Vùng sâu Đắk Nông dồn lực cho cuộc "Marathon" về đích nông thôn mới

An Nhiên Thứ năm, ngày 16/11/2023 07:16 AM (GMT+7)
Trong cuộc đua "Marathon" về đích nông thôn mới (NTM), nhiều xã vùng sâu Đắk Nông không có xuất phát điểm thuận lợi. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị, nhất là sự đồng lòng của bà con nhân dân, nhiều địa phương đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Bình luận 0

Vượt khó vươn lên

Bây giờ về xã Nam Xuân, huyện Krông Nô (Đắk Nông), xe bon bon chạy đến tận nhà, không còn cảnh sình lầy vào mùa mưa hay bụi bay tung trời mỗi khi nắng đến. Nam Xuân là xã thuần nông nguồn thu nhập của bà con chủ yếu vẫn dựa vào nghề nông.

Vùng sâu Đắk Nông dồn lực cho cuộc "Marathon" về đích nông thôn mới - Ảnh 1.

Người dân huyện Krông Nô (Đắk Nông) chung sức xây dựng đường giao thông nông thôn.

Khi bắt đầu cuộc đua về đích NTM, xã Nam Xuân có xuất phát điểm thấp. Năm 2007 xã được chia tách từ xã Đắk Sôr với nền tảng cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, đường xá đi lại khó khăn, trường học, trạm y tế chưa được phát triển, trong những năm đầu xây dựng NTM xã chỉ đạt một số tiêu chí theo quy định.

Tuy nhiên, với sự nổ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đoàn kết của toàn nhân dân, từ năm 2010 đến nay, xã Nam Xuân đã huy động được tổng nguồn lực thực hiện Chương trình NTM là 35,874 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 14,140 tỷ đồng; Ngân sách địa phương 13,913 tỷ đồng; Huy động đóng góp của nhân dân 7,821 tỷ đồng.

Gần 13 năm thực hiện chương trình NTM, xã Nam Xuân đã đạt được những kết quả quan trọng. Mới đây nhất, UBND xã Nam Xuân tổ chức tự đánh giá đạt chuẩn NTM theo quy định là 18/19 tiêu chí, đạt 94,7%.

Vùng sâu Đắk Nông dồn lực cho cuộc "Marathon" về đích nông thôn mới - Ảnh 2.

Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Lễ hội Lồng Tồng ở xã Nam Xuân, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông).

Từ năm 2012-2023, UBND xã Nam Xuân lồng ghép nhiều nguồn vốn, chương trình dự án và huy động người dân tham gia đầu tư nâng cấp các tuyến đường trên địa bàn xã. Nổi bật như phong trào làm đường giao thông theo vốn vay kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn, dân làm nhà nước hỗ trợ. Kết quả đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa và cứng hóa tổng cộng hơn 19,19km đường giao thông các loại với tổng kinh phí đầu tư thực hiện là 28,980 tỷ đồng, từ đó đã hoàn thiện các tuyến đường trên địa bàn xã.

Đặc biệt, xã Nam Xuân đã không có nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định đạt ≥ 80%. Để xóa được nhà tạm, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã Nam Xuân đã xây dựng kế hoạch tập trung huy động nguồn lực để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, bảo đảm người dân trên địa bàn xã có nhà ở an toàn.

Vùng sâu Đắk Nông dồn lực cho cuộc "Marathon" về đích nông thôn mới - Ảnh 3.

Những ngôi trường được xây dựng khang trang, quy mô, phục vụ nhu cầu học tập của học sinh ở xã vùng sâu Đắk Nông.

Để tăng thu nhập, nâng cao mức thu nhập cho người dân, những năm qua, xã Nam Xuân chú trọng công tác tuyên truyền, khuyến khích và tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho nhân dân phát triển kinh tế; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp với phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. 

Đến nay, xã Nam Xuân đạt chuẩn về tiêu chí thu nhập khi có mức thu nhập bình quân đầu người/năm của xã, đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 của năm 2022 là ≥ 45tr đồng/người/năm.

Sự đồng lòng của toàn dân

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) đã đạt chuẩn NTM nâng cao đầu tiên của Đắk Nông. Bài học thành công trong xây dựng NTM ở Đắk Nông chính là thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Lãnh đạo UBND xã Đắk Wer cho biết, việc xây dựng NTM trên địa bàn đã phát huy vai trò chủ thể của người dân. Khi lòng dân đã thuận, họ sẵn sàng góp sức, nguồn lực cùng chính quyền hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra.

Vùng sâu Đắk Nông dồn lực cho cuộc "Marathon" về đích nông thôn mới - Ảnh 4.

Nông dân huyện Krông Nô (Đắk Nông) chinh phục vùng đất khó, tạo lập vùng cam quýt đặc sản dưới chân núi lửa Nâm Kar.

Đắk Wer có dân số hơn 10.000 người, trong đó đồng bào M'nông chiếm 6%. Khi triển khai xây dựng NTM, Đắk Wer đã huy động nhiều nguồn lực và nhanh chóng vươn lên. Từ năm 2011 đến 2019, địa phương huy động gần 60 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp 12 tỷ đồng, chiếm 20%.

Giai đoạn 2020-2023, Đắk Wer đẩy mạnh thực hiện xây dựng NTM nâng cao. Trong 3 năm qua, đã huy động các nguồn lực đầu tư cho chương trình hơn 42,21 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp 17,526 tỷ đồng, chiếm 41,5%.

Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã đạt được phấn đấu đến năm 2025 đạt NTM kiểu mẫu. Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Đắk Wer đang triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế như: khuyến khích người dân tận dụng tối đa diện tích đất hiện có, xen canh các loại cây trồng ngắn ngày, chuyển đổi đa dạng hóa cây trồng áp dụng khoa học kỹ thuật.

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Đắk Nông, năm 2011, khi triển khai xây dựng NTM, Đắk Nông đang còn rất nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng vùng nông thôn thấp kém, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân của người dân vùng nông thôn chỉ đạt 15 triệu đồng/năm. Về đánh giá theo Bộ tiêu chí NTM, toàn tỉnh đạt bình quân 3,1 tiêu chí/xã; trong đó xã đạt cao nhất 9 tiêu chí, 46 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Với tinh thần quyết tâm cao, bằng việc huy động toàn xã hội và cả hệ thống chính trị vào cuộc, chương trình xây dựng NTM của tỉnh Đắk Nông nhanh chóng đạt kết quả. Đặc biệt, trong triển khai chương trình xây dựng NTM, tại tỉnh Đắk Nông đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua, nhờ vậy huy động được nguồn lực lớn trong toàn xã hội, có thể kể đến như: "Tuổi trẻ Đắk Nông chung tay xây dựng NTM"; "Phụ nữ Đắk Nông chung sức, chung lòng xây dựng NTM"; "Quân đội chung sức xây dựng NTM"; "Nông dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông chung tay xây dựng NTM"; "Sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức về công cuộc xây dựng NTM".

Vùng sâu Đắk Nông dồn lực cho cuộc "Marathon" về đích nông thôn mới - Ảnh 5.

Nhiều mô hình chuyển đổi kinh tế hiệu quả nhờ xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông.

Kết quả, từ năm 2011 đến 2022, Đắk Nông đã huy động các nguồn vốn đầu tư vào khu vực nông thôn cho xây dựng NTM khoảng 150.000 tỷ đồng. Trong đó, huy động cộng đồng (bao gồm ngày công, tiền mặt, hiến đất, cây trồng để đối ứng xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng) hơn 2.300 tỷ đồng.

Những năm gần đây, bình quân mỗi năm Đắk Nông huy động hơn 20.000 tỷ đồng đầu tư vào khu vực nông thôn. Nguồn lực đầu tư năm sau luôn cao hơn năm trước. Đến nay, Đắk Nông có 35/60 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, xã Đắk Wer đạt chuẩn NTM nâng cao và TP Gia Nghĩa được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem