Vui buồn đời "Mai-cồ" và nghề sống nhờ đêm, quán nhậu

Chủ nhật, ngày 28/10/2012 06:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có mấy ai biết được đằng sau những bước nhảy vui nhộn, tiếng hát thênh thang, nụ cười toe toét là những cuộc đời nhọc nhằn, cơ cực, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt...
Bình luận 0

Cuối tuần, “rửa” bút với mấy anh em ở quán 404 (436, Nguyễn Thị Thập, phường Tân Quy, quận 7). Vừa kéo ghế chưa kịp ngồi thì nghe ông khách ở bàn cạnh bên cao hứng: “Nay vui thế này phải chi có thằng Mai-cồ kẹo kéo nhảy coi chơi!”. Trò giải trí ngắn hạn mua vui chốc lát cho những kẻ đã ngà ngà say ấy cũng chính là nghề mưu sinh của biết bao con người.

Có mấy ai biết được đằng sau những bước nhảy vui nhộn, tiếng hát thênh thang, nụ cười toe toét là những cuộc đời nhọc nhằn, cơ cực, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt.

Mai-cồ kẹo kéo và những bước nhảy trên đường phố

Những ai hay ngồi quán đêm, đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe kẹo kéo với những bản nhạc xập xình, tân thời rong ruổi trên khắp địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, thời huy hoàng của kẹo kéo với dăm ba bản nhạc trẻ đã khiến những “thượng đế” quán nhậu chóng chán.

Để kiếm chén cơm, người bán kẹo cũng phải nghĩ ra các chiêu trò để thay đổi khẩu vị cho thực khách. Trong đó, rộ lên phong trào nhảy điệu Mai-cồ của các nam thanh niên làm nghề này.

img
Mai-cồ Điền và bước nhảy độc đáo

Họ không những “bắt chước” điệu nhảy mà còn diện trang phục, xoắn tóc và có điệu bộ y hệt ông vua nhạc pop Mai-cồ Giắc-xơn (Michael Jackson). Vì thế, các đệ tử lưu linh đặt cho họ cái biệt danh gắn liền với nghề nghiệp: “Mai-cồ kẹo kéo”.

Sài Gòn hiện có khá đông thanh niên làm nghề kẹo kéo theo hình thức này, mỗi người có một địa phận riêng và theo đó họ cũng được gắn cái nick-name Mai-cồ phía trước tên thật, như Mai-cồ Điền, Mai-cồ Nhã, Mai-cồ Bi (quận 7), Mai-cồ Tràm (quận Gò Vấp)…

Theo tìm hiểu của tôi, và cũng theo lời ông Trần Vương Long, một trong những tay “bầu” kẹo kéo làm nghề lâu năm và có tiếng ở Sài Gòn, điệu nhảy Mai-cồ này manh nha từ năm 2009. Và người khởi xướng nó, không ai khác chính là Mai-cồ Điền, “đệ tử” ruột của ông Long.

“Nghe mọi người gọi em là Mai-cồ kẹo kéo, vừa tự hào, vừa ngại… vì mọi người yêu quý mình mới đặt cho cái tên ấy, còn ông Mai-cồ là vua nhạc pop, bước nhảy đẹp quá trời, em chỉ học lỏm mấy bước cơ bản thôi, rồi tự chế thêm chớ có làm được như ổng đâu mà dám mượn tên ổng”, Mai-cồ Điền thổ lộ.

img

Mai-cồ Điền tên thật là Hồ Thanh Điền, 29 tuổi, quê ở xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, mà chẳng có bao nhiêu ruộng vườn, nên năm 15 tuổi Điền bỏ học lên TP.HCM với hy vọng có thể làm gì đó kiếm tiền, thay đổi cuộc đời. Sau hơn hai năm lăn lộn khắp các bến xe, ga tàu với đủ nghề lận lưng đắp đổi qua ngày: bán vé số, bán kem dạo… Điền bắt đầu thấy nguôi hy vọng.

