Xứ Phật bên bờ biển Ninh Chử, chốn du lịch tâm linh đẹp hài hòa ở Ninh Thuận

Bùi Phụ Thứ ba, ngày 15/11/2022 14:01 PM (GMT+7)
Nhiều năm qua du khách thích du lịch tâm linh đến Ninh Thuận thường chọn những ngôi chùa trên núi để tĩnh tâm. Bên bờ biển Ninh Chử thuộc huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), có một ngọn núi và trên núi có nhiều ngôi chùa khiến ai đến cũng ngất ngay…
Bình luận 0

Chùa trên núi đá

Biển Ninh Chử thuộc thôn Ninh Chử, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hả i(Ninh Thuận), cách trung tâm TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) khoảng 5km lâu nay nổi tiếng là một trong những bờ biển đẹp của Việt Nam. Người xưa đặt tên là Ninh Chử là do vùng vịnh biển này đẹp, sóng lặng, yên bình. Theo nghĩa chữ Hán, Ninh: bình yên, thái hòa, Chử: bờ bãi. 

Xứ Phật bên bờ biển Ninh Chử, nơi tĩnh tâm cho những ai thích du lịch tâm linh ở Ninh Thuận  - Ảnh 1.

Các ngôi chùa trên núi Đá Chồng. Ảnh: Đức Cường.

Nằm gần bờ biển Ninh Chử có một hòn núi có hàng nghìn tảng đá nặng hàng nghìn tấn nằm chồng lên nhau nên người dân đặt tên là núi Đá Chồng. Trên núi có hàng chục ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo và tất cả tạo thành một quần "sơn thủy hữu tình" khiến ai đến cũng thích thú trước thiên nhiên hùng vĩ này…

Một ngày đầu tháng 11/2022, chúng tôi theo chân đoàn du khách từ TP.HCM đến tắm biển Ninh Chử và dâng hương, lễ Phật trên núi Đá Chồng. Khi hoàng hôn vừa buông xuống, đứng bên bờ biển Ninh Chử nhìn lên núi Đá Chồng, trong mắt chúng tôi là hàng chục ngôi chùa lớn nhỏ, nằm bên lưng chừng núi rất đẹp.

Buổi tối, khi ánh đèn điện trong các ngôi chùa được thắp lên, ánh sáng nhiều màu tạo thành một bức tranh với không gian huyền ảo. Và cũng chính những ánh đèn vàng cổ kính, lung linh huyền ảo trong các ngôi chùa ẩn hiện bên rừng cây và núi đá, giống như ánh hào quang ngũ sắc phát lên trên ngọn núi.    

Ấn tượng với chúng tôi là hai bên đường lên đỉnh núi là nhiều tảng đá lớn, nhỏ nằm chồng lên nhau, cheo leo vách núi, như có bàn tay con người sắp từng tảng đá… Theo con dốc từ chân lên lưng chừng núi với khoảng hơn 100 bậc thang, là đến cổng vào các ngôi chùa trên núi Đá Chồng.

Bác Thiện Tâm, một du khách đến từ TP.HCM cho biết, hàng năm cứ vào dịp đầu tháng 11, gia đình ra Ninh Thuận nghỉ dưỡng. Sau khi tắm biển Ninh Chử và ăn tối xong, đợi hoàng hôn xuống, gia đình bác Thiện Tâm đi bộ lên các chùa trên núi Đá Chồng dâng hương, lễ Phật.

"Cả nhà tôi, các con cháu đều thích ngắm khung cảnh về đêm ở đây. Đặc biệt là khi màn đêm buông xuống, nghe tiếng chuông chùa vang xa, cộng với mùi thơm của hương trầm lan tỏa, chúng tôi có cảm giác như mình lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Không gian ở đây rất yên tĩnh, khơi gợi cho tâm mình hướng về chân thiện mỹ nhiều hơn…", bác Thiện Tâm chia sẻ.

Xứ Phật bên bờ biển Ninh Chử, nơi tĩnh tâm cho những ai thích du lịch tâm linh ở Ninh Thuận  - Ảnh 2.

Trên núi nhìn xuống thấy cảnh đồng quê rất thanh bình, yên ả và biển Ninh Chử xa xa...Ảnh: Đức Cường.

Cõi thiền trên trên núi Phụng

Các vị lớn tuổi sống lâu trong vùng này cho biết, tên gọi Đá Chồng là do ngọn núi có rất nhiều hòn đá nằm chồng lên nhau tự nhiên giữa đất trời nhấp nhô, với muôn vẻ hình thù mà không nơi nào có được.

