Thiếu nhiều kinh phí
KVIP được Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc thống nhất triển khai xây dựng. Đây là nơi tư vấn, đào tạo nhân lực, nghiên cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của TP.Cần Thơ và khu vực ĐBSCL hoạt động trong các lĩnh vực nuôi, trồng, chế biến nông thủy sản và chế tạo cơ khí phục vụ chế biến nông thủy sản. Tuy nhiên, nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến vốn.
Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: H.X
Theo thông tin từ KVIP, phía Hàn Quốc chỉ đầu tư được 2 triệu USD về lĩnh vực máy móc, thiết bị trong khi đó thoả thuận ban đầu là 5 triệu USD. Vì vậy, hệ thống máy móc, thiết bị của KVIP vẫn còn thiếu và đã gây ra một số khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà đơn vị này đã đặt ra.
“Thông tin từ phía Hàn Quốc cho biết, họ đã kết thúc dự án đầu tư vào KVIP. Hiện họ chỉ đầu tư được khoảng 2 triệu USD chi phí máy móc, thiết bị” - ông Phạm Minh Quốc - Giám đốc KVIP cho biết.
Ngoài thiếu nguồn kinh phí trên, báo cáo công tác quý I và kế hoạch thực hiện trong quý II của KVIP gửi UBND TP.Cần Thơ thể hiện, các nguồn kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia vào vườn ươm lớn nhất ĐBSCL vẫn chưa được ngành chức năng trình UBND thẩm định, phê duyệt.
KVIP được khánh thành vào tháng 11.2015. Dự án này có tổng vốn đầu tư trên 21 triệu USD, trong đó, vốn viện trợ chính thức (ODA) không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc gần 17,7 triệu USD (trong đó có 5 triệu USD đầu tư máy móc, thiết bị) và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam là trên 3,4 triệu USD.
|
Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu rõ, trong năm 2017, nếu căn cứ theo Quyết định số 3938/QĐ-UBND của TP.Cần Thơ về việc giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2017 của KVIP thì nơi đây không có đủ kinh phí để thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp.
“Hiện tại, KVIP đang cộng tác với một số chuyên gia trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp ươm tạo cũng như xét chọn doanh nghiệp, tuy nhiên chưa có chính sách hỗ trợ cho các chuyên gia này” – báo báo của KVIP nói về một trong những khó khăn đang gặp phải.
Nhiều bộ, ngành “giải cứu”
Trước những khó khăn trên, KVIP đề nghị UBND thành phố xem xét cấp bổ sung thêm kinh phí, điều chỉnh bổ sung quy chế hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị này thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp theo đúng quy định. Ngoài ra, KVIP đề nghị thành phố có chính sách hỗ trợ cho chuyên gia, nhà khoa học tham gia cộng tác với đơn vị này.
Ngành chức năng TP.Cần Thơ tham quan KVIP. Ảnh: H.X
Liên quan đến những khó khăn trên, lãnh đạo KVIP, UBND TP.Cần Thơ đã có làm việc, báo cáo với Chính phủ cùng các ngành chức năng có liên quan tại trụ sở Chính phủ vào đầu tháng 3.2017. Theo đó, ngày 15.3, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương làm việc với phía Hàn Quốc để thúc đẩy các can kết hỗ trợ từ phía quốc gia bạn cho KVIP (chuyên gia tư vấn và kinh phí thiết bị), giới thiệu doanh nghiệp làm đối tác liên kết, hỗ trợ hoạt động của KVIP trong thời gian tới; giao Bộ Tài chính hướng dẫn các chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc về thuế cho KVIP.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và UBND TP.Cần Thơ tìm nguồn vốn bù đắp phần kinh phí thiết bị còn thiếu (báo cáo Chính phủ trước ngày 30.6.2017). Riêng UBND TP.Cần Thơ phải cơ cấu lại mô hình tổ chức của KVIP theo hướng tinh gọn, rà soát lại các quyết định về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị này để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.