Cơ duyên đẩy đưa, một lần Điền gặp xe kẹo kéo đi hát, bèn xin hát thử một bài góp vui. Thấy Điền có chất giọng khỏe lại mê ca hát, hoàn cảnh cơ cực nhưng có chí làm ăn nên anh Phạm Hoàng Thắng (còn gọi là Hải, chủ xe kẹo kéo) bèn rủ Điền theo nghề. Khoái chí vì thỏa ước vọng được ca hát, Điền gật đầu cái rụp và gắn bó với nghề kẹo kéo cho đến nay. “Mê hát và hát sung vậy chứ lúc đầu vô nghề hát thấy… ngán, vì chưa quen.

Mà kẹo kéo lúc ấy bán ngày, bán đêm mới có tiền (mỗi cây kẹo lúc ấy có giá 1 ngàn đồng, bán được 100 ngàn thì Điền được 20 ngàn), vừa hát, vừa chạy, một ngày có khi hát tới ba bốn chục bài, rồi còn phải học cách dựng thùng kẹo, không nó ngã lăn đùng ra, hư loa, hư máy thì khổ, rồi cách mời kẹo thế nào để người ta mua nữa”, Điền nhớ lại những ngày đầu theo nghề.

Vốn chỉ là nghề đắp đổi qua ngày nên năm 2003 (sau khoảng 2 năm Điền theo nghề), anh Hải “giải nghệ”. Điền về với “bầu” Long từ đó. Thoạt nhìn, đây có vẻ là nghề dễ kiếm ăn nên số người ra nghề kẹo kéo ngày càng đông. Theo ông Long, hiện TP.HCM có hơn hai mươi “bầu” kẹo kéo, mỗi “bầu” có từ vài thùng đến chẵn chục, còn người có thùng riêng thì lên đến cả trăm với đủ cách làm ăn khác nhau.

Trước đây, Điền hay hát những bản nhạc của Đàm Vĩnh Hưng. Năm 2009, khi vua nhạc pop Mai-cồ Giắc-xơn qua đời, báo đài đưa tin ồ ạt, Điền bắt đầu biết đến Mai-cồ Giắc-xơn và bước nhảy “đi bộ trên mặt trăng” độc đáo.

Bị bước nhảy đẹp hút hồn, Điền vô cùng thán phục và ngưỡng mộ Mai-cồ Giắc-xơn. Ý nghĩ tập nhảy cho giống với thần tượng lóe lên trong đầu Điền. Đem suy nghĩ ấy kể với người bạn tên Nhã, họ quyết tâm học nhảy điệu Mai-cồ để diễn khi… bán kẹo kéo. “Em có biết tiếng Anh, tiếng Tây gì đâu, biết mỗi Beat it và bài số 66 (nhạc của Mai-cồ Giắc-xơn) lưu sẵn trong usb, bật lên là cứ theo điệu nhạc mà nhảy!”, Điền chân thật chia sẻ.

Sau ba tháng mày mò, mòn hết cả chục đôi giày, Điền và Nhã bắt đầu bước nhảy kẹo kéo. Điền bồi hồi nhớ lại: “Ngày đầu ra nhảy, em ngại và lo lắm. Không dám nghĩ nó sẽ thế nào. Hên là được mọi người ủng hộ nên em thấy thêm tự tin rồi quen dần. Vì nhảy trên đường nhựa, có khi nhảy trên đá lởm chởm nên mang giày si-đa, một đêm đi bốn, năm điểm là banh đôi giày! Còn giày thể dục tốt hơn chút thì được khoảng bốn, năm ngày”, Điền cười hền hệt kể.

Nghề sống nhờ đêm, thời tiết và… quán nhậu

Hôm nào thời tiết đẹp, cứ tầm 6 giờ 30 đến 7 giờ tối, trên con đường nham nhở, ngổn ngang ổ gà của xóm lao động nghèo, các đệ tử của ông Long với những thùng kẹo kéo trên chiếc xe máy cà tàng tỏa ra khắp địa bàn quận 7 bắt đầu một “đêm” mưu sinh. Đồ nghề của họ là một chiếc thùng bằng gỗ được sơn phết và đặt cẩn thận phía sau xe.

img
Đệ tử ruột của “bầu” Long

Dàn loa, máy phát, mi-crô và âm-pli chỉnh âm đặt gọn ở phía trên thùng, phía dưới là la liệt kẹo kéo, kẹo cao su dạng thỏi, dạng vỉ. Làm nghề này những tưởng giản đơn, ấy vậy mà người bán cũng phải biết thức thời theo thị trường. Trước đây đa số họ chỉ bán kẹo kéo, một mẻ kẹo như vậy, nếu làm tốt có thể kéo được 600 cây, ít hơn thì khoảng 400 đến 500 cây rồi chia cho các đệ tử. Một cây kẹo bán ra với giá từ 3 - 5 ngàn đồng.

Tuy nhiên, bây giờ, người ta cũng không còn mặn mà với kẹo kéo, để đáp ứng được nhu cầu của khách, họ phải lấy thêm kẹo… cao su để bán. “Kẹo cao su tiện lợi, lại thơm miệng nên được khách mua nhiều hơn”, Điền cho biết. “Bán được 500 ngàn thì tụi em được chia lại 175 ngàn, còn tiền xăng, tiền ăn ở đều do chủ lo”, Điền kể thêm.

Mặc dù “xuất quân” từ tầm 19 giờ nhưng theo Điền đấy chỉ là giờ khởi động. Còn “khung giờ vàng” là từ 21 - 23 giờ, bởi vào thời điểm này các khách ăn uống theo gia đình đã bớt dần, đa phần là bạn bè hoặc tình nhân. Những vị khách này thường phóng khoáng và hay mua ủng hộ anh em.

Mỗi đêm như vậy, nếu thời tiết tốt, trung bình một người có thể chạy từ 4 - 5 “điểm”, vừa diễn vừa bán. “Điểm” ở đây là những quán nhậu vỉa hè, quán ăn về đêm, càng đông người càng tốt. Đang “diễn” mà mưa giữa chừng thì phải ráng, lấy áo mưa trùm máy móc để tránh chập điện, hư hỏng, còn mình ráng được tới đâu thì ráng.

Còn hôm nào mưa suốt thì chỉ có nước nằm nhà trùm chăn và rầu… thúi ruột. Mấy bữa mưa tối mắt tối mũi, ngồi cà phê gần chỗ Điền ở, gọi điện ra nói chuyện chơi, quán cũng bình dân, uống xong ly cà phê, Điền ái ngại: “Trước đến nay em chỉ ngồi cà phê cóc”. Hỏi chuyện bán buôn, Điền lè nhè như con mèo mắc mưa: “Mấy hôm nay mưa suốt, tụi em nằm nhà không hà, em đang bị viêm họng nữa”. Hỏi tiền đâu sống, Điền cười méo xệch: “Phải ráng chớ biết sao hả chị”.

Theo đà phát triển ngày một đông đúc của các quán nhậu, quán ăn, người bán kẹo kéo cũng có thêm địa bàn hoạt động. Tuy nhiên, không phải quán nào cũng cho họ hành nghề. Để được bán kẹo, họ phải năn nỉ ỉ ôi quản lý quán hoặc bảo vệ. Một số quán còn có tiền lệ không cho kẹo kéo hát nữa vì sợ làm phiền khách và gây mất trật tự.

“Đáng ngại hơn, người ta không nói với mình là không cho bán mà lặng lẽ kêu công an. Làm nghề tụi em có hai cái ngại lớn nhất, một là ngại va chạm khách, hai là ngại gặp công an. Chuyện khách nhậu xỉn chửi mắng và mạt sát tụi em là chuyện cơm bữa”, Điền bộc bạch.

Nghe Điền kể, anh Sơn, giữ xe quán 535, Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cho biết thêm: “Nói đâu xa, hôm qua cũng có một nhóc kẹo kéo bán ở đây, có một thằng cha cầm mi-crô của người ta hát hoài không trả, tới chừng thằng nhỏ xin lại để đi quán khác thì đập cái mi-crô của người ta, còn toan đạp đổ xe, may mà có mấy anh em giữ xe ở đây ra can”.

Điền cũng đã nhiều lần bị công an “hốt”, có anh thương tình chỉ cảnh cáo, có người thì phạt chừng 150 đến 200 ngàn cho sợ, nhưng cũng có người làm khó. Kể đến đây, Điền rùng mình nhớ lại khoảng thời gian cách đây bảy, tám năm khi bị công an phường B, quận 1) hốt một cách thê thảm.

img
“Cần câu cơm” của cánh kẹo kéo

Ông bà chủ phải chạy vạy mượn khắp xóm, gần 10 ngày mới có đủ 1,7 triệu đồng để chuộc thùng kẹo (lúc ấy vàng 2,5 triệu đồng/chỉ). Về đến nhà, hai thầy trò ngồi nhìn nhau mà nước mắt chảy ròng ròng. Lần khác thì bị công an phường N cùng quận giữ thùng 30 ngày, tiền phạt chỉ có 300 ngàn nhưng cứ hẹn ông Long chạy lên chạy xuống bở hơi tai. “Thùng kẹo với cái xe là cần câu cơm của tụi em, giữ cả tháng trời thì tụi em biết lấy gì sống!”.

Làm cái nghề sợ mếch lòng nhiều người này theo ông Long, cùng với khả năng ca hát, đức tính đầu tiên của người bán kẹo kéo là phải biết nhẫn nhịn và biết “giao lưu”. Khách nói gì cũng phải dạ dạ, vâng vâng, mời uống một hai ly bia cũng không được từ chối dù biết uống vào chịu không thấu. Thành ra hôm nào về đến nhà mà anh kẹo kéo nào còn tỉnh mới là chuyện lạ.

Tình người đọng lại

Âm thầm theo chân Điền vào một buổi tối, tôi mới hiểu được hết tình cảm của những con người lao động nghèo dành cho nhau. Điền chạy quanh quanh, thấy quán nào đã có anh em bán rồi, dù thuộc hay không thuộc “phe” mình cũng chạy sang quán khác, như Điền chia sẻ: “Anh em cùng cảnh ngộ như nhau, giữa tụi em chưa hề có sự cạnh tranh kiểu đánh nhau hoặc cãi vã để giành địa bàn”.

Đó cũng là quy luật bất thành văn của giới kẹo kéo. Thế mới biết, dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng họ vẫn giữ được tinh thần cạnh tranh lành mạnh, dựa trên chính khả năng của mỗi người và bảo bọc nhau để sống. Có hôm mấy anh em kẹo kéo hành nghề “tự do” từ Gò Vấp chạy sang quận 7 “đổi gió” một hai đêm, nhưng giá kẹo bán thấp hơn. Vậy là mấy anh em chủ động bắt liên lạc với nhau, thống nhất về giá để anh em bên này thuận buôn bán.

Mấy anh em giữ xe ở các quán đêm mà Điền được “cấp phép” hành nghề cũng rất quý và thương Điền. Vừa thấy bóng Điền, một cậu nhỏ giữ xe trạc hai mươi tuổi đã lên tiếng: “Anh Mai-cồ mấy nay bán đỡ không?”. Khi Điền nhảy say mê hoặc vào quán bán kẹo thì họ ngoài việc trông xe cho khách cũng liếc mắt, trông hộ luôn chiếc xe của Điền. Điền bảo nhiều khi gặp khách quấy phá, khó chịu thì cũng nhờ mấy anh em tiếp viên của quán cả.

Chuyện đã vãn, nghề kẹo kéo cũng không còn thịnh hành như trước, hỏi Điền định làm gì, còn tính chuyện vợ con. Điền cười trừ, rồi trầm ngâm: “Em cũng chưa biết tính thế nào nữa vì làm gì cũng cần có tiền. Nếu có tiền, em sẽ đi học cái gì đó liên quan về nhạc… Thôi, tới đâu hay tới đó, miễn sao mình sống lương thiện là được”.

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem