Kể từ khi bộ phim “The Lion King” (Vua sư tử - 1994) ra mắt cách đây hơn 20 năm, phim đã luôn được xem là một trong những thành công lớn nhất của hãng Disney. Tuy vậy, đây cũng là bộ phim gây tranh cãi nhiều nhất khi từng bị phủ bóng đen vì nghi án “đạo ý tưởng”.
Cảnh trong phim "Sư tử trắng Kimba"
Một cuộc tranh cãi lớn đã từng nổ ra sau khi “Vua sư tử” ra mắt, nhiều người cho rằng phim đã tiếp thu ý tưởng từ bộ phim hoạt hình của Nhật có tên “Kimba, the White Lion” (Sư tử trắng Kimba - bộ phim hoạt hình từng lên sóng truyền hình Nhật hồi thập niên 1960).
Ê-kíp làm phim “Vua sư tử” từ trước đến nay luôn phủ nhận chuyện “đạo ý tưởng”. Họa sĩ Tom Sito - một thành viên trong ê-kíp năm xưa đã chia sẻ rằng: “Chắc chắn không có chuyện lấy ý tưởng từ Sư tử trắng Kimba, ê-kíp thực hiện Vua sư tử trưởng thành ở thập niên 1960, vì vậy, các thành viên có thể đã xem Sư tử trắng Kimba. Bản thân tôi cũng đã xem, nhưng không ai trong chúng tôi từng có ý nghĩ sao chép từ Kimba”.
Sau những bộ phim hoạt hình kinh điển như “The Little Mermaid” (Nàng tiên cá - 1989), “Beauty and the Beast” (Người đẹp và quái vật - 1991), “Aladdin” (1992), thì “The Lion King” (Vua sư tử - 1994) được coi là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Disney không kể lại một câu chuyện cổ tích đã từng được khán giả biết đến trước đó.
Trước nay, nhà sản xuất của “Vua sư tử” luôn nói rằng phim lấy cảm hứng từ vở kịch “Hamlet” của Shakespeare và không bao giờ thừa nhận chuyện có bất cứ sự tiếp thu ý tưởng nào từ “Sư tử trắng Kimba”.
Nhiều người từng bị sốc trước sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa bộ phim hoạt hình “Sư tử trắng Kimba” của hãng Tezuka (Nhật) và bộ phim “Vua sư tử” của hãng Disney (Mỹ).
Cả hai phim cùng kể về cuộc sống thiên nhiên hoang dã ở Châu Phi, về một chú sư tử con gặp nhiều bất hạnh khi cha mẹ sớm qua đời, nhưng bằng thực lực của mình, chú đã trở về ngôi vị xứng đáng của một vị chúa tể rừng xanh bất chấp sự hãm hại của kẻ thù. Cuối cùng, chú sư tử con trưởng thành, thiết lập lại trật tự yên bình chốn rừng xanh và tìm được hạnh phúc của riêng mình.
Bộ phim “Sư tử trắng Kimba” đã lên sóng tại Nhật hồi thập niên 1960 và sau đó được chiếu tại nhiều nước khác trên thế giới (trong đó có Mỹ). Phim dựa trên bộ truyện tranh “Chúa tể rừng xanh” của họa sĩ người Nhật Osamu Tezuka.
Đương thời, ngay khi những nghi án “đạo ý tưởng” dấy lên, Disney và ê-kíp sản xuất đã nhanh chóng phủ nhận những nghi vấn này.
Việc Disney hoàn toàn phủ nhận việc có bất cứ sự “tiếp thu” nào từ bộ phim hoạt hình “Sư tử trắng Kimba” đã từng dẫn đến nhiều đơn từ khiếu nại và sự phản ứng từ những nhà làm phim hoạt hình cũng như những người hâm mộ loạt phim “Sư tử trắng Kimba”.
Bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Mỹ - “The Simpsons” (Gia đình Simpson) - thậm chí còn từng châm biếm vụ lùm xùm này trong một tập phim chiếu năm 1995, trong đó có cảnh một chú sư tử xuất hiện trên những đám mây và nói vọng xuống: “Con phải trả thù cho cái chết của ta, Kimba… À quên, Simba”.
Disney luôn một mực phủ nhận mối liên hệ giữa Simba (nhân vật chính trong “Vua sư tử”) và Kimba (nhân vật chính trong “Sư tử trắng Kimba”). Tuy vậy, có lần, nam diễn viên Matthew Broderick - người lồng tiếng cho nhân vật Simba - đã thú nhận rằng ban đầu anh rất bối rối về nhân vật của mình: “Tôi đã nghĩ tôi được mời lồng tiếng cho Kimba - chú sư tử trắng trong bộ phim hoạt hình mà tôi đã xem khi còn bé”.
Thực tế, hai bộ phim có những hướng đi khác nhau, “Vua sư tử” khai thác mối quan hệ giữa những loài động vật sống trong rừng già Châu Phi, còn “Sư tử trắng Kimba” nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa con người và động vật. Tuy vậy, hai bộ phim vẫn có khá nhiều sự tương đồng ngay cả về mặt hình ảnh.
Cảnh chúa tể rừng xanh đứng kiêu hãnh trên mỏm núi xuất hiện trong cả hai phim
Simba và Kimba đều từng tưởng tượng nhìn thấy cha trên bầu trời
Từ hình ảnh những chú sư tử đứng trên mỏm đá đầy kiêu hãnh cho tới cảnh sư tử cha xuất hiện trong những đám mây… Hay như tên hai nhân vật chính của hai phim cũng khá giống nhau - Kimba và Simba.
Một số nhân vật trong "Sư tử trắng Kimba" và "Vua sư tử"
Nhân vật phụ trong cả hai phim cũng rất giống nhau, từ khỉ đầu chó uyên bác, linh cẩu vụng về, đến cô sư tử cái xinh đẹp, hay nhân vật sư tử phản diện…
Theo họa sĩ Tom Sito, ê-kíp làm phim “Vua sư tử” chỉ biết về sự tương đồng giữa hai bộ phim khi quá trình sản xuất đã đi được hơn một nửa chặng đường, tuy vậy, ê-kíp sản xuất chỉ cho rằng đó là một sự tình cờ ngẫu nhiên: “Khi bạn làm phim về sư tử, thì bối cảnh, nhân vật có sự tương đồng là điều không thể tránh khỏi”.
Hãng phim Tezuka Productions của Nhật ngay từ đầu đã đồng ý với quan điểm của họa sĩ Tom Sito. Năm 1994, trong một cuộc phỏng vấn, ông chủ tịch của hãng phim Tezuka đã hóm hỉnh bình luận rằng: “Nếu ngài chủ tịch quá cố Osamu Tezuka của chúng tôi nghĩ rằng Disney đã lấy cảm hứng từ bộ truyện và bộ phim của ông để làm nên Vua sư tử, hẳn ông sẽ rất vui lòng”.
Simba và Kimba
Sinh thời, họa sĩ Osamu Tezuka - tác giả của bộ truyện và sau này là bộ phim “Sư tử trắng Kimba” - từng rất thích bộ phim hoạt hình “Chú nai Bambi” (1942) của Disney và chia sẻ rằng ông đã lấy cảm hứng từ chú nai Bambi để xây dựng nên câu chuyện về sư tử trắng Kimba, về sau, Disney cũng khẳng định rằng “Vua sư tử” lấy cảm hứng từ Bambi, vì vậy, việc hai bộ phim có sự tương đồng là hoàn toàn… dễ hiểu.
(Theo Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.