Vườn Quốc gia Phước Bình ở Ninh Thuận (Kỳ 1): Khu rừng nổi tiếng vùng nắng gió hút người xem
Vườn Quốc gia Phước Bình ở Ninh Thuận (Kỳ 1): Khu rừng nổi tiếng vùng nắng gió, khô hạn hút du khách
Đức Cường
Thứ tư, ngày 22/03/2023 05:21 AM (GMT+7)
Vườn Quốc gia Phước Bình, khu rừng già nổi tiếng giữa vùng nắng gió, khô hạn (huyện Bác Ái tỉnh Ninh Thuận), nơi đàn bò tót lai đang sinh sống có cảnh quan độc đáo, đa dạng thảm thực vật, là cái nôi cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đi vào lịch sử của dân và quân Ninh Thuận ngày nào...
Dưới tán rừng xanh thẳm của núi rừng Phước Bình là những ghềnh, thác nước hoang sơ, đẹp say đắm lòng người.
"Xứ sương mù" giữa Vườn Quốc gia Phước Bình
Vườn Quốc gia Phước Bình có nhiều đồng bào dân tộc đang sinh sống, ẩn chứa giá trị văn hoá, lịch sử của dân tộc Raglai, Churu… là cái nôi cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đi vào lịch sử của quân và dân tỉnh Ninh Thuận…
Vùng đất này bây giờ là nơi đất "lành chim đậu", cho ra nhiều cây ngon quả ngọt như bưởi da xanh, sầu riêng, chuối hột cô đơn, nấm linh chi…
Nơi đây còn nguyên những nếp nhà sàn của người Raglai nằm trải dài bên bờ suối, uốn lượn theo triền núi trùng trùng điệp điệp xuyên qua 3 tỉnh Ninh Thuận – Lâm Đồng - Khánh Hòa. Nhờ đó, tạo nên một khung cảnh sơn thủy hữu tình, khí hậu mát mẻ, níu chân du khách phương xa đến thưởng ngoạn…
Ngoài tác dụng bảo tồn đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Phước Bình ở xã Phước Bình, còn góp phần nâng cao năng lực phòng hộ đầu nguồn và tiếp nước cho hệ thống sông Cái tỉnh Ninh Thuận. Những công trình thủy lợi ở đây phục vụ cho đời sống người dân, các hoạt động tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng…
Sau bao lần lỡ hẹn, một ngày trung tuần tháng 2/2023, chúng tôi cũng có dịp "du ngoạn" khám phá Vườn Quốc gia Phước Bình cùng nhóm bạn đồng nghiệp theo lời mời của một hướng dẫn viên du lịch không chuyên ở Ninh Thuận.
Clip Vườn Quốc gia Phước Bình - "Xứ sương mù" nơi miền nắng gió. T/h: Đức Cườngv
Xuất phát từ trung tâm TP.Phan Rang-Tháp Chàm, chúng tôi vi vu khoảng 40Km trên những chiếc xe máy trên Quốc lộ 27A hướng đi Đà Lạt (Lâm Đồng) rồi rẽ phải dọc Quốc lộ 27B hướng đi Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng hơn 1km là tuyến tỉnh lộ 707 thẳng về Vườn Quốc gia Phước Bình.
Con đường trải bê tông nhựa quanh co, uốn lượn theo chân núi cao, một bên là dòng sông Cái thơ mộng đưa chúng tôi vào tận Vườn Quốc gia Phước Bình.
Chạy xe máy trên cung đường đèo uốn lượn xuyên qua những dãy núi trùng trùng, điệp điệp, nhiều ghềnh thác nước bên màu xanh bất tận, chúng tôi cứ ngỡ như mình đi lạc một trong tứ đại đèo ở núi rừng Tây Bắc.
Chứng kiến những dải mây trắng giăng giăng trên những triền núi, anh Mạnh Hải, một du khách ở TP.HCM cùng đi với chúng tôi hào hứng thốt" Ôi, phong cảnh quá hữu tình, một tỉnh nổi tiếng về biển mà lại có điểm săn mây, khí hậu mát, se lạnh thế này thì thật là của hiếm…".
Anh Hoàng Nhân, một hướng dẫn viên du lịch thường xuyên dẫn du khách "săn mây" ở Vườn Quốc gia Phước Bình cho biết, dọc đường từ hồ sông Cái vào đến trung tâm xã Phước Bình, rất nhiều điểm ngắm mây bay dưới thung lũng.
"Đây không phải là một điểm đến cụ thể, mà là một cung đường và chúng ta có thể vừa đi vừa ngắm cảnh, dừng lại ở nơi mình thích để Checkin, ngắm thiên nhiên tuyệt với mà không nơi đâu có được...", anh Nhân nói đầy tự hào.
Nhiều du khách khám phá Ninh Thuận tỏ ra bất ngờ với khí hậu ở Ninh Thuận. Nơi đây không chỉ là miền sa mạc đầy nắng gió, mà còn có khí hậu ôn đới mát quanh năm tại Vườn Quốc gia Phước Bình. Theo anh Hoàng Nhân, đây là một trong những điều hấp dẫn, mới mẻ đối với du khách thập phương…
"Kho báu" giữa đại ngàn Phước Bình
Sau gần 2 giờ di chuyển, nhóm chúng tôi đã đến nơi cần đến tại suối Gia Nhông để bắt đầu hành trình xuyên rừng khám phá đồi núi. Tình cờ chúng tôi gặp anh Nguyễn Khánh Bảo, người có nhiều năm công tác ở đây và hiện là Giám đốc trung tâm giáo dục và dịch vụ môi trường rừng của Vườn Quốc gia Phước Bình.
Bằng kinh nghiệm và vốn kiến thức của mình, anh Nguyễn Khánh Bảo dẫn chúng tôi "xuyên rừng" khám phá những "khó báu" giữa rừng xanh Phước Bình.
Chúng tôi băng hơn 1,5 km đường rừng để suối Gia Nhông. Có lúc đi trên các bậc thang, lúc thì qua lối mòn, len lỏi qua những cánh rừng già khiến ai nấy đều thích thú dù thấm mệt.
Theo ghi chép của vườn Quốc gia Phước Bình, suối Gia Nhông còn được gọi là E-Ba-Rói (E: có nghĩa là nước, Ba –Rói nghĩa là cây làm ná). Vì trước đây dòng suối này có rất nhiều cây Bình Linh, gỗ Bình Linh được dùng làm cung của cây ná.
Dọc suối Gia Nhông có rất nhiều thắng cảnh, trong đó phải kể đến thác Đá Bàn, Đá Đen và thác đuôi rồng... Những điểm nhấn này, tạo thành một quần thể suối thác dài khoảng 11km tuôn chảy quanh năm kéo dài từ Lâm Đồng đến Ninh Thuận.
Nhiều khu vực thác đổ rất sâu, phía dưới nước chảy lâu ngày tạo thành những hồ nhỏ, trở thành không gian bay nhảy đắm chìm trong nước suối mát lạnh của du khách.
Dừng chân nghỉ mát dưới tán cây Căm xe cổ thụ trăm tuổi, anh Nguyễn Khánh Bảo cho biết, Vườn Quốc gia Phước Bình có 80% diện tích là rừng tự nhiên, được các nhà khoa học đánh giá là mẫu chuẩn hệ sinh thái đặc trưng cho rừng khô hạn của tỉnh Ninh Thuận.
Là địa điểm lý tưởng trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn và đa dạng sinh học ở cả 3 cấp độ: Đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài và đa dạng nguồn gen. Có nhiều loài đặc hữu của vùng bán đảo Đông Dương và Việt Nam, trong đó có một số loài đặc hữu của Ninh Thuận.
Toàn vườn hiện có hệ động thực vật phong phú, trong đó có nhiều loại thuộc hàng quý hiếm đang bị đe dọa ở cấp quốc gia cũng như toàn cầu và được ví như "kho báu" giữa đại ngàn Phước Bình.
Cụ thể, hệ thực vật hiện có 156 họ, 584 chi, 1.225 loài với nhiều loài quý hiếm như: Pơ mu, thông lá dẹt, cẩm lai, giáng hương, gõ đỏ…
Ngoài ra còn có 327 loài động vật thuộc 94 họ, 28 bộ; trong đó có 69 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới (IUCN).
Một số loài thú đang bị đe dọa trên toàn cầu như: Vượn má hung, Sơn dương và có cả các loài chim sinh sống như: Trĩ sao, trẹo cây mỏ vàng, khướu đầu đen má xám, khướu mỏ dài, hồng hoàng, sẻ thông họng vàng, là một trong 63 vùng chim quan trọng nhất của Việt Nam đang sinh sống ở Vườn Quốc gia Phước Bình.
Vườn quốc gia Phước Bình được thành lập theo Quyết định số 822/QĐ-TTg ngày 8/6/2006, chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bình thành Vườn quốc gia Phước Bình trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam.
Vườn có tổng diện tích 19.814 ha chia làm 3 phân khu chức năng gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rộng 10.486 ha, Khu phục hồi sinh thái rộng 9.144 ha và Phân khu hành chính - dịch vụ rộng 184 ha.
Hiện trạng thảm thực vật rừng gồm kiểu rừng kín thường xanh chủ yếu cây lá rộng á nhiệt đới núi thấp có diện tích 1858,94ha, chiếm 9,38% diện tích tự nhiên Vườn, phân bố ở độ cao trên 1000m so với mực nước biển, ở phía Tây, Tây Bắc và phía Bắc Vườn Quốc gia. Kiểu rừng này phát sinh trên các loại đất Feralit núi cao. Nhiệt độ ở kiểu rừng này thường thấp hơn từ 3-40c so với vùng thấp; độ ẩm cao, nhiều mây mù.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.