Bao quanh núi Đá Chồng là những cánh đồng lúa, khu dân cư, đầm và biển Ninh Chử. Núi có hình dáng giống như con chim Phụng (Phụng Sơn) đang khép mình bên đại dương xanh. Từ vẻ đẹp và hình ảnh ý nghĩa của núi Đá Chồng, các bậc tiền nhân chọn nơi đây xây chùa và tính đến nay đã có hàng chục ngôi chùa lớn, nhỏ được xây dựng lên từ chân đến đỉnh núi. Trong đó phải kể đến các ngôi Trùng Sơn Cổ Tự, Thiền Viện Trúc Lâm Viên Ngộ…

Xứ Phật bên bờ biển Ninh Chử, nơi tĩnh tâm cho những ai thích du lịch tâm linh ở Ninh Thuận  - Ảnh 3.

Trùng Sơn Cổ Tự trên núi Đá Chồng có lối kiến trúc độc đáo. Ảnh: Đức Cường

Trùng Sơn Cổ Tự được xây dựng vào năm 1973. Ban đầu là ngôi tịnh am nhỏ nhưng sau gần 50 năm mở rộng trùng tu, ngôi chùa hiện rộng lớn và có kiến trúc rất độc đáo. Chùa được xây dựng từ các tảng đá xanh tự nhiên, nằm ở độ cao hơn 60m so với mực nước biển. Từ chân núi lên Trùng Sơn Cổ Tự, chúng tôi đã bước khoảng 300 bậc đá xanh, được các nghệ nhân xếp đặt rất kỳ công.

Clip: Toàn cảnh những ngôi chùa trên núi Đá Chồng. Thực hiện: Đức Cường

Theo sử sách ghi lại, năm 1910, có vị Tổ sư đạo hiệu Huệ Khánh vân du khắp nơi từ Phú Yên vào đến Ninh Thuận truyền đạo.

Khi đến núi Đá Chồng, ngài thấy cảnh quan nơi này yên tĩnh và uy nghiêm, tiện cho việc thiền tọa, tu tập nên chọn một hang núi làm tịnh am để thiền định và truyền bá đạo pháp.

Đến năm 1925, tịnh am chính thức đặt tên là chùa Trùng Sơn và được qúy Hòa thượng chọn nơi đây mở lớp dạy chữ Hán, Pháp, Quốc Ngữ và bốc thuốc trị bệnh cho bà con trong vùng...

Khoảng những năm 1991 đến 1993, Trùng Sơn Cổ Tự được đại trùng tu và có lối kiến trúc đẹp, độc đáo như hôm nay.  

Xứ Phật bên bờ biển Ninh Chử, nơi tĩnh tâm cho những ai thích du lịch tâm linh ở Ninh Thuận  - Ảnh 6.

Một ngôi chùa trên núi Đá Chồng. Ảnh: Đức Cường

Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ

Trên núi Đá Chồng còn có ngôi thiền viện nổi tiếng và thu hút khách thập phương là Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ (thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử).

Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ trước kia vốn là ngôi Miếu Văn Thánh, thờ đức Không Tử của Hội Không Học tỉnh Ninh Thuận.

Ngày 15/3 2004, Thượng tọa Thích Thông Huệ đứng ra làm đơn xin cấp đất, tiếp nhận quản lý và sử dụng Miêu Khổng Tử làm cơ sở thờ phụng tín ngưỡng, dưới sự hỗ trợ về mặt pháp lý của Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Ninh Thuận và sự đồng thuận về mặt tinh thần của Ban Quản Trị Thiền Phái Trúc Lâm.

Ngày 15/3/2005, UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận cho đổi tên Miếu Khổng Tử thành Thiền viện Viên Ngộ, với tổng diện tích đất 41.826m

Ngày 6/12/2008, lễ đặt đá xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ đã diễn ra trang nghiêm long trọng dưới sự chứng minh của Chư Tôn Giáo Phẩm và Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Ninh Thuận và hơn 1000 phật tử xa gần trong và ngoài tỉnh tham dự.

Xứ Phật bên bờ biển Ninh Chử, nơi tĩnh tâm cho những ai thích du lịch tâm linh ở Ninh Thuận  - Ảnh 7.

Cổng tam quan lên chùa trên núi Đá Chồng. Ảnh: Đức Cường

Thiền viện thuộc hệ thống Thiền phái Trúc Lâm, các đường nét được thể hiện theo phong cách thuần tuý, kết hợp hai hòa giữa kiến trúc truyền thống Á Đông cổ điển và mái chùa Việt Nam giản dị.

Chánh điện được xây dựng bằng đá, hai mái cong, lợp ngói nâu, thờ tượng Đức Phật Thích Ca. Hai bên thờ Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiển Bồ tát.

Ngày 9/12/2009, Thiền viện đã cử hành lễ An vị Phật dưới sự chứng minh của chư Tôn Đức Tăng Ni trong Tổng môn và Ban Trị Sự tỉnh Ninh Thuận cùng đông đảo phật tử trong và ngoài tỉnh.

Vào những ngày rằm lớn và vía Phật, Thiền viện đều có tổ chức những khóa lễ trang trọng và lễ quy y cho Phật tử xa gần.

Vào ngày 19/2 (Âm lịch), hằng năm đều tổ chức Lễ hội Hoa đăng cúng dường nhân ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm, thu hút nhiều phật tử các nơi về tham dự.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem