Vướng mắc về mã số hàng hóa khô dầu đậu tương, một hiệp hội chăn nuôi lớn kiến nghị lên Chính phủ và hai bộ
Vướng mắc về mã số hàng hóa khô dầu đậu tương, một hiệp hội chăn nuôi lớn kiến nghị lên Chính phủ và hai bộ
P.V
Chủ nhật, ngày 05/01/2025 05:56 AM (GMT+7)
Do vướng mắc về mã số hàng hóa của mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi, ngày 4/1/2025, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai và nhóm các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng như nhóm các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi Việt Nam, việc Chính phủ ban hành Nghị định 144/2024/NĐ-CP ngày 01/11/2024 quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng Khô dầu đậu tương (mã số hàng hóa 23040090) giảm từ 2% xuống 1% đã góp phần giúp doanh nghiệp ngành chăn nuôi duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả lương thực, thực phẩm trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, từ khi Nghị định 144/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 16/12/2024, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi lại không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ về giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Nguyên nhân của tình trạng này là do, từ đầu tháng 12/2024, các chi cục hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu áp mã số hàng hóa đối với mặt hàng này là 23040029, có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 2%. Trong khi đó, từ trước tháng 12/2024, các doanh nghiệp luôn khai báo Khô dầu đậu tương nhập khẩu dùng làm thức ăn chăn nuôi theo mã số hàng hóa 23040090 (có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 1%) trên hệ thống VNACC/VCIS của Tổng cục Hải quan và hệ thống đăng ký kiểm tra chuyên ngành của Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ở đây có sự khác biệt, chưa thống nhất về mã số hàng hóa, cùng với đó là thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi giữa việc triển khai Nghị định 144/2024/NĐ-CP của Tổng cục Hải quan với quy định hiện hành của Cục Bảo vệ thực vật và thông lệ thực hiện của các doanh nghiệp.
"Tình hình này không chỉ làm tăng thời gian thông quan hàng hóa, phát sinh thêm chi phí mà còn dẫn đến tâm lý hiểu nhầm hoặc nghi ngờ của doanh nghiệp và dư luận đối với chủ trương, chính sách, và tính đồng bộ, khách quan trong các quy định của cơ quan quản lý", Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nêu thực tế.
Cũng theo các doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi, tình hình vướng mắc hiện nay nếu còn tiếp diễn thì sẽ đi ngược với kỳ vọng của dư luận về điều chỉnh chính sách, bởi Nghị định 144/2024/NĐ-CP thể hiện tư duy lắng nghe, thấu hiểu tình hình khó khăn của doanh nghiệp và kỳ vọng sẽ hỗ trợ đáng kể để ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi giảm bớt áp lực, hạ chi phí nguyên liệu đầu vào, chủ động nguồn cung và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngoài vướng mắc về thông quan hàng hóa nói trên, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Từ khi Nghị định 144/2024/NĐ-CP có hiệu lực ngày 16/12/2024 đến nay, chỉ trong nửa tháng giá khô dầu đậu tương trên thị trường thế giới và trong nước đã bất ngờ tăng mạnh hơn 12% do những biến động về cung - cầu.
Điều này ảnh hưởng nhiều đến chi phí sản xuất trong khi giá bán không thể tăng tương ứng do sức mua thị trường trong nước còn yếu và dẫn đến rủi ro sản lượng ngành thức ăn chăn nuôi cầm chừng, bấp bênh.
Hiện có sự chênh lệch về thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng này giữa các nước xuất khẩu có các hiệp định tự do thương mại với Việt Nam (Ấn Độ, ASEAN...) - được hưởng thuế suất 0% - với những nước khác khác. Các doanh nghiệp trong ngành vì thế bị giới hạn về phạm vi nguồn gốc hàng hóa và khó tiếp cận các quốc gia có sự ổn định nhiều hơn về sản lượng và chất lượng khô dầu đậu tương (Mỹ, Argentina, Brazil...). Đồng thời, nếu thuế suất thuế nhập ưu đãi đối với khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi đều được áp dụng ở mức 1% thì có thể góp phần tăng sản lượng nhập khẩu và hài hòa cán cân thương mại với Mỹ, tránh nguy cơ bị chính quyền mới của tổng thống đắc cử D. Trump áp dụng các biện pháp giám sát và tự vệ thương mại gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Để giải quyết những vấn đề, vướng mắc trên, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai và nhóm các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi Việt Nam kiến nghị các bộ, ngành xem xét kịp thời đưa ra giải pháp điều chỉnh, giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi có mã số hàng hóa 23040029 từ 2% xuống 1% bằng với thuế suất của mã số hàng hóa 23040090.
Đồng thời, đề xuất các doanh nghiệp được phép hồi tố hoàn thuế nhập khẩu cho các lô hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu từ ngày 16/12/2024 theo Nghị định 144/2024/NĐ-CP.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.