Cần Đước (Long An): “Lúa ma” tràn đồng

Thứ năm, ngày 28/10/2010 17:15 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng chục ngàn nông dân huyện Cần Đước (Long An) đang điêu đứng vì lúa ma mọc đầy ruộng. Chỗ nào ít thì lúa ma chiếm 20%, có nhiều diện tích lúa ma chiếm đến 50%. Theo tính toán của nhiều nông dân, lúa ma bùng phát làm họ bị lỗ nặng.
Bình luận 0
img
Nông dân Trần Văn Điệp chỉ cho phóng viên xem nhánh lúa ma chưa kịp thu hoạch đã rụng sạch hạt. Ảnh: Hữu Danh

Dọc theo các cánh đồng của huyện Cần Đước đâu đâu cũng thấy lúa ma mọc chen với lúa thường.

Lúa ma chiếm... 50% ruộng

Dẫn chúng tôi đi thăm đám ruộng chuẩn bị thu hoạch, ông Trần Văn Điệp ngụ ấp 1, xã Phước Đông than thở: “Gia đình tui làm 7 công đất (0,7ha) lúa, mỗi năm 2 vụ. Vùng này năng suất khoảng 6 tấn/ha. Gieo xong, lúc lúa lên xanh tui phát hiện “lúa lạ” mọc chen đầy ruộng. Giống lúa này lạ lắm, thân ốm mà màu lại nhạt, lá lúa nhọn và cao hơn lúa thường cả gang tay. Tui phải thuê hàng chục nhân công nhổ chất đống trên bờ ruộng nhưng vẫn không xuể. Ước tính vụ này đám ruộng nhà tui có 40% diện tích bị nhiễm lúa ma”.

Ngay cạnh ruộng ông Điệp, ông Lê Văn Út có 1,2ha ruộng bị nhiễm lúa ma với tỷ lệ khoảng 30%. Ruộng nhà bà Lê Thị Tiến, ông Nguyễn Văn Diệp, Phạm Văn Trúc... cũng bị lúa ma tấn công với tỷ lệ nhiễm khoảng 40%.

Cây lúa ma có thời gian sinh trưởng ngắn hơn lúa thường, khi còn cách ngày thu hoạch chừng 1 tuần thì hạt lúa tự nhiên rụng xuống đầy đất... Lúa ma thân gầy bằng 8/10 lúa thường, thân màu nhạt và cao hơn lúa thường 2 - 3 tấc. Hạt lúa ma bám rất yếu vào bông, chỉ cần gió thổi nhẹ hạt cũng tự rụng.

Ở Cần Đước, diện tích bị nhiễm lúa ma nhiều nhất tập trung ở xã Phước Đông (từ 40 - 50%). Hầu hết các xã còn lại cũng bị nhiễm với tỷ lệ trên dưới 30%. Ông Chung Văn Cung, Lê Văn Đực (ấp Nhà Dài, xã Tân Lân) lâu nay nổi tiếng làm ruộng kỹ lưỡng vẫn bị thiệt hại bởi lúa ma.

Thiệt hại kép

Theo ông Trần Văn Điệp, cây lúa ma sinh trưởng rất mạnh, bản thân hạt gạo của lúa ma không khác gì lúa thường. Tuy nhiên, hạt lúa ma rất yếu, khi gần chín chỉ cần gió thổi hạt cũng tự rụng. Do đó, lúa chín thì nông dân chỉ thu hoạch được rơm, trong khi hạt lúa đã rơi hết xuống đất. Do cây lúa ma cao hơn lúa thường 2 - 3 tấc nên làm cây lúa thường bị thiếu nắng, khiến tỷ lệ lép ở cây lúa thường rất cao.

Cũng theo ông Điệp, nhiều hộ dân đã có cách “trị” lúa rụng bằng việc thu hoạch sớm khoảng 5 ngày. Cách làm này có thể thu được một phần lúa ma, tuy nhiên ở thời điểm này lúa thường vẫn chưa chắc hạt. Tính toán của bà con nông dân, dù đã tốn nhiều tiền nhổ lúa ma (mỗi ha cần 30 - 40 nhân công) những vẫn không nhổ xuể, năng suất lúa vụ này giảm khoảng 40% (3,5-4 tấn/ha), nên nông dân không chỉ lỗ công mà còn lỗ luôn cả vốn. “Hạt lúa ma rơi đầy xuống đất, tui sợ vụ tới lúa ma còn mọc nhiều hơn nữa” - ông Điệp lo lắng...

Ông Nguyễn Văn Bảy -Trưởng trạm BVTV huyện Cần Đước xác nhận, nông dân Cần Đước hầu hết đều sử dụng giống xác nhận trong vụ lúa này nhưng cả huyện vẫn bị nhiễm lúa ma. Ngay cả ruộng nhà ông dù làm đúng kỹ thuật canh tác vẫn bị thiệt hại khoảng 1/3 năng suất.

Theo ông Bảy, hạt lúa ma ở Cần Đước năm nào cũng có trong đất chứ không phải mới xuất hiện mùa này. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết khô hạn kéo dài nên hạt lúa từ tầng dưới bị bung lên hết. “Vụ tới nếu diện tích nào chủ động được nguồn nước thì nên bơm đầy ruộng để hạt lúa ma không có điều kiện nảy mầm.

Nếu thiếu nước thì sau khi làm đất xong, đợi lúa ma mọc khoảng chừng 1 tuần bà con hãy mua các loại thuốc phun cho cháy sạch lúa ma rồi hãy gieo sạ” - ông Bảy khuyến cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem