi suy nhược và mắc nhiều bệnh tật khi trưởng thành. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Năm xưa, bản thân Phổ Nghi từng có một lần phải ăn hạt dẻ để chống đói, không ngờ lại bị Long Dụ Thái hậu phát hiện.

Bà liền hạ lệnh hủy bỏ toàn bộ ngự thiện trong ngày, lấy cháo cho Hoàng đế dùng thay bữa chính, nhưng ngay tới lượng cháo cũng bị khống chế nghiêm khắc, tóm lại không được phép để nhà vua ăn no.

Không chỉ Phổ Nghi, người tiền nhiệm là Quang Tự đế cũng trải qua những năm tháng thiếu thời không lấy gì làm khá hơn.

Quang Tự khi còn bé đã được Từ Hi dạy dỗ rất nghiêm, nhất là trên phương diện ăn uống. Từ năm nhà vua lên 10 tuổi, vì bữa chính không được ăn no nên chưa tới giờ cơm đã thấy đói, Quang Tự vì vậy mà thường xuyên tới phòng thái giám tìm bánh bao lót dạ.

Thế nhưng "tịnh ngã" dường như cũng không mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của hoàng tộc nhà Thanh. Bằng chứng là sau nhiều năm lớn lên trong hoàng cung, Phổ Nghi khi trưởng thành vẫn luôn phải sống chung với căn bệnh dạ dày, mà nguyên nhân chủ yếu là những bữa ăn không đủ no từ khi còn nhỏ.

Không chỉ vậy, đa số các học giả hiện đại đều cho rằng, hầu hết các vị vua cuối thời nhà Thanh đều sở hữu thân thể yếu ớt vốn là do thói quen tiết chế ăn uống từ thuở thiếu thời. Đây rất có thể cũng là một trong những nguyên nhân trọng yếu khiến họ không chỉ mắc nhiều bệnh tật mà còn bị rút ngắn tuổi thọ.

PV (Trí Thức Trẻ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem